( Yeni ) – Sau khi đã hoàn thành lễ cúng ông Công ông Táo là thời điểm thích hợp để tiến hành bao sái bát hương, rút tỉa chân hương trước Tết Nguyên đán.
Nhiều gia đình thường thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo trước, sau đó mới tiến hành tỉa chân hương, bao sái bát hương. Vậy ngày nào đẹp nhất để tiến hành công việc này sau ngày 23 tháng Chạp.
Ngày đẹp rút tỉa chân nhang
Ngày đẹp nhất cuối năm để thực hiện việc bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang là ngày 24 tháng Chạp, tức ngày 26/1/2022 dương lịch. Ngày tiếp theo là 26 tháng Chạp, tức ngày 28/1/2022 dương lịch.
Ngày 24 tháng Chạp (26/1/2022) là ngày Kỷ Mão, thuộc ngày Kim Đường Hoàng Đạo, trực Mãn, có sao tốt là Bích thuỷ du, Kim đường, Ngũ hợp, Bảo quang thích hợp cho việc cúng tế thuận lợi, may mắn.
Ngày 24 tháng Chạp có giờ lành hợp để thực hiện tỉa chân nhang là giờ Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h).
Ngày 26 tháng Chạp (28/1/2022) là ngày Tân Tỵ, thuộc ngày Ngọc Đường Hoàng Đạo, trực Định, có sao tốt là Thiên ân, Nguyệt ân, Thời âm, Ngọc đường thích hợp cho việc cúng tế, cầu phúc, cầu tự.
Ngày 26 tháng Chạp có giờ đẹp là giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h).
Nhìn chung, ngày 24 và 26 tháng Chạp là hai ngày có thể thực hiện công việc bao sái ban thờ, rút tỉa chân hương. Khung giờ thực hiện tỉa chân nhang là vào ban ngày, không nên thực hiện vào chiều tối hay đêm. Tuy nhiên, gia chủ nên cân nhắc chọn lựa ngày thực hiện sớm, để có thời gian chăm sóc án hương được chu đáo, toàn vẹn.
Ai là người tỉa chân hương?
Người tỉa chân nhang thường là chủ nhà hoặc đảm đương việc cúng lễ trong nhà. Trước khi tiến hành tỉa chân nhang thì phải tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc, trang phục gọn gàng, tôn nghiêm, đặc biệt phải rửa sạch tay.
Cách thức tỉa chân nhang
Chuẩn bị: Bạn lưu ý mọi đồ dùng để tỉa chân nhang nên là đồ mới và sạch, hoặc có thể là vật dụng cũ nhưng phải chuyên dùng để phục vụ cho những công việc lau dọn ban thờ.
Rượu gừng sạch: Mua rượu mới và dùng củ gừng mới, rửa sạch giã nát, hòa vào rượu.
Nước hoa (không bắt buộc)
1 tờ báo/tấm vải sạch
2 khăn sạch
Chậu nước sạch, nếu là nước thơm thì càng tốtt
Bước 1: Thắp hương, khấn xin tỉa chân nhang (xem bài khấn bên dưới), chờ hương cháy hết rồi bắt đầu. Nếu bạn vừa tiễn ông Công ông Táo xong, hương vẫn còn thì không cần thắp nữa, chỉ khấn xin tỉa chân nhang và chờ hương cháy hết thôi.
Bước 2: Để tờ báo hoặc tấm vải sạch ở gần bát hương để đựng chân nhang. Một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút từng chân hương, khóm chân hương để lên tờ báo/vải, cẩn thận để không làm tung tóe tro. Một số nhà còn kiêng không rút chân hương đầu tiên được thắp khi bốc bát hương. Bạn tỉa chân nhang cho đến khi còn lại một số lẻ, thường là 3, 5, 7, 9 chân nhang trong bát hương. Mang chân nhang đã tỉa để ra chỗ sạch sẽ và xử lý như Bước 5.
Lưu ý: Trong khi tỉa chân nhang, nhiều nơi quan niệm rằng phải giữ cho bát nhang bất động, không bị xê dịch, xoay mặt đi hướng khác.
Bước 3: Dùng một khăn thấm rượu gừng, một tay giữ bát nhang, một tay cẩn thận lau sạch sẽ, có thể thêm nước hoa vào khăn cho thơm.
Bước 4: Sau khi tỉa chân nhang, lau bát hương, bạn có thể xin phép để rửa lại chén nước, chén rượu, bình hoa, lau đèn, đĩa bày hoa quả… Đặt hết các đồ này vào chậu, mang sửa sạch sẽ và dùng khăn khô còn lại để lau (không lau chén nước, bạn có thể dùng nước sôi sạch để tráng).
Bước 5: Mang chân nhang đi hóa thành tro. Tro của chân nhang sau khi hóa cần được thả ở nơi nước sông, suối sạch sẽ, không có rác hay bị ô uế. Không được bỏ tro vào thùng rác, để chung với những vật ô uế, không thanh tịnh.
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/sau-le-cung-ong-cong-ong-tao-day-la-2-ngay-dep-nhat-de-rut-tia-chan-nhang-bao-sai-bat-huong.html” alt_src=”” name=”Khoevadep”]