Thành công của cặp đôi doanh nhân Tăng Bảo Quyên – Trần Landon Ngân khiến người ta tin rằng người Việt có thể từ số 0 vươn lên dẫn đầu trong ngành của mình, với sự phát triển bền vững.
Sản phẩm của Urban Garden tại không gian ngoài trời |
Đến showroom Urban Garden ở Thảo Điền (TP Thủ Đức, TPHCM), người ta thường thấy diễn viên quen thuộc một thời Tăng Bảo Quyên hiện diện ở đó. Khi thì cô trồng cây, cắm hoa; lúc lại trình chiếu, giới thiệu các thiết kế mới nhất.
Đã 10 năm nay, Tăng Bảo Quyên vắng mặt hẳn trên màn ảnh lớn nhỏ. Cô cùng chồng sáng lập Công ty LQ International – chuyên cung cấp các sản phẩm sân vườn cao cấp và trang trí nội – ngoại thất. Trong đó, Urban Garden là thương hiệu bán lẻ của công ty.
Có thể đối với nhiều người, con số 10 năm trôi qua như một cái chớp mắt. Tuy nhiên, với vợ chồng Tăng Bảo Quyên, 10 năm được đo bằng hơn 1.000 dự án. Công ty cũng tiên phong đầu tư vào cộng đồng thiết kế, qua việc tài trợ những giải thiết kế về đồ nội thất, ví dụ Vietnam Design Week – Tuần lễ thiết kế Việt Nam.
Phụ nữ TPHCM đã có cuộc gặp gỡ vợ chồng Tăng Bảo Quyên và biết được nhiều câu chuyện thú vị sau hành trình hơn 10 năm Trần Landon Ngân từ Mỹ về nước lập gia đình, khởi nghiệp ở quê nhà.
Một sản phẩm ấn tượng của Urban Garden |
Người ta chỉ thất bại khi bỏ chạy
Phóng viên: Được biết LQ International để lại dấu ấn ở khắp các resort, khách sạn lớn trong và ngoài nước ở mảng cung cấp đồ loose furniture – thiết bị nội thất rời dễ di chuyển. Tại sao ngay từ đầu anh không đi theo hướng xuất khẩu mà lại chọn thiết kế nội ngoại thất đo ni đóng giày cho từng dự án?
Ông Trần Landon Ngân: Đến với ý tưởng làm đồ nội thất thì ban đầu, ai cũng muốn một nhà máy xuất khẩu để làm OEM (nhà máy sản xuất và cung ứng thiết bị gốc, sản phẩm gốc cho đối tác). Sau khi đi một vòng tham gia hội chợ ở Đức, Mỹ, Singapore để xem hết chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành nội thất, tôi thấy OEM cũng quan trọng. Nhiều nhà máy lớn làm OEM tốt. Nhưng nếu làm OEM, mình chỉ đóng vai trò gia công. Toàn bộ mẫu mã, thiết kế, bản quyền là của thương hiệu đầu tư. Như vậy, mình không sử dụng được chất xám nhiều. Trong khi đó, khách hàng thường yêu cầu công ngày càng phải rẻ hơn. Độ rủi ro về thay đổi của thị trường lại rất cao.
“Kim chỉ nam của chúng tôi là làm đúng. Báo giá đúng. Nói đúng với những gì cam kết với khách. Đúng từ đầu, từ khâu sản xuất. Ngay cả bộ phận bán hàng cũng không cần nói quá làm gì”. Trần Landon Ngân |
Không nắm được đầu ra, mình sẽ hoàn toàn bị động và chịu ảnh hưởng đầu tiên khi biến cố xảy đến như khủng hoảng kinh tế hoặc khi nhắm bán không hết như dự kiến, họ thường cắt đơn hàng rất nhanh. Thua thiệt thường nằm ở nhà máy sản xuất gia công.
Lúc đó, tôi đặt câu hỏi tại sao mình không đầu tư về thiết kế, R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) để tạo nên sản phẩm tốt hơn. Đồng nghĩa mình phải tham gia mảng này với công thức thông minh hơn để phát triển bền vững.
Quan trọng hơn, thời điểm đó, ở Việt Nam rất ít khách sạn 4-5 sao và không nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Chắc chắn thời gian kế tiếp, tức 10 năm vừa rồi, sẽ có sự bùng nổ phát triển của mảng nghỉ dưỡng. May mắn là dự đoán đó đúng để chúng tôi phát triển.
Doanh nhân Tăng Bảo Quyên – Trần Landon Ngân thường bên nhau trong công việc |
* Chinh phục thị trường nước ngoài có khó không? Anh chị bắt đầu đem chuông đi đánh xứ người như thế nào?
Ông Trần Landon Ngân: Lợi thế của Việt Nam là đội ngũ thợ thầy rất giỏi, làm hàng đẹp, tỉ mỉ. Việt Nam xuất khẩu nhiều nên nguồn vật liệu đầu vào dồi dào. Có những năm Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn cả Trung Quốc về đồ nội thất.
Chúng tôi có đơn hàng từ lúc mở công ty, rồi đơn hàng tiếp theo lại đến từ việc mình làm tốt đơn hàng trước. Chẳng hạn, thành lập khoảng nửa năm, công ty gặp được một khách hàng lớn. Trước đó, họ hay mua đồ ngoại thất ở Trung Quốc nhưng chất lượng không ổn định. Có đơn hàng thì xài được 1 năm. Có đơn hàng dùng ở miền biển mấy tháng là gỉ sét hết.
Khách đưa một cái ghế làm từ dây nhựa của Trung Quốc và hỏi ở Việt Nam làm được như vậy không. Tôi trả lời là được. Sản phẩm đẹp y chang, giá chỉ bằng Trung Quốc, mình không làm rẻ hơn nhưng bảo hành 3 năm. Trong khi hàng Trung Quốc không được bảo hành.
Về nhà, tôi lấy dây nhựa của Trung Quốc ở ghế mẫu để kiểm tra. Đúng như dự đoán. Chất liệu không phải 100% nhựa mà họ trộn bột đá vào rất nhiều để giá thành rẻ. Vấn đề là sai ứng dụng. Có thể sản phẩm này ứng dụng ở một số môi trường khác thì phù hợp, còn nếu sử dụng ở các resort miền biển với nắng, muối biển, khí hậu rất khắc nghiệt và rất nhiều người sử dụng, cái ghế đó không bền.
Khi tôi kiểm tra chất lượng dây, sợi dây của Trung Quốc chỉ cần kéo giãn khoảng 2 tấc đã đứt. Trong khi sợi dây Việt Nam là 100% nhựa, có thể kéo hơn 2m đến khi mỏng dính, sợi nhựa mới đứt. Điều này làm khách rất ấn tượng.
Sau đó, khách không đặt hàng Trung Quốc nữa mà đặt hàng bên tôi. Nhiều dự án khác cũng tương tự. Tôi nghĩ đơn giản mình cứ thành thật với khách hàng, tư vấn bằng vốn kiến thức sản xuất mà mình có.
Bà Tăng Bảo Quyên: Tôi thấy mình bầm dập các kiểu chứ đâu may mắn! Tôi là người bên cạnh Landon nên biết anh ấy phải làm liên tục và nhận bài học xương máu liên tục. Nhưng Landon luôn đứng lên và làm lại từ đầu rất nhanh. Chẳng hạn, khi nhận được phản hồi không tốt từ khách hàng thì tâm lý chung là rất sợ nhưng Landon sẽ lập tức đưa ra sự lựa chọn thứ hai cho khách.
Ông Trần Landon Ngân: Mỗi lần bị lỗi gì đó hoặc sản phẩm có sự cố, tôi lại nghĩ đó là cơ hội tuyệt vời nhất để biến khách hàng đó thành khách hàng trung thành sau này. Nếu mình chịu trách nhiệm khắc phục ngay bằng mọi khả năng, sửa lỗi nhanh nhất có thể và làm tốt nhất thì đó là lúc mình ghi điểm nhiều nhất.
Không phải chúng tôi muốn có nhiều cơ hội ghi điểm như vậy nhưng đó là lúc chúng tôi biến thử thách thành cơ hội để chăm sóc khách hàng tốt hơn. Chúng tôi học được bài học để lần sau né. Thêm nữa, chúng tôi ghi điểm ở sự khắc phục chứ không bỏ chạy. Người ta chỉ thất bại khi bỏ chạy.
Showroom Urban Garden |
Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững cần đầu tư bền vững
* Đang làm tốt mảng dự án, tại sao anh chị lại “đẻ” ra mảng bán lẻ Urban Garden?
Ông Trần Landon Ngân: Bán lẻ là sân chơi để chúng tôi thăm dò những thiết kế mới, sáng tạo. Thị trường quá nhỏ. Hiện tại, gần như người Việt bỏ hẳn thị trường cho hàng Trung Quốc. Nếu mình không hành động, không xắn tay vào làm liền thì có lẽ không bao giờ xây dựng được một thị trường hàng thiết kế như Thái hoặc Nhật. Nếu thị trường quen sử dụng hàng Trung Quốc thì thay đổi hành vi cho người tiêu dùng còn khó hơn.
Ở Việt Nam cần cuộc cách mạng kêu gọi người dân ủng hộ thiết kế của địa phương, bản địa như cuộc cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa của Nhật trước đây. Làm sao để có nhiều nhà thiết kế, nhiều doanh nghiệp tham gia, đầu tư vào. Việc đó không đem lại lợi nhuận liền đâu nhưng mình cứ coi như một phần của trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng.
Ngay cả bây giờ, về vấn đề phát triển bền vững hoặc không rác thải, nhiều doanh nghiệp cũng muốn làm cho thương hiệu của mình. Như vậy, họ vừa củng cố được hình ảnh hoặc bán được chứng chỉ các bon. Theo tôi, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững cần đầu tư bền vững. Với Urban Garden, đầu tư cho cộng đồng thiết kế là điều phải làm.
Gỗ lũa và các loại gỗ tái chế, gỗ tái sinh… được sử dụng nhiều trong các sản phẩm của Urban Garden |
* Anh từng sống và học tập mười mấy năm ở nước ngoài. Có phải nhờ cái nhìn toàn cảnh nên anh dễ thành công?
Ông Trần Landon Ngân: Cái quan trọng nhất vẫn là: Làm đúng. Dù mọi người muốn tìm cách đi đường tắt nhưng chúng ta không nên quan tâm, cần làm đúng trước đã. Đây là quan niệm chứ không phải từ bằng kinh tế bên Mỹ dù tôi học được rất nhiều từ nền giáo dục Mỹ. Thực sự quan niệm này gần với quan niệm ở hiền gặp lành của người Việt. Mình làm đúng thì tự nhiên những cái đúng đi theo mình. Dù dự án đó không có lợi nhuận nhưng nhờ làm đúng, tự nhiên ta lại nhận được những dự án tiếp theo, đem đến lợi nhuận.
* Anh chị phân chia công việc như thế nào?
Ông Trần Landon Ngân: Chúng tôi làm chung. Có những cái Quyên làm chính, không có Quyên sẽ không làm được, chẳng hạn thiết kế sản phẩm. Tôi mê về kỹ thuật tạo nên sản phẩm nhưng do cái nhìn hơi thực tế trong kinh doanh nên không sáng tạo như Quyên. Khiếu thẩm mỹ của Quyên hơn tôi rất nhiều. Chính Quyên là người tạo ra cái hồn cho những sản phẩm của công ty.
Bà Tăng Bảo Quyên: Lúc mới kết hôn, tôi nghĩ mình có nghề diễn viên thì tiếp tục công việc thôi. Nhưng khi chúng tôi về một nhà thì Landon làm gì cũng tạo điều kiện cho tôi khám phá lĩnh vực mới. Ví dụ như ở một sản phẩm, tôi ưu tiên cảm nhận về tính thiết kế, tính sáng tạo, có phần bay bổng, khoan hãy tính đến giá thành. Tất cả đều dựa vào cảm giác và trực giác của phụ nữ, làm sao để đẹp nhất có thể.
Gia đình doanh nhân Tăng Bảo Quyên – Trần Landon Ngân |
* Chị đang nhắc đến tính nữ trong thiết kế sản phẩm…
Bà Tăng Bảo Quyên: Ngày nọ đến xưởng đan, tôi thấy thợ đan chưa xong, còn sợi dây rất dài. Lúc đó, tôi chợt nghĩ cái này nếu không cần hoàn thiện, dừng lại ở đây và làm cho sạch sẽ xung quanh thì sao. Tôi hỏi người phụ trách kỹ thuật rằng kết thúc ở đây thì an toàn không, họ nói được. Tôi hay hỏi thợ có thể làm khác một chút không. Thợ thủ công không bay bổng như mình nhưng kỹ thuật rất chắc. Cũng có khi họ cho biết nếu làm theo kiểu của tôi thì sẽ cộm chỗ này, cấn chỗ kia. Từ đó, họ tư vấn cho mình giải pháp để làm tốt.
* Ngoài nội thất, hình như chị còn làm cả thiết kế cảnh quan? Điều chị thích nhất khi làm thiết kế cảnh quan là gì?
Bà Tăng Bảo Quyên: Lúc chưa có con, vợ chồng tôi hay đi du lịch khám phá. Chúng tôi cùng chung cảm giác rất trân quý và say mê thiên nhiên. Bây giờ không còn nhiều thời gian như xưa, tôi muốn tạo ra cái gì đó ngay để trải nghiệm và tận hưởng.
Khi làm cảnh quan, nghệ thuật sắp đặt được vận dụng triệt để. Ví dụ để tái tạo con suối thì có ngày sỏi về cả tấn. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm từng viên để sắp xếp, tạo bố cục từng góc. Đặt tảng đá xong xoay qua xoay lại coi trực quan, cảm giác của mình ngay lúc đó có đúng không. Phải đi vòng quanh, ngồi chỗ này chỗ nọ phát hiện xem thiếu gì, đủ gì; điểm dừng chân ở đâu, chỗ nào mọi người sẽ muốn chụp hình… Tôi ưu tiên tương tác trực tiếp bằng chụp ảnh hoặc sờ. Lúc nào tôi cũng muốn gom về gần mình, có lẽ vì tôi thiếu thiên nhiên quá.
Ngoại thất Meliá Hồ Tràm |
* Gắn bó với công việc ở lĩnh vực mới này, chị cảm thấy bản thân thay đổi thế nào?
Bà Tăng Bảo Quyên: Cứ đi từng bước, từng bước, tôi thấy mạnh mẽ hơn. Tôi biết chịu trách nhiệm và suy nghĩ cho người khác nhiều hơn. Ngày xưa, tôi hay nói câu sao cũng được. Bây giờ, câu đó không thể nào xuất hiện.
Giai đoạn đầu, tôi làm việc bằng cảm giác nhưng hiện tại, tôi đã học được ở Landon tính kỷ luật, logic và hợp lý. Phải tính ra con đinh ốc bu lông sắt thép hoặc bao nhiêu ký nguyên liệu này, nguyên liệu kia; cái ghế này thiết kế như vậy ngồi có thoải mái không, thoải mái đến mức độ nào, độ lài của nó là bao nhiêu…
Người ta nói càng mạnh mẽ thì càng ít khóc, tôi thì ngược lại. Tôi rất dễ cảm xúc trước cái đẹp, cái xấu; rất dễ cảm động. Tôi không cố ý giữ hình tượng như trước mà bộc lộ cảm xúc ngay và luôn. Tôi ứng dụng điều này vào cách làm việc với các bạn thiết kế vì trực giác ban đầu rất trung thực. Có lẽ sự hồn nhiên, trực giác đó là cái mà sau một thời gian dài tiếp xúc, thiên nhiên đã dành tặng cho tôi.
* Cảm ơn anh chị đã chia sẻ.
Yến Lê Yilly (thực hiện)
– Ảnh do nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tang-bao-quyen-tran-landon-ngan-lam-dung-truoc-da-a1524102.html” name=””]