Nỗi sợ té ngã có thể nói là điều lo sợ nhất của các bạn nữ khi trượt ván, vì có thể gây chấn thương, để lại sẹo – điều ít phụ nữ nào mong muốn.
Trượt ván là môn thể thao đường phố quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới. Những năm trở lại đây, bộ môn này rất được giới trẻ Việt Nam yêu thích. Tuy nhiên, so với nam giới, số bạn nữ theo đuổi môn chơi này vẫn còn chưa nhiều.
Mới đây, tại TPHCM, những cô gái trẻ mạnh mẽ và tự tin đã lập nên nhóm Chị em Skate Club. Bạn Nguyễn Thu Hường (sinh năm 2001) – 1 trong 4 thủ lĩnh của nhóm – cho biết, chuyện lập nhóm để cùng chia sẻ đam mê là ước mong từ lâu của các bạn. Thế nhưng trượt ván khá kén người chơi. Họ chơi ván chung được khoảng 8 năm, nhưng tìm mãi cũng không được bao nhiêu bạn nữ.
Vào tháng 2/2023, nhóm bạn Thu Hường, Hồng Ngọc và Trang Hoàng cùng tạo nên câu lạc bộ (CLB) để thu hút nhiều phụ nữ tham gia hơn. Ít lâu sau, cô gái thứ tư – Xuân Bùi – nhập nhóm, tạo thành bộ tứ quản lý nhóm cho đến bây giờ.
Các bạn gái trẻ tại Sis Universe lần 2 – sự kiện trải nghiệm và thi đấu dành cho các bạn nữ trượt ván – Nguồn ảnh: Chị em Skate Club |
Cũng như những môn thể thao khác, trượt ván có những yêu cầu riêng về dụng cụ và không gian. Người chơi phải trang bị ván trượt, giày thể thao đế bằng và đồ bảo hộ. Sân trượt phải rộng và bằng phẳng. Các bạn trẻ trong CLB kể, khi trượt bên ngoài, họ thường bị bảo vệ các khu vực công cộng như công viên, công sở, đường phố cấm, vì tính nguy hiểm và khó kiểm soát của bộ môn. Chị em Skate Club được thành lập khi các bạn đã tìm được sân tập ổn định và an toàn. Có sân, các thành viên có thể tụ họp và luyện tập dễ dàng hơn.
Những ngày đầu thành lập, Chị em Skate Club nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè trong giới. Trong gần 1 năm rưỡi, CLB đã 2 lần tổ chức sự kiện Sis Universe – sự kiện trải nghiệm và thi đấu dành cho các bạn nữ trượt ván. Tuy vậy, cộng đồng người trượt đa phần là nam và định kiến trượt ván chỉ dành cho nam giới phần nào đã cản bước phụ nữ trong bộ môn này. Số thành viên CLB có thể tập trung đông nhất hiện tại là khoảng 15 người.
Bạn Nguyễn Thu Hường – đến với môn này từ năm lớp Chín – cho biết: bạn cũng gặp những cấm cản từ gia đình. Thu Hường kể: “Thời gian đó, nơi tôi ở (Biên Hòa) gần như không có nữ chơi trượt ván, chỉ toàn là nam. Tôi tự mua ván về trượt, nhưng gia đình thấy được, bắt đem bán đi”.
Ngoài ra, tính nguy hiểm và dễ chấn thương của bộ môn cũng làm nhiều bạn nữ e ngại. Để thành thạo các kỹ năng trượt ván, các bạn nữ cần dạn dĩ và vượt qua nỗi sợ ngã mỗi khi mất thăng bằng. Bạn Trần Thị Thanh Huyền (sinh năm 1996) đang học môn trượt ván dưới sự giúp đỡ của các chị em trong CLB.
Bạn Trần Thị Thanh Huyền thực hiện động tác Drop in (đi xuống từ nơi cao) |
Huyền bắt đầu trượt từ 3 năm trước, nhưng thiếu sự hướng dẫn nên đã bỏ ngang cho đến khi CLB ra đời và cộng đồng trượt ván cho phụ nữ phát triển hơn.
“Tôi từng bị chấn thương ở gối khi chơi bộ môn này” – Thanh Huyền kể về sự cố khiến bạn phải dừng việc luyện tập. Để hạn chế chấn thương, Huyền phải mang thêm đồ bảo hộ đầu và các khớp. Nỗi sợ té ngã có thể nói là điều lo sợ nhất của các bạn nữ khi trượt ván, vì có thể gây chấn thương, để lại sẹo – điều ít phụ nữ nào mong muốn.
Bạn Mai Trịnh Quỳnh Như (sinh năm 2007) tuy còn rất trẻ nhưng lại có thời gian chơi ván khá lâu. Quỳnh Như nhận xét trượt ván là môn thể thao khó và cần bỏ nhiều công sức luyện tập. Dù sống cách sân trượt ván đến 40km, hằng tuần, Quỳnh Như vẫn dành ra 1 buổi để lên sân tập.
Chị em Skate Club vốn ra đời nhằm giúp phụ nữ tự tin hơn với môn thể thao mới, nay đã trở thành điểm hẹn cho các bạn gái trẻ năng động. Hiện CLB tổ chức hoạt động offline vào mỗi tối thứ Hai hằng tuần, từ 18 – 21g tại Saigon Skatepark (30/1 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM). Không chỉ thỏa đam mê và rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, họ còn đang chứng minh rằng trượt ván không phải là môn chỉ dành cho đàn ông.
Khánh Tuyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-bong-hong-dam-me-truot-van-a1523620.html” name=””]