Có thể tận dụng nhiều công cụ để bày tỏ quan điểm bình đẳng giới và điều đầu tiên là bạn tin rằng mình có quyền cất lên tiếng nói.
Ngày 25/9/2022, hội thảo “Đưa con vào đời – Tư duy mới” được nhóm sinh viên Khóa 12 Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức với nội dung “Khả năng ra quyết định của mỗi giới về việc sinh, nuôi và dạy con cái trong gia đình”.
Sinh viên hào hứng gấp “lá thư cảm xúc” với thông điệp hãy bộc lộ tâm tình, chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ đồng thời đẩy lùi định kiến giới |
Hội thảo này là một trong chuỗi hội thảo cùng nhiều hoạt động của Dự án sinh viên “Đẩy lùi định kiến giới trong khả năng ra quyết định tại các gia đình trên địa bàn TPHCM ở thời kỳ hiện đại” nằm trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, tổ chức Oxfam điều phối, quản lý, CISDOMA và các trường đại học đối tác tổ chức thực hiện tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Dự án nhằm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng đối với bình đẳng giới bằng cách tạo ra những thay đổi trong giới trẻ, các nhà báo và các doanh nghiệp có ảnh hưởng truyền thông – những hạt nhân sau đó sẽ thúc đẩy thay đổi tích cực cho xã hội.
Dự án là sáng kiến thanh niên thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, được các giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông quản lý, hướng dẫn.
Tại hội thảo, nhiều câu hỏi, trăn trở của sinh viên được chia sẻ, giải đáp: hậu quả của lựa chọn giới tính khi sinh; có cần phải phân chia rạch ròi chồng ra ngoài kiếm tiền – vợ ở nhà nội trợ hay không; thanh niên – sinh viên trang bị gì để có thể bước vào cuộc sống hôn nhân bình đẳng; người phụ nữ có cần phải nhường nhịn hơn để gia đình được êm ấm, con cái nên nghe lời ba hay mẹ nhiều hơn; con cái có thể tác động để ba mẹ cởi bỏ định kiến không…?
Một nam sinh viên thẳng thắn cho biết mong muốn sau này cưới vợ sẽ sinh con trai vì bạn nghĩ rằng ba chơi đùa với con trai có thể vui hơn. Đồng hành với ý nghĩa này của bạn nam sinh, thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi (giảng viên Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) không “dán nhãn” bạn đang “trọng nam khinh nữ” mà khẳng định bạn có quyền mong muốn và thể hiện mong muốn của mình.
Tuy nhiên nếu trên thực tế không được như vậy thì cũng đừng buồn hay lo lắng. Thực ra chơi với con gái con trai đều vui. Nếu có bé gái hay bé trai, ba mẹ đều cần học cách chơi với con, tương tác với con cho phù hợp và hiệu quả.
Bạn nam sinh bày tỏ mong muốn có con trai sau khi lập gia đình |
Chứng kiến những cảnh bạo lực, “chồng chúa vợ tôi” trong hẻm nhà mình, một nữ sinh đặt câu hỏi: “Làm sao để các thành viên trong gia đình có thể nói chuyện, chia sẻ và tôn trọng nhau?”.
Một nữ sinh với những trăn trở về bạo lực gia đình trên cơ sở bất bình đẳng giới |
Theo thạc sĩ Mộng Chi, mỗi người bước vào cuộc hôn nhân đều mang theo văn hóa của gia đình gốc vào. Nếu hai văn hóa ấy tương đồng thì việc hòa hợp dễ dàng hơn. Nhưng nếu trái ngược nhau, bạn đời có quan điểm cứng nhắc thì mình từ từ, dần dần tìm cách tác động, “mưa dầm thấm sâu”. Bạn có thể sử dụng một số công cụ như báo đài, câu chuyện xung quanh, dẫn lại quan điểm của ai đó, bày tỏ quan điểm của mình. Nhún nhường ngay từ đầu sẽ để lại những điều tiêu cực cho mối quan hệ và lại khó dứt ra được.
“Bạn nên có tiếng nói độc lập, tư duy độc lập cùng với những hiểu biết cập nhật sẽ dần thuyết phục được bạn đời, các thành viên khác trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Các bạn có thể tận dụng mạng xã hội, các diễn đàn để chia sẻ quan niệm của mình, đẩy lùi định kiến giới ngoài xã hội. Điều đầu tiên là bạn tin rằng mình có quyền cất lên tiếng nói” – thạc sĩ Mộng Chi đúc kết.
Diễn giả thạc sĩ Mộng Chi (giữa) và thạc sĩ Đỗ Nam (bìa trái) tại hội thảo |
Cùng là diễn giả của hội thảo, thạc sĩ Phạm Đỗ Nam (chuyên ngành Nghiên cứu phát triển, chuyên về trẻ em và vị thành niên – Công tác Xã hội Ứng dụng, Cán bộ Dự án Chương trình tại Save the Children International) nhấn mạnh: Để giao tiếp trong gia đình thuận lợi, các thành viên phải xây dựng niềm tin với nhau. Tiếp cận không phán xét, không định kiến, chấp nhận mỗi con người như họ là… . Người phụ nữ hiểu về quyền của mình nhưng không quá cực đoan, giữ tâm thế đủ để lắng nghe và chia sẻ. Không phải nhường nhịn nhưng cũng không chấp nhặt những tiểu tiết và có thể cho qua bởi đâu đó cũng là tình yêu thương.
Cả khán phòng cười ồ khi nghe câu hỏi của một bạn sinh viên: “Không đẻ con gái đời không nể. Đấy có phải là một dấu hiệu của bình đẳng giới hay không?”.
Thạc sĩ Đỗ Nam cho rằng, đó chỉ là một xu hướng chứ không thể xác nhận là bình đẳng giới hay “trọng nữ”. Cô Mộng Chi dí dỏm chia sẻ: “Con cái là trời cho, mỗi đứa con được sinh ra, lớn lên là một công trình rất lớn nên đẻ con nào thì đời cũng phải “nể” hết. Hãy để tự nhiên an bài. Định kiến con trai – con gái hay quá mong cầu về giới tính của con ít nhiều ảnh hưởng đến sự yêu thương và chăm sóc trẻ”.
Tô Diệu Hiền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thanh-nien-sinh-vien-lam-gi-de-day-lui-bat-binh-dang-gioi-a1473757.html” name=””]