Chưa khi nào tôi chán tết Sài Gòn, dù đã U50. Khi nghe người thân, bạn bè than buồn vì không thể về nước ăn tết, vì nhớ Sài Gòn… tôi thấy mình hạnh phúc và may mắn.
Vào tháng Giêng, ai gặp người quen, những câu chuyện nói với nhau miên man thế nào cũng đưa về chủ đề tàu xe ngày tết, bao giờ về. Rồi thì lào xào, than phiền về nỗi giá vé máy bay, tàu xe đắt đỏ, muốn mua không dễ.
Những lúc như thế, tôi lại muốn khuyên người ly hương nên ở lại thành phố ăn tết. Một cái tết đơn giản nhưng vẫn đầy đủ và có nhiều nét văn hóa độc đáo mà chỉ ở đây mới có.
Đường hoa Nguyễn Huệ – “đặc sản” của người Sài Gòn |
Chỉ khi ăn tết ở Sài Gòn ta mới cảm được trong cái nắng chói chang của thành phố dịp tết luôn có chút se lạnh. Trong không gian thoang thoảng mùi nhang trầm, nhang thơm của nhà ai đó vừa thắp. Những con đường, những hẻm nhỏ đó, nơi ta đi ngang qua hàng ngày, vào tết bỗng thay đổi hẳn. Chúng rộng hơn, sạch sẽ và thoáng đãng hơn. Buổi sáng nó yên ả như ở một thành phố nào ở đất nước thưa người.
Dẫu vậy, trước sân nhà, trong các hẻm nhỏ vẫn có các nhóm nơi chơi lô tô, bầu cua cá cọp. Dù không còn những tiếng hô lô tô: “Cờ ra con mấy, con mấy gì ra. Nước chảy lon ton, con vượn bồng con lên non hái trái…” như hồi tôi còn nhỏ, nhưng tiếng kêu lô tô bây giờ vẫn thánh thót, lanh lảnh không ngơi. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng ai đó chặc lưỡi, tiếc rẻ vì “suýt kinh”.
Mà lạ một điều là chơi ngoài đường lại có không khí hơn chơi trong nhà, nơi có quạt máy và bánh mứt các loại.
Vào các mùng, ngoài đi chúc tết bà con, người thân, người dân thành phố còn đến chùa thắp nhang cầu cho gia đạo bình an. Do vậy mà những ngôi chùa ở thành phố cũng mở cửa đến 8, 9 giờ đêm. Trong khói nhang trầm mặc, thời điểm đất trời giao hòa ai cũng thấy mình buông bỏ những buồn phiền, lo toan của năm cũ để bước sang năm mới vui tươi, phấn khởi hơn.
Ăn tết ở thành phố là không chỉ ăn tết ở nhà mà còn là tết ngoài đường. Tết của sẻ chia. Như mẹ của tôi, năm nào bà cũng đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để lì xì cho các bệnh nhi ở khoa Phỏng và khoa Cấp cứu. Hơn 10 năm nay, khi thì mẹ tôi đi một mình, có năm đi cùng một người bạn.
Như một cô gái bên quận 7, cuối năm cô khoe là đã được Mạnh Thường Quân ủng hộ một số tiền để mùng một lì xì cho những người bán vé số, cơ nhỡ… cùng với hơn 1.200 phần ăn sáng, hộp sữa đậu nành mà cô nấu tặng.
Không chỉ cô mà cả mấy chục nhóm từ thiện khác vẫn nấu bếp, đỏ lửa để tặng cơm từ thiện cho những bệnh nhân, người nghèo… được no bụng và ấm lòng những ngày tết. Có cô bán vé số khi nhận được quà đã trao tặng lại một tờ vé số làm người trao quà cũng rưng rưng.
Rất nhiều người Sài Gòn quan niệm tết là dịp sẻ chia, nên đây cũng là dịp họ gửi lòng chân thành của mình tới người nghèo (ảnh: Tiên Bơ) |
Chỉ có điều là để ăn được tết ngoài đường mà không đói thì phải là dân Sài Gòn “nhập tịch” đã lâu. Vì quán xá lớn nhỏ gì đều đóng cửa dịp tết nên tìm ra được một quán mở bán và giá cả bình ổn cũng là một nghệ thuật của người dân thành phố.
Không có sự rộn ràng của nhà nhà làm bánh, làm heo chia cả xóm khi tết đến. Không có dòng sông, con đò hay non cao núi biếc thay đổi sắc diện chào đón những đứa con ly hương trở về. Sài Gòn ăn tết mang một nét rất riêng mà chỉ ai ở lâu mới cảm nhận được.
Ở đây chỉ có một đường hoa Nguyễn Huệ nho nhỏ, năm nào cũng ken kín người, nhưng không đi thì nhớ.
Chỉ có một hội hoa xuân ở công viên Tao Đàn mà không đến coi như không thấy xuân. Nhưng ở đây có những tấm lòng bao dung, nghĩa hiệp và hào sảng của những người con miền Nam luôn rộng mở, nhất là những ngày tết vui vẻ, hân hoan với mọi người.
Chưa khi nào tôi chán tết Sài Gòn, dù đã U50. Khi nghe người thân, bạn bè than buồn vì không thể về nước ăn tết, vì nhớ Sài Gòn… tôi thấy mình hạnh phúc và may mắn.
Tết đã hết nhưng tôi thấy thành phố vẫn còn đang xuân lắm.
Thủy Tiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tet-sai-gon-thuong-lam-a1483909.html” name=””]