Vợ chồng chị Phạm Thị Thu Thảo (sinh năm 1991, hiện đang sống tại Đắk Lắk) đều thích về vườn, trồng trọt theo hướng thuận tự nhiên và giáo dục 2 con tự do khám phá, sáng tạo.
Năm 2023, gia đình nhỏ bắt đầu thực hiện ước mơ qua chuyến đi bằng xe máy. 29 ngày rong ruổi qua nhiều tỉnh, thành để vừa trải nghiệm vừa tìm nơi dừng chân định cư. Nhưng sau chuyến đi, vì chưa tìm được nơi phù hợp, vợ chồng chị quay lại quê nhà sinh sống. Cách đây ít tháng, chị Thảo tìm thấy 1 ngôi nhà nhỏ trên đồi, có đất rộng đang cho thuê thì liền liên hệ, thu xếp để cả nhà di cư, bắt đầu một cuộc sống tối giản và thú vị tại đây.
Vợ chồng chị Thảo và con gái đầu lòng |
Sáng nghe chim hót, chiều tắm suối
Vợ chồng chị Thảo đều sinh ra ở Đồng Tháp, gặp nhau ở Sài Gòn. Họ kết hôn vào năm 2016. Chị Thảo dạy tiếng Anh, còn chồng là kỹ thuật viên máy tính. Từ ngày đầu yêu nhau, họ chung quan điểm là không muốn bon chen, chạy theo đồng tiền mà luôn mơ ước sống trong ngôi nhà nhỏ với vườn rộng, được tự tay trồng trọt, nuôi lớn con cái.
Sau khi sinh con gái đầu lòng, chị Thảo về quê trước, sau đó chồng chị cũng chuyển về quê. Bé Thương và bé Đu Đủ lần lượt chào đời vào năm 2018 và 2020. Dù có công việc thu nhập tốt, đủ sống ở quê, cả hai không thấy thoải mái, hạnh phúc. Đặc biệt là với chị Thảo, từ sau khi sinh con, chị rất thích được ở bên con để tự do đồng hành, cùng con khám phá những bài học cuộc sống.
“Ở nơi chúng tôi sống rất ồn ào, karaoke hát tối ngày và cũng không có đất trồng trọt nhiều. Ban đầu, vợ chồng muốn chuyển đi, tìm nơi yên tĩnh gần đấy để thuê nhà, nhưng tìm xung quanh đều không có nơi phù hợp. Vậy nên chúng tôi lên mạng, đăng bài vào những cộng đồng có chung lý tưởng như Bỏ phố về rừng, Làm nông nghiệp thuận tự nhiên, Tình nguyện viên nông nghiệp xanh… để xem có ai có thể cho chúng tôi ở nhờ và chúng tôi sẽ chăm sóc vườn tược, nhà cửa cho họ được không” – chị Thảo chia sẻ.
Sau khi bày tỏ nguyện vọng, chị Thảo nhận được rất nhiều lời mời của các gia đình khác. Cuối tháng Ba năm ngoái, vợ chồng chị bắt đầu lên kế hoạch chu du, khám phá cuộc sống của người dân ở khắp nơi.
Lúc đầu, cả gia đình định đi bằng xe khách, nhưng vì muốn ghé nhiều nơi nên chọn đi bằng xe máy. Dự tính ban đầu là 2 tuần được kéo dài thành gần 1 tháng. Hành trình Đồng Tháp – Tiền Giang – Sài Gòn – Đồng Nai – Lâm Đồng – Đà Lạt – Phan Thiết – Vũng Tàu.
“Chuyến đi này, chúng tôi không có ý định đi theo kiểu hưởng thụ mà đi để trải nghiệm và hiểu thêm về lối sống, văn hóa nhiều nơi trên đất nước mình. Nhìn chung, ở đâu cũng có người này, người kia, nhưng có lẽ khí hậu, đất đai sẽ ảnh hưởng nhiều đến tính cách, tạo ra sự khác biệt của dân vùng miền. Chẳng hạn nơi đâu có khí hậu hiền hòa, dễ nuôi trồng thì con người thân ái, cởi mở; còn vùng đất khó sống khiến con người phải nghĩ ngợi để kiếm miếng ăn nhiều hơn nên họ dần trở nên thờ ơ. Tôi nhìn lại thì thấy, có rất nhiều điều thú vị cũng như những điều không như ý, nhưng luôn chọn vui vẻ đón nhận tất cả” – chị Thảo đúc kết.
Gia đình chị Thảo cũng may mắn gặp và quen biết thêm rất nhiều anh chị hảo tâm, cùng chí hướng. Trải nghiệm đặc biệt nhất là 1 tuần sống trong nhà gỗ ở vườn rừng Lâm Đồng. 1 tuần trọn vẹn với những buổi sáng nghe tiếng chim hót líu lo, chiều thì ra tắm suối, tối đến lại đốt lửa trại nướng khoai, ngắm sao. Dù có đầy đủ tiện nghi, vợ chồng chị trải nghiệm cuộc sống về rừng, nấu cơm, nấu nước bằng bếp củi, giặt đồ, tắm bên suối…
Trở về Đồng Tháp sau chuyến đi xuyên Việt, trong lòng đôi vợ chồng càng thôi thúc ước mơ cuộc sống ở vườn rừng, vì đó là khi họ cảm thấy tự do, hạnh phúc nhất.
“Mấy tháng sau thì tôi gặp được ngôi nhà này. Chị chủ nhà đã chuyển vào Phú Quốc sống nên có thể cho vợ chồng tôi thuê lâu dài. Tôi bàn với chồng, chuyển lên định cư ở đây một thời gian, sau này tính tiếp. Chồng tôi dù thích cuộc sống định cư, nhưng anh vẫn có rất nhiều lo lắng về chuyện chưa tích lũy đủ tiền, chưa có việc ở nơi mới… nên còn chần chừ. Nhưng tôi thì nghĩ tới đâu hay đó. May là thuyết phục thì chồng cũng chịu đi” – chị Thảo chia sẻ.
Buổi tối, gia đình nhỏ ấm áp bên cạnh bếp lửa nướng bắp |
Sẵn đâu thì ở đấy, con thích gì thì học nấy
Nhà vườn vợ chồng chị Thảo thuê nằm trên một ngọn đồi ở Đắk Lắk. Ngôi nhà nhỏ, không có sóng internet và sóng điện thoại rất yếu, nhưng gia đình nhỏ vẫn thấy rất đầy đủ. Xung quanh là không gian bao la, không khí trong lành, yên tĩnh, cách suối vài cây số. Vườn rộng với nhiều loại cây có sẵn như cà phê, sầu riêng, bơ, xoài, ổi, mít, hoa cỏ…
“Gia đình tôi đến nơi trong tình trạng chưa có công việc gì có thu nhập ổn định, tiền để dành cũng chỉ vài chiếc nhẫn nên mấy tháng đầu là thuê, mấy tháng sau vì trả không nổi tiền thuê nhà nên chị chủ thương tình cho ở nhờ luôn. Vợ chồng tôi dành 3 tháng đầu thu hoạch cà phê, dọn dẹp chỗ ở, làm quen với khí hậu, con người mới. Thời gian đầu, tôi dùng tiền để dành chi tiêu tối giản cũng không tốn mấy” – chị Thảo bộc bạch.
Mỗi ngày, chị Thảo cùng các con đi quanh vườn để khám phá, sẵn đồ gì thì làm món nấy. Đồ ăn các bữa thường chủ yếu là thực vật. Chị cũng thích cùng các con hái cây cỏ, hoa lá để làm đồ handmade trang trí nhà cửa. Chị chia sẻ: đây là những việc chị thích và muốn truyền đam mê sang cho con chứ không phải vì con mà làm. Chị cũng thích làm các loại bánh từ những nguyên liệu có sẵn như bánh bao, bánh kẹp, bánh bông lan, bánh chuối… Các loại bánh đều được hấp hoặc nướng trên bếp than.
Để tìm hiểu thêm về người dân địa phương, chị Thảo mua một ít trái cây ở các vườn bên cạnh, cùng con đưa ra chợ bán. Theo chị, chợ là nơi nhìn thấy rõ những khía cạnh cuộc sống nhất. Rồi chị kết hợp bán qua mạng các loại hạt như hạt cà phê, mắc ca, hạt điều… Còn chồng chị thì sửa máy tính, điện nước…
Nhưng thời gian chính, vợ chồng vẫn dành để chăm sóc khu vườn theo hướng thuận tự nhiên, không dùng phân bón hay thuốc hóa học. Dù có những khó khăn như vì đất khô, cứng, các loại hạt rau khi gieo rất khó lên hay sản lượng thu được thấp, chỉ bằng 1/10 các vườn xung quanh, chị Thảo vẫn kiên nhẫn. Hiện nay, vợ chồng chị đang trồng cỏ cho đất tơi xốp hơn.
“Hầu hết người dân ở đây nghe cách chúng tôi làm nông đều tròn xoe mắt đặt câu hỏi: “Làm như vậy sao mà có trái, có năng suất?”. Chúng tôi chấp nhận như vậy. Tôi trồng cây chủ yếu là để quan sát và học từ tự nhiên. Tự nhiên cho ta rất nhiều bài học về sự kiên nhẫn, sự bám chấp, sự mong cầu, sự tham… Đối với tôi, trồng cây vui nhất là lúc ươm mầm, thấy mầm non nhú lên là thấy sự sống. Còn có trái bao nhiêu, ăn được, bán được hay không còn xa lắm, để tính sau” – chị Thảo chia sẻ.
Không chỉ trong chuyện trồng trọt, vợ chồng chị Thảo cũng chung quan điểm về giáo dục con theo hướng thuận theo hành trình của con thay vì ép buộc. Chị quan sát con, thấy con nhạy cảm với cái gì thì sẽ dạy cái đó. Ví dụ như khi con thích một loại côn trùng, 3 mẹ con sẽ cùng xem, đọc và tìm hiểu. Mỗi ngày đều cùng nhau đọc sách, chơi tự do.
Chị Thảo cho biết: “Tôi từng đưa ra lộ trình để dạy con tại nhà, nhưng đến giờ thì thấy chuyện đó không quan trọng nữa. Thay vào đó, tôi cho con học theo hướng khai phóng. Như thời điểm này, con đang thích học toán và chữ cái. Tôi dạy con phép cộng qua việc cùng mẹ đi chợ hay những cành cây trong vườn. Con rất thích, còn tự ra đề cho mình, tự viết tự làm nữa. Hay khi con thích chữ cái, con lấy mấy quyển sách trên giá ra, tự chép lại theo kiểu vẽ ra…”.
Nói về kế hoạch tương lai, về việc tích lũy tài chính, chị Thảo cho biết: vợ chồng chị không tính toán nhiều, họ cũng không có nhu cầu sở hữu nên không phải kiếm tiền mua đất, mua nhà. Với họ, ở nơi đâu cũng là nhà. Khi không còn được ở chỗ hiện tại nữa thì cả gia đình sẽ chuyển đi. Nếu không ai cho mượn thì thuê, nhưng cuộc sống, cách sinh hoạt vẫn sẽ như hiện tại – tối giản nhu cầu, trở về với tự nhiên.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/niem-vui-lon-trong-ngoi-nha-nho-tren-doi-a1523072.html” name=””]