Từ lúc ở trường mầm non đến khi vào tiểu học, con tôi luôn đến trường vào giờ chót, khi chú bảo vệ chuẩn bị khép cổng.
Sáng nào mẹ con tôi cũng vất vả hò nhau dậy (Ảnh minh họa) |
Trong khi bạn bè nô đùa ở sân trường, con vẫn còn nằm trên giường, cha mẹ gọi mãi vẫn chưa thể rời phòng ngủ. Việc thức dậy vào buổi sáng trở thành áp lực triền miên đối với con và cả cha mẹ. Khi dậy được, con phải nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ để không trễ giờ. Cha mẹ càng bị áp lực hơn về thời gian.
Mẹ làm nghề dạy học, phải rời nhà trước 6 giờ 30 phút. Chuẩn bị xong bữa sáng cho hai cha con, trước lúc ra khỏi nhà, thấy con vẫn say sưa, mẹ không nỡ đánh thức. Việc lo cho con sau sáu giờ rưỡi được chuyển sang cha. Thuộc típ người nóng tính, gọi vài lần con vẫn chưa dậy, cha tức giận quát ầm ĩ.
Nhiều lần cha khiến con vừa đánh răng vừa rơi nước mắt. Biết không nên như thế, nhưng hầu như cha không thể tránh lặp lại tình huống.
Đó là những buổi sáng căng thẳng vì hai cha con luôn luôn chạy đua với thời gian. Sợ trễ giờ, sợ cha mắng, con làm vệ sinh qua loa, khi soạn thiếu sách vở, lúc quên mang quần áo thể dục hoặc đồng phục học võ. Điều tệ nhất là con thỉnh thoảng bỏ bữa ăn sáng chỉ vì không kịp giờ. Cha thì bị áp lực vì công việc. Sau khi đưa con đến lớp, cha phải lái xe vượt quãng đường dài đến công ty. Cha là trưởng phòng kỹ thuật, cần có mặt trước mọi người. Không có cha, cả phòng như rắn mất đầu, không thể tiến hành hầu hết công việc.
Cha mẹ nhiều lần thảo luận làm cách nào đó khiến con tự nguyện dậy sớm. Đi học hay đi làm đều vất vả, cần có tâm trạng thư thái đầu ngày. Cả nhà không thể triền miên căng như dây đàn, đến nỗi sự đãng trí của cha mẹ đã trở nên trầm trọng và con có biểu hiện chán nản mỗi khi nhắc đến việc học.
Không hẳn ngủ sớm sẽ dậy sớm. Vài lần mẹ buộc con lên giường trước chín giờ tối nhưng con vẫn dậy muộn. Mẹ bất lực bảo có lẽ con cần nghỉ ngơi dài hơn những đứa trẻ đồng trang lứa. Cha không đồng ý. Có những ngày cha đi mua điểm tâm ngang qua trường, thấy nhiều học sinh có mặt sớm đang vui chơi trên sân một cách năng động khỏe mạnh. Giờ đó người ta đã sẵn sàng cho buổi học, sao con của cha còn ngủ say sưa? Chẳng lẽ phải có thêm ngôi trường dành riêng cho những đứa trẻ không thể thức sớm như con?
Chỉ mỗi chuyện giúp con tỉnh giấc đúng giờ mà cha mẹ phải học hỏi kinh nghiệm khắp nơi, từ báo chí, sách vở, người quen đến cả sự tư vấn của bác sĩ.
Cuối cùng, cha mẹ quyết định “rèn” con trong ba tuần lễ. Cả nhà cùng tham gia kế hoạch để con có thêm sức mạnh. Dù bận rộn, cha nhất định tắt đèn để ba người cùng lên giường lúc chín giờ. Mẹ thường ngủ muộn nhất, lúc nửa đêm, nên việc nằm sớm là khó khăn lớn. Vài lần mẹ định phá lệ nhưng cha kiến quyết bảo không.
Buổi sáng, chuông báo thức reo vang, cha bật những bản nhạc sôi động với âm thanh lớn. Cả ba người phải thức dậy cùng lúc. Con lý luận, cha mẹ có nhiều việc cần làm hơn con, nên con muốn nằm thêm. Cha nghiêm nghị, ngủ cùng thì dậy cùng. Con ít việc, có thể đánh răng rửa mặt xong ra vườn chơi, chờ mẹ gọi vào ăn sáng.
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Bốn ngày đầu con miễn cưỡng vâng lời, ra ghế đá trước nhà ngồi lim dim, mặt mệt mỏi, buồn thiu. Đến ngày thứ năm, phát hiện có con chim nhỏ nhảy nhót trên sân, con cuốn theo, tươi tỉnh. Hai ngày cuối tuần, cha vẫn buộc duy trì dậy sớm để cả nhà đi chơi thác nước, đi chơi trò chơi điện tử ở siêu thị mới khai trương gần nhà.
Thứ Hai đầu tuần mới, mọi việc có vẻ dễ dàng hơn đối với con. Đến thứ Ba, lần đầu tiên con thức dậy sớm hơn cha mẹ, tự tay bật nhạc để cha mẹ tỉnh giấc rồi ra sân nhún nhảy theo giai điệu con yêu thích. Thì ra vấn đề nằm ở thói quen. Việc nan giải đạt kết quả tốt vượt kế hoạch.
Chưa tới hai tuần, con đã tự dậy sớm, tươi tỉnh, tràn đầy năng lượng. Bắt đầu một ngày với tinh thần minh mẫn như thế, con sẽ siêng năng và chắc chắn kết quả học tập tốt hơn. Áp lực đầu ngày của cha mẹ vì thế cũng được giải tỏa.
Việt Quỳnh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ren-con-day-som-a1471804.html” name=””]