Người Việt xem nhà là biểu tượng cho tổ ấm, cho con người, cho năng lực tài chính, cho sự phát triển thịnh vượng của gia tộc.
Ngôi nhà của chúng ta có ý nghịa cực kỳ quan trọng với đời sống chúng ta |
Sau một thời gian không được bước ra khỏi cửa, hình như cả nhân loại đang trăn trở với chuyện nhà.
Năm ngoái, bộ phim Nomadland (Kẻ không nhà) giành loạt giải thưởng danh giá của BAFTA có lẽ vì chạm đến điểm nhạy cảm trong tâm hồn con người hiện đại: Có phải chúng ta đều là những kẻ du mục không nhà? Nhân vật chính là người phụ nữ già, cô độc, mất việc làm, rời bỏ ngôi nhà của mình. “Cô là người vô gia cư, đúng không?”. Câu hỏi ấy được bà trả lời ngập ngừng: “Không, tôi chỉ không có nhà. Khác nhau mà, nhỉ?”.
Ngay cả siêu anh hùng cũng gắn với tâm thức “nhà”, như một dấu mốc. Ba mùa phim Người Nhện xoay trên 1 điểm cố định: nhà. Năm 2017 là Người Nhện trở về nhà, 2019 là Người Nhện xa nhà và 2021 là Người Nhện không còn nhà.
Chợt nhớ ông Bảy Sang, gần trọn một đời chồng vợ con cái chen chúc trong mấy chục mét vuông tôn ván che đùm túm, trồi ra trên mấy cây cừ tràm cắm xuống lòng kênh. Mãi cuối đời, ông mới được sống trong một căn “nhà” thực sự, căn hộ tái định cư. Giờ nhìn ra kênh, ông nói không còn nhớ vị trí chính xác ngôi nhà của mình, bởi dòng kênh thay đổi nhiều quá. Nhưng chẳng sao, ông cười rổn rảng: “Nhà tui xưa nay ở kênh Nhiêu Lộc này chớ đâu!”.
Có phải để biết quý nhà, phải có lúc xa nhà, phải hiểu ngôi nhà từ vị trí bên ngoài, thậm chí trở thành kẻ không nhà? Có ai khi bước ra khỏi mái bình yên ấy mà trong lòng không nao nao nỗi nhớ thương? “Nhà” là một trong những cổ mẫu sơ khai của văn hóa nhân loại, ở bất kỳ nền văn hóa nào cũng có thể thấy thấp thoáng nỗi niềm “trở về mái nhà xưa”, như thể phải có “nhà” thì mình mới là mình vậy.
Nhà – những giá trị tưởng chừng bất biến
Người Việt xem nhà là biểu tượng cho tổ ấm, cho con người, cho năng lực tài chính, cho sự phát triển thịnh vượng của gia tộc.
“Nhà” là chỗ ở nhưng cũng là gia đình, là những người thân yêu, vợ chồng giới thiệu nhau thân thương: “nhà tôi”, hàng xóm thân tình hỏi thăm chúc “chị nhà” mạnh khỏe. Người Việt gọi các tổ chức xã hội là “nhà”: nhà thương, nhà máy, nhà trường… đến cơ quan cao nhất của quốc gia cũng được gọi là “nhà nước”.
Nhà không chỉ là một cơ cấu gỗ đá. Nhà còn là một sự khẳng định, một sự trưởng thành. Nhà báo, nhà văn, nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu… Nhà là một phần bản thể cá nhân, khiến cho con người trở nên khác biệt. Nhà bất biến, cũng bởi vì nhà thay đổi.
Trong đời mỗi con người, bao giờ cũng có những nếp nhà nhớ thương nay chỉ còn trong ký ức. Sài Gòn – thành phố của những di dân, của những giấc mơ nhập cư, những mái nhà đôi khi chỉ là lán che tạm ở công trường xây dựng, là những phòng trọ nhỏ, là mái hiên tá túc. Nhà, lúc đó, trở thành cái nếp sống của con người, bao dung, rộng lòng chia sẻ.
Những giá trị trường tồn, bất biến của ngôi nhà trong tâm thức người Việt đã tạo nên một quán tính mạnh mẽ: người ta làm nhà cho mình và cho con; người ta nuôi nấng, nâng niu những thế hệ trong ngôi nhà đó. Ngôi nhà đôi khi thành rào cản với tự do của mỗi cá nhân, làm hình thành một phản ứng âm thầm trong lớp trẻ. Khi những đứa con trong gia đình coi nhà là cái mai nặng nề úp trên lưng chú rùa tội nghiệp, chúng vẫy vùng tìm cách thoát ra. Nhưng rồi chúng lại sẽ xây một ngôi nhà mới.
Nhà – sự thay đổi của không gian cá nhân
Ngôi nhà trong thực tế phản ánh ngôi nhà trong tâm thức của con người. Thật bất hạnh nếu hai ngôi nhà này không tương thích với nhau. Nhiều cha mẹ làm lụng cả đời để xây một ngôi nhà thật lớn, thật tiện nghi, nhưng những đứa trẻ ở nhà chỉ muốn giam mình trong căn phòng riêng, đóng chặt cửa hoặc sợ hãi cảm giác phải về nhà. Nhiều cặp vợ chồng chọn chia tay vì họ chỉ có căn hộ chung mà không có tổ ấm.
Ai cũng thấy những ngôi nhà của tổ tiên vốn thấp nhỏ, có lẽ bởi tầm vóc vật lý của con người, bởi vật liệu xây dựng còn sơ khai. Ngôi nhà hiện đại đã cao rộng hơn, thoáng đẹp, vĩ đại hơn. Nhưng sự phát triển về tầm vóc của thế hệ mới không chỉ thể hiện ở bình diện vật lý, mà còn ở bình diện tinh thần. Để vừa vặn với một thế hệ kết nối toàn cầu, với hàng trăm ngàn người bạn thật và ảo, với nhu cầu và khả năng cập nhật thông tin từng giây từng phút, chắc tầm vóc của ngôi nhà cũng phải thay đổi cho phù hợp.
Những đứa trẻ được giao không gian riêng từ khi còn bé, chắc sẽ có ý thức khác hơn về ngôi nhà của mình, sẽ bớt đi cảnh cha mẹ phản ứng trước việc con đóng chặt cửa phòng, cho dù việc yêu cầu mở cửa phòng có khi chỉ là để… dọn phòng cho con.
Còn nhớ những ngày giãn cách vì COVID-19, đầu hẻm nhà bị giăng dây. Nhà ở cuối con hẻm sâu của Sài Gòn, là nơi trọ của một nhóm sinh viên bình thường vẫn đi sớm về khuya, nay phải đóng cửa ở yên trong mấy mét vuông bức bối. Mấy tuần giãn cách thôi thúc các chàng phải làm điều gì đó. Họ suy nghĩ, rồi quyết định cùng nhau thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học.
Con hẻm sâu, nhà nhỏ chật, ánh sáng, gió, thông khí, cửa nhà, thói quen của cư dân, đường lây lan của vi rút… đi vào đề tài nghiên cứu của nhóm bạn trẻ. Khi đề tài được công bố năm 2021 – giữa lúc dịch bệnh ngặt nghèo, những giải pháp mà nhóm sinh viên đề xuất đã được đánh giá cao.
Khi được hỏi, các cậu chàng nói: “Tụi em học xây dựng, nhà cửa là chuyện tự nhiên phải quan tâm chứ”. Cũng những cậu chàng kỹ sư xây dựng tương lai ấy, lúc ở nhà mình thường bị ba má rầy la vì bày bừa, không lo dọn dẹp nhà cửa, coi nhà mình như nhà của ai.
Có phải những ngôi nhà trong tâm tưởng của người thành phố đang dần thay đổi? Đô thị đã bớt dần những ngôi nhà rập khuôn. Các gia đình đã cân nhắc chi phí thiết kế chuyên nghiệp để có một ngôi nhà nơi mỗi cá nhân đều được hạnh phúc trong không gian riêng của mình. Nhiều bạn trẻ không còn nặng áp lực phải mua nhà, phải chen chúc ở thành phố.
Cũng là mái nhà ấy, bằng xi măng gạch đá hữu hình, để che nắng che mưa, nhưng “nhà” trong tâm trí của mỗi thế hệ đang dần đổi khác. Đó là câu chuyện thu xếp không gian sống để gìn giữ sự tự do của mỗi cá nhân, để gần nhau nhưng không xâm phạm cõi riêng, để làm việc và nghỉ ngơi hiệu quả, và lớn hơn, để hòa vào sự rộng lớn yên bình của hành tinh xanh yêu dấu – nơi thế hệ này đang mong gìn giữ vĩnh hằng cho những thế hệ mai sau…
Tranh của họa sĩ Phương Hoa |
Hoàng Mai
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngoi-nha-cua-chung-ta-a1482243.html” name=””]