Tôi đã nhiều lần chứng kiến những mộng mơ và cả… “ảo tưởng” rất thực tâm, nghiêm túc và trách nhiệm của vợ. Lần nào cũng dở khóc dở cười.
Tôi và vợ từng là bạn học. Thời đó, tụi con trai chúng tôi đều thấy nhẹ nhàng, vui vẻ khi ở bên cạnh cô ấy. Thậm chí nhiều cậu bị cuốn theo những mộng mơ mà cô ấy… tưởng tượng ra.
Ví dụ, khi cậu Thắng nói sẽ thi vào ngành công an, thì cô ấy lập tức nói: “Nghĩ đến cảnh Thắng mặc sắc phục, hướng dẫn cho người dân làm giấy chứng minh, hoặc thú vị hơn là đi phá một vụ án, thậm chí là đi canh giữ một hiện trường quan trọng thì cũng đã thấy thích!”.
Cứ vậy, cô ấy vô tình truyền cảm hứng sống cho bạn bè. Và tôi thật sự thấy mình may mắn khi được cô ấy đáp lại tình cảm. Ai ngờ, tới mười năm sau, cả nhóm bạn gặp nhau chỉ mong tôi kể chuyện mơ mộng của vợ để… tấu hài. Bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười từ cái tính mơ mộng, yêu đời và cả… ảo tưởng sức mạnh của cô ấy.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Mới đây nhất, vợ tôi một mực đòi về quê sống. Cô ấy vẽ ra bức tranh vợ chồng trồng rau nuôi gà, con cái học hành nhẹ nhàng và dành thời gian chơi với thiên nhiên. Tôi nghiêm túc tiếp thu, nhưng cả hai đến cầm cái cuốc còn không biết, thì về quê sống bằng gì?
Cô ấy khẳng định: “Thì học! Quan trọng là anh có thấy bức tranh kia lý tưởng không. Nếu nó xứng đáng, thì ta sẽ học mọi thứ cần học để sống trong nó”.
Cô ấy nói tiếp: “Ta bon chen đã nhiều. Mình sống vì cái gì hả anh? Chẳng phải mình nỗ lực cũng vì muốn cho con có không gian học hành và vui chơi rộng mở, gia đình được ăn đồ ăn sạch sẽ, thượng hạng… Chi bằng ta về quê, rau tự trồng, thiên nhiên sẵn đó. Sao phải đi
đường vòng?”.
Thật hợp lý. Nhưng đâu phải muốn về quê là về. Bao nhiêu kỹ năng cần thuần thục để sống được với vườn tược, và con cái cũng chắc gì có thể thích nghi…
Cuộc tranh luận diễn ra triền miên. Tôi hỏi gì cô ấy cũng đáp được. Và cuối cùng, tôi phải chấp nhận dành trọn kỳ nghỉ phép năm để đưa cả nhà về quê trong dịp hè để… sống thử.
Chuyến sống thử này được bạn bè cực kỳ trông đợi. Người thì muốn thông qua trải nghiệm của chúng tôi để trả lời cho mơ ước về vườn của họ. Người thì muốn chờ xem vợ tôi sẽ lại làm chuyện gì khi đã được bước một chân vào giấc mơ.
Ngày đầu tiên, chuyện dang nắng, cầm cuốc học cuốc từng vốc đất trong khu vườn um tùm những loài cỏ dại, lại vo ve các loại thiên địch… vốn đã là thử thách với vợ. Từ ngày thứ hai, cô ấy đã phải vô cùng cố gắng. Cô lên hẳn một lịch làm việc: buổi sáng sớm và chiều tối sẽ dành cho việc cuốc đất, làm cỏ. Những giờ nắng lên thì sẽ làm những việc khác. Nhìn vợ quyết tâm với đôi má đỏ au mướt mồ hôi, tôi cũng dao động. Nếu lâu dài, cô ấy vẫn quyết tâm đến vậy thì có lẽ tôi cũng nên suy nghĩ nghiêm túc.
Nhưng khi nhìn thấy một con chuột chạy ngang qua bếp vào đêm thứ ba, cô ấy hét toáng lên và chạy như bay về giường. Căn nhà cấp bốn có sẵn trong vườn khi chúng tôi mua mảnh đất này năm năm trước. Đến dịp hè này tôi mới sửa sang để đưa cả nhà về ở. Có lẽ, bầy chuột từ vườn nghe mùi thức ăn trong bếp nên mấy hôm nay đã mở rộng địa bàn vào trong nhà.
Tối đó, vợ thực sự hoảng loạn. Vợ nói như khóc: “Em rất sợ rắn, nhưng sợ chuột hơn!”.
Nhưng những ngày tiếp theo mới thực sự là ác mộng. Sáng bước chân xuống giường, vợ cũng kêu chồng vào… coi gầm giường có chuột không. Vợ nhìn đâu cũng thấy “quá trống trải”, rồi liên tục đề xuất phải bịt chỗ này, vá chỗ kia để nhà kín mít, chuột không thể lọt vào.
Và thảm họa nhất, là vợ không dám bước chân xuống vườn, bởi ở đâu cũng có thể có một con chuột đang, đã, hoặc sẽ bò qua đó.
Một buổi tối, dường như đã không thể chịu nổi, vợ khóc òa lên: “Sao em lại bánh bèo vô dụng đến mức để nỗi sợ chuột nhấn chìm mình như vậy, không lẽ em phải từ bỏ chuyện về quê chỉ vì sợ chuột sao?”.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Tôi không sợ chuột, nhưng bao năm sống với vợ đã giúp tôi hiểu con vật kia có thể làm người ta kinh hãi đến mức nào. Khi vợ dùng mọi lý lẽ để sỉ vả bản thân, tôi nói: “Không phải chuyện gì đúng đắn mình cũng buộc phải làm cho được. Anh hiểu em cần vượt qua nỗi sợ chuột, nhưng không nhất thiết phải ép mình phải vượt được ngay lúc này. Cứ từ từ. Chuyện về quê cũng vậy, cứ từ từ suy nghĩ và rèn luyện. Chừng nào chín muồi thì quyết…”.
Vợ ậm ừ. Và như được cởi tấm lòng, vợ đề nghị sáng mai cả nhà… về lại thành phố luôn, để cô ấy tạm xa nỗi sợ từ phút con chuột bò qua chân mình. “Về đi anh, để em cân bằng lại…”.
Thế là chúng tôi quay về thành phố.
Tôi đã nhiều lần chứng kiến những mộng mơ và cả… “ảo tưởng” rất thực tâm, nghiêm túc và trách nhiệm của vợ. Lần nào cũng dở khóc dở cười. Nhưng khi thực sự quan sát và hiểu cô ấy, thì mọi lần, đều khiến tôi thấy được một bài học gì đó cho chính mình. Lại thấy vợ thú vị, đáng yêu hơn…
Tấn Đạo
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/song-voi-co-vo-mo-mong-a1471651.html” name=””]