“Nhờ” người mẹ “trời ơi” như vậy, người ta mới có động lực để thoát ra chăng?”, con tôi trầm ngâm.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
– Mẹ ơi, cuối cùng Chi cũng kiếm được đường đi học rồi. Mai mẹ mua cho con mấy hũ chà bông, con làm quà đưa Chi đi học nghen mẹ! – con gái tôi reo lên khi vừa thấy mẹ đón.
– Từ từ, con làm như được trường đồng ý là nó bay liền ngày mai vậy.
– Ờ hén, con quên, chắc con mừng cho nó quá.
– Con không buồn vì mất bạn hả?
– Có chớ mẹ, nhưng con mừng hơn. Mà so với chuyện mất bạn vĩnh viễn thì mỗi năm con vẫn còn có thể gặp lại bạn. Quan trọng hơn là ước mơ lớn nhất cuộc đời Chi đã thành hiện thực. Từ nay, Chi có thể thoát khỏi mẹ nó rồi.
Nhìn con tíu tít mà thương. Chi là một cô bé xinh xắn, dễ thương con quen vào đầu năm lớp Mười. Phát hiện ra bạn còn chung tòa nhà với mình, con ríu rít vui vì mới chuyển về trường mới, nhà mới, có một người bạn đi học cùng quả là điều tuyệt vời. Gặp nhau cả ngày trên trường chưa đủ, chiều muộn con còn xin xuống đất chơi với Chi tới tối.
Tôi hỏi: “Hai đứa nói chuyện gì mà quá trời vậy?” – con gái trả lời: “Con đâu có nói gì, chỉ Chi nói à. Chi kể cho con không biết bao nhiêu chuyện. Con nghe mà bàng hoàng, không biết sao nó có thể vui vẻ lạc quan tươi cười tới bây giờ…”.
Tối đó, con kể một mớ chuyện nhà Chi. Từ hồi lớp Sáu, Chi đã nói dối mẹ, bắt đầu từ một bài kiểm tra điểm thấp. Vừa đón Chi ra khỏi cổng trường, mẹ Chi đã hỏi liền: “Hôm nay kiểm tra được bao nhiêu điểm”.
Khi biết Chi bị điểm thấp, mẹ Chi tát con ngay trước cổng trường. Tối đó, mẹ khảo tất cả bài, bài nào chưa thuộc thì Chi phải thức học cho thuộc. Học xong, Chi gọi mẹ dậy kiểm tra. Khi nào Chi thuộc nhuyễn nhừ, mẹ mới cho đi ngủ.
Những ngày sau đó, lịch học của Chi luôn bị kiểm tra gay gắt như vậy. Cũng từ đó, bài nào điểm thấp, Chi đều phi tang ngay trên lớp. “Chi không có bạn, mẹ à! Nếu Chi chơi với bạn học dở hơn, mẹ Chi sẽ nói: “Mày ngu quá nên mấy đứa học giỏi đâu thèm chơi với mày”.
Khi Chi chơi với người học giỏi hơn, mẹ Chi lại nói: “Mày dốt hơn rồi tụi nó cũng bỏ mày thôi”. Chi khóc hoài. Nó nói với con: “Không biết mẹ tao muốn tao sống sao nữa”.
Một lần, Chi được phép mời bạn đến nhà ăn tối. Hôm đó, cả nhà tôi hồi hộp đợi con về xem thử mẹ Chi ứng xử thế nào. Con kể: “Mẹ Chi hỏi con có phải là người học giỏi nhất lớp không, con nói rằng con chỉ giỏi thứ nhì. Vậy là cả bữa ăn mẹ Chi chỉ nói con Chi ngu thế này, dốt thế kia, dở môn này, không tiến bộ môn kia… Suốt bữa ăn, cô ấy giành nói hết, Chi chỉ cúi gằm ăn. Nó nói nó quen rồi!”.
Con tôi thắc mắc không biết làm sao bạn mình có thể sống với một người mẹ như vậy. Nhiều chuyện con kể “kỳ dị” đến mức người có tiếng trầm tĩnh như tôi cũng suýt không giữ được bình tĩnh. Có lần không kìm được, tôi thốt lên: “Mẹ phải đi gặp mẹ Chi”.
“Vô ích thôi mẹ, bạn của mẹ Chi đã can gián không biết bao nhiêu lần rằng thời này khác rồi, phải dạy gen Z theo cách của gen Z. Cô ấy chỉ nói mẹ cô ấy dạy cô ấy như vậy và giờ cô ấy cũng dạy con cô ấy như vậy, có sao đâu. Vô ích thôi mẹ” – con tôi lẩm bẩm như một bà già.
“Chi kiếm được học bổng du học, hẳn từ nay mẹ bạn sẽ không còn răn đe, dè bỉu bạn nữa đâu con” – tôi thăm dò. Con gái tôi lại lắc đầu: “Không đâu mẹ. Hôm qua, mẹ bạn ấy còn nói: “Mày nhờ phước ba mày nên trường đó mới nhận, chớ học hành gì cái ngữ mày!”.
Tôi sững sờ, chắc Chi kể chưa hết ý, nhiều khi bạn làm gì đó khiến mẹ giận và giận quá mất khôn chăng? “Làm gì có ai luôn ở trong tình trạng giận mất khôn như vậy. Mà cũng làm gì có ai luôn phủ nhận con mình như vậy hả mẹ?” – con tôi nói.
Tôi suy nghĩ mãi trước câu vừa hỏi vừa than của con. “Mà cũng có khi “nhờ” có người mẹ “trời ơi” như vậy, người ta mới có động lực để thoát ra chăng?” – con tôi trầm ngâm.
“Có lẽ con đã suy tư nhiều quá. Hay là mẹ cũng nên “trời ơi” chút xíu để con có động lực?” – tôi đùa. “Không phải ai cũng có năng lực vượt qua, tha thứ và tìm thấy lối đi cho mình như Chi đâu. Nên mẹ hãy làm người mẹ công nhận con cái giùm con, mẹ nhé!” – con tôi tha thiết.
Ban Mai
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nguoi-me-troi-oi-a1474078.html” name=””]