Mùa này ở quê, chỉ cần bước chân qua các triền đồi phía sau làng, sẽ thấy những bụi sim già nở hoa tím ngát trong trời chiều lồng lộng gió.
Bọn trẻ thả trâu nơi vạt cỏ xanh non bên mé đồng rồi kéo nhau lên đồi lủi tìm sim, mùa đang chín bói. Tiếng nói cười xôn xao như khắc vào bầu trời trong vắt của mùa hạ.
Hồi nhỏ, mỗi lần theo mẹ ra đồng, tôi hay chạy lên ngọn đồi nơi ấy. Khi người lớn đang cắm cúi làm việc trên đồng, tôi lủi dọc triền đồi, thỏa sức hái trái cây rừng chín mọng bỏ đầy trong chiếc mũ lưỡi trai có màu đỏ đã sờn mép vải.
Trên chiếc mũ có những vết loang sậm màu vì dính nhựa chuối sau vườn nhà khi tôi theo đám bạn trong xóm đi bắt ve. Hôm ấy, tôi ngồi nơi bến sông quê, giặt mãi giặt hoài mà vết nhựa cây vẫn không sạch. Món quà cuối năm học được mẹ mua cho trong một lần ra chợ huyện đã phai màu vải.
Hôm ấy, mẹ chẳng la tiếng nào mà tôi buồn không dứt. Bài học ngày thơ khiến tôi nghĩ về bao nhiêu thứ người ta nâng niu trân quý trong đời, mà vì vô ý để rồi đánh rơi trong hối tiếc.
Nhớ về những mùa hè năm cũ, là nhớ về những đồi sim chín mọng. Khi tiếng ve bắt đầu giục giã ngoài vườn cũng là lúc những quả sim xanh non trên đồi ngả màu thẫm. Mùa sim chín, người làng thường kéo nhau lên núi hái sim.
Không phải ở triền đồi bên cánh đồng làng, người làng phải vào sâu trong núi, đi khi bàn chân mỏi nhừ mới đến được “cội” sim bát ngát. Mẹ thường dậy từ khi con gà cất tiếng gáy đầu tiên. Mẹ nấu nồi cơm gạo ruộng đỏ au rồi nhồi trong chiếc mo cau nhặt sau vườn. Bữa cơm giữa rừng trong mùa sim chín đỏ chỉ có mo cơm chấm muối mè và bi-đông nước lá.
Đến bây giờ, trong những giấc ngủ chập chờn khi về sáng, tôi như vẫn còn nghe tiếng người hú gọi nhau trên đường làng khi sương còn nặng hạt. Người làng kéo nhau vào núi hái sim, đi trong bóng đêm mịt mù, đi trong ánh trăng lành lạnh, đi trong tiếng gà xao xác sớm mai.
Mặt trời tắt bóng sau đồi, những gùi sim đè nặng trên lưng, những bước chân nặng nhọc trở về làng. Những gương mặt nhàu nhĩ vì một ngày dài bôn ba trên núi cao nhưng chẳng che khuất được nụ cười khi người mua hàng vẫn còn loanh quanh trong xóm đong sim. Hồi ấy, bán buôn không dùng cân kéo như bây giờ. Người ta dùng lon sữa bò để đong từng lon sim chín mọng. Cứ đếm từng lon mà tính ra tiền.
Giữa mùa sim, khi sim bắt đầu chín trĩu cành, giá bán cũng vơi đi một nửa, mẹ sẽ bắt đầu làm những mẻ rượu sim để dành được lâu. Chiếc lu sành nằm im sau chái bếp được mẹ mang ra kỳ cọ. Rồi mẹ rải cứ một lớp sim một lớp đường chồng lên nhau. Lu sim được đậy kỹ, để bên ô cửa sổ sau nhà. Nắng, gió rồi mưa chiều, hết hạ lại sang thu, sim lên men nồng dịu. Mẹ đem sim ra vắt lấy nước là có ngay mẻ rượu có màu hồng đậm mang vị cay nồng mà ngọt dịu.
Tôi nhớ, mỗi lần người thân trên phố ghé nhà, mẹ đều mang rượu sim ra tặng. Đến nỗi sau này, mỗi bận ghé nhà người ta đều hỏi mẹ: “Còn rượu sim không chị?”. Mẹ cười, nhìn những ngọn đồi xa tít phía sau làng, keo tràm trải dài lên đỉnh núi, bóng sim cũng thưa dần.
Người trong làng giờ chẳng còn ai hái sim khi mùa hè kéo ngang qua núi. Bọn trẻ con hiếm khi rủ nhau lên đồi tìm sim chín như thuở xưa. Một hôm nào đó khi lang thang trong thành phố, tôi gặp bụi sim già nằm trước ngõ nhà ai.
Hoa sim như tím ngát cả khung trời ngày hạ. Chẳng biết sim có buồn vì xuôi về phố thị, khi lòng người cứ vương vấn mãi những mùa sim cũ.
Ngọc Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-mua-sim-nam-cu-a1464844.html” name=””]