Không hiếm các ông bố bà mẹ than trời con mình khờ. Ngoài việc học ra, trẻ không có kỹ năng xử lý tình huống, không biết tự giác trong sinh hoạt hằng ngày… Tuy nhiên, đây không hẳn là một lời chê bai con trẻ.
Nhiều cha mẹ tự hào khoe con ngây thơ, khờ khạo như một cách minh chứng mình yêu thương, bảo bọc, luôn làm mọi điều cho con (Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK) |
Tự hào vì con… khờ
Bạn không đọc nhầm đâu, có một số phụ huynh xem việc con khờ là điều đáng hãnh diện. Con “ngơ ngác” trước đời sống, ví như dù đã lớn nhưng không biết xài tiền, không biết tự đến trường khi ba mẹ có việc bận, không biết tự nấu mì gói để ăn… chứng tỏ chúng được cha mẹ bao bọc, cưng chiều từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc trong đến việc ngoài, con không bao giờ mó tay vào việc gì.
Các vị phụ huynh này mặc nhiên nghĩ: bao bọc, cưng chiều chứng tỏ cha mẹ yêu quý con hơn người khác. Con mình hơn những đứa trẻ phải tự phục vụ và được cha mẹ thả chạy ngoài kia. Việc ấy cho họ cảm giác được ve vuốt đã làm tốt vai trò phụ huynh. Nên bạn đừng ngạc nhiên vì họ ta thán về đứa con “ngoài việc học ra không biết làm gì” với biểu cảm đầy vẻ tự hào, họ khoe lối dạy con kiểu công chúa, hoàng tử…
Con khờ – cha mẹ khổ
Vợ chồng anh Dũng (Q.2, TP.HCM) kinh tế thuộc hàng trung bình, tuổi thơ của anh cũng khó khăn, vất vả. Vợ chồng hiếm muộn, mãi mới có mụn con gái nên rất nâng niu con. Con gái 17 tuổi vẫn không biết nấu cơm, rửa chén hay quét nhà. Sáng anh chở con đến lớp, chiều đón về, học thêm, học đàn hay sinh hoạt ngoại khóa đều ba chở đến và ngồi ở quán cà phê đợi để đón.
Một hôm, con tan học buổi trưa. Mặc dù trường đã thông báo vào đêm hôm trước nhưng anh bận công việc quên bẵng đi, đến lúc giật mình nhớ ra thì đã trễ giờ đón cả tiếng. Anh vội đến cổng trường nhưng không thấy con đâu, kiểm tra điện thoại không có tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ. Anh tán loạn gọi cho vợ, ông bà và cả cô giáo chủ nhiệm, nhưng không ai có tin tức gì của con.
Con khờ, cha mẹ sẽ vất vả, lo lắng, nhưng phụ huynh dường như không muốn con khôn, cứ ủ bọc chúng mãi trong vòng tay mình (Ảnh mang tính minh họa – Lifestylememory) |
Anh nhớn nhác đi tìm con ở các quán nước quanh cổng trường, chẳng thấy bóng dáng con, anh đành chạy xe về nhà. Đến nửa đường, anh thấy con gái cuốc bộ thất thểu giữa trưa, dù nhà cách trường hơn 10km. Gặp con, anh mừng, nhưng cũng bực trong lòng vì con khờ quá. Có tiền trong túi mà con không đi xe ôm hoặc mượn điện thoại ai đó để gọi cho ba.
Gia đình chị Châu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng mệt mỏi vì hai đứa con gái (một 13, một 16 tuổi) không biết làm gì cả, mẹ phải làm việc tại nhà nhân tiện chăm con. Chị vừa mới thay đổi công việc, phải đi làm giờ hành chính, đến 6 giờ tối mới về đến nhà lại phải lao vào bếp lo cơm nước. Ăn xong, chị dọn dẹp quần quật đến bở hơi tai trong khi hai đứa con đi học về từ 4g30 lại không thể bắc nồi cơm, nhặt bó rau.
Từ “khờ” đến vô tâm
Cha mẹ nào cũng thương con, vì vậy luôn muốn con được thảnh thơi. Tâm lý đó bị đẩy lên thái quá khiến con không có kỹ năng sống như bạn bè đồng trang lứa. Chúng ta thương con không đúng, thành ra tước đoạt của con khả năng trưởng thành một cách toàn diện. Khi lớn lên, rời vòng tay cha mẹ, chúng sẽ ngơ ngác và gặp khó khăn khi phải làm quen với mọi thứ.
Bên cạnh đó, việc cứ chăm lo cho con mãi, đến một lúc cha mẹ sẽ mệt mỏi và buồn khi thấy con vô tâm, không biết quan tâm chăm sóc cha mẹ khi bệnh tật.
Lần nọ, tôi đến thăm chị bạn. Sau cuộc phẫu thuật khối u, chị về nhà nằm dưỡng bệnh. Bình thường nhà chị gọn gàng sạch sẽ, nhưng hôm ấy căn nhà như nhà hoang. Chị nói, con trai chị hơn 20 tuổi nhưng không biết chăm mẹ. Chị bệnh nằm mà con không biết nấu ăn hay cắt trái cây, pha ly nước cho mẹ. Nhà cửa bụi bặm, quần áo quăng tứ tung, rác con xả khắp nhà. Chị phải thuê người chăm mình, người nấu ăn cho hai mẹ con và quét dọn lau chùi nhà cửa.
Con chị chỉ biết đi học về ngồi chơi game. Chị thấy tủi thân vì khi ốm đau nằm xuống không nhận được sự chăm sóc và hỏi han từ con.
Nên dạy con kỹ năng sống và tinh thần trách nhiệm từ khi con còn rất nhỏ (Ảnh mang tính minh họa – Lifestylememory) |
Cải thiện độ khờ
Nhiều phụ huynh khi đã nhận ra “con có lớn mà không có khôn” chỉ biết than trời chứ vẫn không có kế hoạch trang bị kỹ năng sống cho con.
Một trong những sai lầm của cha mẹ là không cho con thời gian để làm quen, mà ngay lập tức đòi hỏi con phải có cách ứng xử và hành động hoàn hảo. Khi trẻ làm việc gì đó vụng về thì ngay lập tức chê bai, bày tỏ sự thất vọng. Điều đó làm con thêm mất tự tin.
Cách tốt nhất là hướng dẫn con một cách cặn kẽ. Sau đó hãy cho con bạn thử làm các công việc mà mình đã chỉ dạy, theo dõi và góp ý khi thấy cần thiết. Nếu kết quả con làm chưa tốt, cũng nên chấp nhận, con thực hiện nhiều lần thì sẽ quen và có kết quả tốt hơn. Đừng quên khen ngợi và khuyến khích trong quá trình cải thiện độ “khờ” của con bạn.
Cảnh Hân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nghich-ly-cha-me-thich-khoe-con-kho-a1463342.html” name=””]