“Thị trường mắt kính đen (kính râm) dự kiến tới đây cung không đủ cầu”. Không ít “cư dân mạng” đoán vui như vậy khi chuẩn mới về quấy rối tình dục hướng đến kết tội cho… đôi mắt.
Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đang tạo một “cơn sốt” trên mạng xã hội. Nguyên nhân là Bộ quy tắc xác định quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay…
Thị trường kính râm được “cư dân mạng” dự đoán vui cung không đủ cầu |
“Cho hỏi vụ nhìn gợi tình cái. Chỗ tôi làm có mấy cô ăn mặc rất gợi cảm: váy trên gối; áo mỏng ngắn tay, cổ rộng. Họ làm ở bộ phận dự án, hay giao tiếp, gặp khách hàng để thảo thuận, mang hợp đồng về cho công ty. Các cô rất xinh, thêm ăn mặc vậy nên cánh nam nhân trong công ty khó có thể rời mắt. Vậy giờ đây chúng tôi không được nhìn các cô? Là chúng tôi quấy rối hay đang bị các cô này quấy rối?”.
“Tôi bỏ một khoản tiền lớn đi học khóa nghệ thuật giao tiếp. Người ta dạy rằng khi trò chuyện với người khác phải cố gắng tập trung lắng nghe, nhìn vào mắt họ, thi thoảng vờ chạm vào người họ để tăng mối liên kết, biểu hiện sự tiếp thu. Tôi thực hành rất hiệu quả những gì học được. Nhưng hóa ra, lâu nay tôi đã quấy rối tình dục không biết bao nhiêu người”.
“Nơi tôi làm việc có anh chàng đẹp trai, body chuẩn mét tám, bụng sáu múi. Có lần gặp anh trong thang máy, tôi nhắc: “Dường như cậu quên cài hai nút cổ áo trên cùng kìa?”. Anh chàng đầy ngỡ ngàng, nhìn tôi đáp: “Là tôi để vậy, cài hết hàng nút xưa rồi chị ơi, quê lắm!”. Vậy là từ giờ đi làm, gặp chàng ta chắc tôi đành nhìn lên trần nhà, nhìn xuống nền nhà hoặc nhắm mắt để làm người vô tội!”…
Hàng trăm tình huống dở khóc dở cười được “cư dân mạng” thi nhau kể lại, hòng định lượng xem mình có là “tội nhân” của quấy rối tình dục theo các tiêu chí mới.
“Cư dân mạng” tranh nhau bàn luận về chuẩn gợi tình |
Mà xu hướng, chuẩn cái “đẹp” về hình thức – hẳn nhiều người sẽ đồng ý với tôi giờ đây rất vô cùng. Nôm na, đó là sự tổng hòa của bề ngoài cho ấn tượng nổi bật, thu hút, khác biệt của một người ngay trong cái nhìn đầu tiên.
Trừ những người có sắc vóc trời ban, không thể không công nhận thiên hạ ngày nay rất khôn khéo để có một vẻ ngoài như vậy. Chẳng ai muốn mình xấu thậm chí đẹp như người khác. Họ phải đẹp hơn, cuốn hút hơn do đó phát huy tối đa lợi thế hình thể theo hướng xấu che tốt khoe.
Mặc chiếc áo, cái quần sao cho để bật được đôi chân dài miên man, quai xanh cổ gợi cảm, lồng ngực rộng vạm vỡ, cuồn cuộn cơ bắp… luôn quá dễ. Cá nhân tôi cũng hoang mang vô cùng. Thú thật, tôi rất thích nhìn… trai đẹp lẫn… gái đẹp. Có khi tôi nhìn họ đến mê say. Ai mà không vậy bao giờ!
Tôi có anh bạn rất thân, chơi từ ngày nhỏ. Anh có một đôi môi luôn… ướt rượt do thói quen liếm môi – một biểu hiện mà anh từng bị một cô gái… kết tội “trông rất gợi tình”. Cô say đắm nhìn anh và yêu anh vì đôi môi đó với riêng cô, là rất quyến rũ.
Một anh bạn khác của tôi lại có tật nháy mắt không ngừng. Ai chưa hiểu tật này ở anh, thường cho anh là người không đáng tin, nói dối (dân gian vẫn có câu “nói dối không chớp mắt” để lên án người nói dối với mức độ trầm trọng, vì nói dối thì thường… chớp mắt).
Nhưng đó chỉ là cái lo trước mắt. Cái lo lớn hơn chính là rồi đây cơ quan nào giám sát, thẩm định, đánh giá để kết tội một đôi mắt bị phát hiện… nhìn gợi tình, nháy liên tục hoặc ngôn ngữ cơ thể có biểu hiện không đúng đắn, gợi tình. Kỳ thực, tôi đang rất lo cho mình, lo luôn hai anh bạn sống ra sao tới đây, nếu Bộ quy tắc chính thức được ban hành.
Chúng ta phải thừa nhận với nhau, ánh mắt, ánh nhìn của mỗi người là “độc bản”, không thể bắt chước bởi ai và càng khó lưu lại chứng cứ. Các biểu hiện ngôn ngữ cơ thể khác cũng vậy.
“Cô ấy nhìn tôi vầy nè!”, “Anh ấy cho tôi cảm giác anh là người không đứng đắn, biểu hiện của anh ấy vầy nè” – những “vầy nè” đó thật khó mà giống với “vầy nè” như “khổ chủ” hiển lộ.
Không chỉ tại Quốc hội, trên mạng xã hội và cả bàn nhậu, người ta cũng bàn tán rôm rả, vừa hài hước vừa nghiêm túc, quanh các ý của Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục |
Theo các cơ quan chuyên môn soạn thảo, Bộ quy tắc không phải là văn bản pháp lý nên không bắt buộc áp dụng, song khuyến nghị áp dụng tại tất cả loại hình doanh nghiệp trong khu vực công lẫn tư nhân, dưới dạng nội quy lao động hoặc quy định riêng trong phụ lục nhằm làm “trong sạch” môi trường làm việc.
Tôi xin góp ý thêm rằng, nếu có đơn vị nào áp dụng, cần có thêm những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để việc vận dụng không gây trở ngại cho nhân viên của mình. Chưa kể, tạo nên những cuộc kiện tụng, tranh cãi không ngừng, thậm chí người bị tố cáo có thể tố ngược đối phương tội làm nhục khi khép mình vô tội quấy rối tình dục…
Phong Lưu (Q11, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhin-goi-tinh-la-quay-roi-tinh-duc-nghi-ma-lo-cho-doi-mat-a1464968.html” name=””]