Gần một nửa số thiếu nữ cho biết họ bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục. Nhiều mối nguy hiểm bắt nguồn từ những chiếc điện thoại cầm tay, nơi các em đang hằng ngày hằng giờ lao vun vút trên xa lộ thông tin.
Công việc làm thêm ngoài giờ vào cuối tuần của tôi là phụ đạo, ôn tập kiến thức ngoại ngữ cho con một người nước ngoài. Hôm đó, tôi đang hướng dẫn cháu làm bài tập, chủ đề là an toàn trực tuyến cho trẻ.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ tiếp xúc với thế giới mạng (Ảnh minh họa) |
Buổi học hôm đó gợi lại cho tôi câu chuyện cách đây không lâu, truyền thông Úc xôn xao chuyện một người đàn ông ở bang Queensland bị tòa án phạt tù. Ông ta tên Mercer, ở TP Brisbane, nhen nhóm ý định xây dựng mối quan hệ với mục đích lạm dụng tình dục cô gái vị thành niên. Tòa án bang Brisbane, Úc cho biết cả hai đã trao đổi hơn 23.000 tin nhắn gợi dục trong hơn 11 tháng.
Rõ ràng, không phải làm cha mẹ là có kỹ năng hoặc thời gian, cơ hội để trao đổi với con trẻ về những mối nguy hiểm mà con có thể gặp trong mê hồn trận của mạng xã hội. Đã có trường hợp cậu bé mới 13 tuổi đạp xe 200km tìm bạn quen qua mạng; đi gặp bạn trai quen qua mạng, bé gái 15 tuổi bị 3 gã thanh niên hãm hiếp. Nhiều chuyện bồng bột, mạo hiểm khác với vô vàn nguy cơ tiềm ẩn cho các em.
Khó có thể chỉ trích rằng cha mẹ muốn “mở đường” cho con mình hoặc thiếu quan tâm hay yêu thương con cái. Ai làm cha mẹ cũng đều muốn một cuộc sống tốt đẹp cho con cái. Nhưng từ quan điểm, hoàn cảnh sống, nhận thức của các tầng lớp xã hội khác nhau đã tạo ra những trở ngại khác nhau khi bàn đến vấn đề an toàn trực tuyến cho trẻ. Đôi khi chỉ một bức ảnh con mặc đồng phục, hiển thị rõ thông tin lớp học, ảnh con ở trường, lịch học thêm được đăng lên mạng cũng là nguy cơ mà cha mẹ không ngờ đến.
Ảnh mang tính minh họa – Our – Team |
Dữ liệu gần nhất từ nghiên cứu của UNICEF cho thấy, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Một thực trạng đáng báo động hơn là số tuổi của trẻ em bị xâm hại qua mạng ngày càng nhỏ hơn. Công nghệ thông tin phát triển cộng với việc toàn cầu hóa và những bất cập trong quản lý mạng xã hội đã khiến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên mạng có chiều hướng gia tăng, nhưng rất ít trường hợp được xử lý.
Trong khi đó, theo điều tra từ tổ chức Plan International chuyên đấu tranh vì quyền lợi của trẻ em gái thì cứ 5 thiếu nữ và phụ nữ trẻ sẽ có 1 người từ bỏ hoặc ngừng sử dụng một nền tảng truyền thông xã hội sau khi bị quấy rối. Theo khảo sát, các vụ tấn công, quấy rối phổ biến nhất vẫn là qua các nền tảng xã hội quen thuộc.
Cụ thể, trên Facebook, 39% thiếu nữ được hỏi cho biết đã bị quấy rối, tiếp đến là Instagram (23%), WhatsApp (14%), Snapchat (10%), Twitter (9%) và TikTok (6%).
Gần một nửa số thiếu nữ cho biết họ bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục. Đó là chưa kể, gần 70% số người được hỏi không coi hành động email hoặc tin nhắn khiêu dâm lặp đi lặp lại hoặc không phù hợp là quấy rối tình dục.
Những phân tích trên cho thấy, hơn lúc nào hết, xã hội cần quan tâm hơn đến những hệ lụy, câu chuyện đằng sau. Cần đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến chấm dứt mọi hình thức lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến trên nền tảng của họ; áp dụng các biện pháp cứng rắn để phòng ngừa.
Trước sự phát triển vũ bão của công nghệ, các trường học ở Việt Nam chỉ mới chậm chạp đưa vào các chương trình, các buổi sinh hoạt ngoại khóa để trang bị cho học sinh chút kiến thức ít ỏi về an toàn trên mạng. Không ai trong số những người trẻ tuổi xác nhận được dạy về an toàn trực tuyến, ngoài những cảnh báo mơ hồ về rủi ro của thế giới mạng.
Trẻ rất cần cha mẹ hướng dẫn, “xoá mù kỹ thuật số” (Ảnh mang tính minh họa – Freepik) |
Để đảm bảo an toàn trực tuyến cho thế hệ trẻ, theo tôi, cần đầu tư vào các chương trình “xóa mù chữ kỹ thuật số” cho trẻ em, giúp các em sớm nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra trên không gian mạng và biết phải làm gì với chúng.
Điều này có thể bao gồm thông tin về những gì trẻ có thể và nên làm nếu bị làm phiền trực tuyến, loại nội dung nào phù hợp để chia sẻ trực tuyến với người khác và các kỹ năng cơ bản, chẳng hạn như cách thay đổi cài đặt quyền riêng tư và chặn mọi người liên hệ với chúng.
Quan trọng hơn nữa, trong lúc chờ cơ quan chức năng đưa ra chế tài, luật quản lý nhằm giữ an toàn cho trẻ em trên mạng, cha mẹ cần lưu ý hơn thông điệp đơn giản: “công nghệ rất nguy hiểm”, dễ đưa đến những hệ lụy không mong muốn.
Nhà kinh tế học Daron Acemoğlu đã chỉ ra rằng, tình trạng kinh tế – xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến những gì một người dạy dỗ con cháu mình. Dĩ nhiên, cho dù tình trạng kinh tế – xã hội có khác nhau, ai cũng thừa nhận việc đảm bảo con trẻ được an toàn, hạnh phúc là những mục tiêu tương đồng, giống nhau của tất cả các bậc phụ huynh.
Trong đó, có cả việc đảm bảo cho con trẻ an toàn khỏi những mối nguy hiểm bắt nguồn từ những chiếc điện thoại cầm tay, nơi các em đang hằng ngày hằng giờ lao vun vút trên xa lộ thông tin.
Nguyễn Thị Hồng Chi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/noi-voi-con-ve-su-nguy-hiem-cua-the-gioi-truc-tuyen-a1484967.html” name=””]