Từ chỗ một “đại tướng”, dáng đi dũng mãnh, sau này ba tôi đi xiêu vẹo, phải vịn tay nọ tay kia…
Hồi nhỏ, đi đâu hay làm gì với ba tôi hoàn toàn yên tâm. Ba tôi cao lớn, khỏe mạnh nên tôi tin có ba thì mình không còn lo gì nữa.
Đi trên bờ ruộng, qua những “khúc đứt” (chỗ bờ ruộng bị vỡ hoặc được “chặt” để lấy nước ra vô ruộng) nếu không dài lắm thì ba cõng tôi trên lưng nhảy qua dễ dàng. Bữa chiều chuẩn bị nấu cơm mà chưa có gì ăn thì chỉ cần ba xách giỏ ra ruộng một chút là đã có cá kèo, cá bống dừa, cá chình đủ cho mẹ làm hai, ba món. Tôi học đánh cờ tướng từ ba, khi “đọ sức” với ai đó mà có ba ngồi bên cạnh dù không chỉ nước nào, chỉ nói “cứ đánh, không việc gì phải sợ” là đủ làm tôi tự tin hẳn lên!
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Có những năm ba đi làm ăn xa. Nhưng vì một cảnh hai quê, chỉ quen ruộng mà chưa quen rẫy nên thất bại. Trong những năm đó, mấy mẹ con ở nhà buồn hiu, cứ chiều chiều mẹ hay nhìn về hướng nhà nội, như mặc định hồi ba ở nhà hay đi thăm nội rồi từ hướng đó trở về, mà trông… Tôi hay nói vui: “Mẹ nhìn riết mòn nhà nội hết!”. Mà mấy anh em tôi cũng nhìn, cũng chờ.
Nhớ ba, mấy đứa lấy cái áo cũ của ba đắp ngủ để nghe “mùi ba” ở bên cạnh, thấy ấm áp, nồng nàn. Có khi tôi còn mơ thấy nửa đêm ba khe khẽ vén mùng cầm đèn bắt muỗi hay nhẹ nhàng tấn lại mùng cho muỗi không vào… như những khi còn ở nhà ba vẫn hay ân cần chăm sóc các con như thế.
Quãng thời gian đó, tôi đã đọc tiểu thuyết Sống nhờ, được ba đem về sau những chuyến đi như vậy. Tôi đọc mà rấm rứt khóc thương hoàn cảnh cu Dần – vốn là hình ảnh của nhà văn Mạnh Phú Tư thời thơ ấu – mồ côi, thì cũng cám cảnh mình không có ba ở bên cạnh. Nhờ đọc cuốn sách đó, tôi đã dần gieo cho mình một tình yêu chữ nghĩa, rồi gắn bó với nó, trở thành nghề và nghiệp của mình…
Mấy năm ba đi xa, tôi thấy mình trưởng thành hơn, tự thấy mình trở thành trụ cột gia đình, dù chỉ mới khoảng mười tuổi. Tôi “chỉ huy” hai đứa em đi giữ vịt, bắt còng về cho vịt ăn, đi câu cua, bắt cá kèo về cho mẹ đi chợ bán, đi mót lúa…
Ảnh mang tính minh họa – Lifestylememory |
Thương nhất là em gái, hồi năm tuổi đã cùng tôi kéo cái thùng thiếc đi bắt còng, có khi bị còng kẹp bỏ càng, ngồi bẹp xuống ruộng khóc sướt mướt. Có bữa đi câu cua, dời cần từ kênh lên ruộng, ham cua nên mãi tối mịt mới gỡ cần, đi về ngang một nhà nào đó, nghe mùi cá kho sả, em tôi nói mà như khóc: Em đói bụng quá…
Mấy anh em tôi lần lượt vào đại học là nỗi vất vả lớn nhưng cũng là niềm hạnh phúc tuyệt vời của ba mẹ tôi, bởi trước tôi, trong dòng họ hai bên chưa có ai học đại học.
Mà việc chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn là một quyết định rất khác người của ba tôi. Mấy năm đó, ba tôi bị nấm da tay, không làm được các công việc tiếp xúc với nước thường xuyên nên ba lo là khó bề lo cho các con học xa. Vì vậy, ba tôi quyết định bỏ quê lên miền đông làm rẫy, lần này bán tất cả vườn tược, nhà cửa. Số vốn liếng đó, nếu mua rẫy thì được khoảng ba mẫu, nhưng ba tôi chỉ mua một nửa, còn một nửa mua một cái nhà nhỏ ngoài mặt đường để anh em chúng tôi đi học…
Tôi hay nhớ lại và chảy nước mắt với hình ảnh ba tôi gò lưng đạp xe chở tôi trên những con dốc ở vùng cao giữa trưa nắng như đổ lửa trong ngày đưa tôi nhập học, do khi đó tôi đã học lớp Tám mà vẫn chưa biết chạy xe đạp. Mấy ngày sau đó, tôi quyết tâm tập xe và rồi thấy đi xe đạp cũng dễ như… bơi xuồng, vốn đã rành từ hồi sáu, bảy tuổi!
Tôi học xong, ở lại thành phố làm việc. Các em học xong thì về nhà, làm việc gần nhà. Ba mẹ lâu lâu lên thành phố chơi, thường tự hào với thành tựu của con trai, nhưng cũng chỉ được một, hai bữa là đòi về. Ở nhà, chuối, bưởi, điều, quýt, gà, chó… chờ ông bà về như con trẻ trông cha mẹ.
Trước khi mất, ba tôi bị tiểu đường mấy chục năm, đã phải nhiều lần cắt một số phần cơ thể; vết thương đó lâu lâu lại hở, đau nhức… Rồi ba phải cắt một phần chân phải, sau phải rất kiên trì để có thể đi chân giả. Từ chỗ một “đại tướng”, dáng đi dũng mãnh, sau này ba tôi đi xiêu vẹo, phải vịn tay nọ tay kia…
Từ chỗ một mình ăn bằng hai, ba người khác, sau này có khi nhiều ngày không ăn, chỉ uống nước để thanh lọc cơ thể. Từ chỗ làm việc gấp đôi người khác, bây giờ chỉ đi ra đi vào hoặc ráng chạy xe ba bánh để đến nhà trò chuyện với người nọ người kia chứ không còn làm việc được… Ba tôi luôn nói: “Giờ có chết ba cũng mãn nguyện rồi…”.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Đến cuối đời, ba vẫn còn nguyên vẹn tình yêu thương dạt dào dành cho con cháu. Tôi đã trở thành một người trung niên mà vẫn hay được ba ôm như một đứa trẻ. Các cháu thì vẫn vô tư nghịch trên người ông nội, ông ngoại khi ông đương nằm ngủ. Đứa nào khoe là học sinh giỏi, có giấy khen thì ông đều gửi phần thưởng… Càng có tuổi, ba tôi càng hiền từ hơn, dễ tính hơn. Dẫu đau yếu nhưng ba vẫn hào sảng, vẫn bao đồng như ngày nào.
Nhớ hồi nào, khi viết cái gì đó về quê, hoặc cần một kiến thức thực tế gì đó về miền Tây, tôi hay hỏi ba và ba vẫn là một kho tư liệu sinh động. Đi đâu với ba, tôi vẫn thấy yên tâm, vững dạ, bởi ông luôn là một người từng trải, giỏi ứng biến. Giờ thì ba đã đi xa, sự thiếu vắng trong lòng tôi có lẽ suốt đời không gì nguôi ngoai được! Trên hết, vì đó là ba của tôi!
Nguyễn Minh Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/o-tuoi-trung-nien-toi-van-duoc-ba-om-nhu-mot-dua-tre-a1476886.html” name=””]