Cuối tháng 8/2022, fanpage của SwissUltra 2022 (Thụy Sĩ) đăng ảnh một vận động viên Việt Nam về đích cùng lời chúc mừng bằng tiếng Anh: “Đây là chân dung nhà vô địch thế giới: Xin chúc mừng Thanh Vũ”. Thông tin đó khiến truyền thông cả nước xôn xao và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh). Thanh Vũ trở thành người Việt Nam đầu tiên vô địch thế giới 3 môn phối hợp cự ly siêu dài tại giải SwissUltra 2022.
Thanh Vũ trở thành người Việt Nam đầu tiên vô địch thế giới 3 môn phối hợp cự ly siêu dài tại giải SwissUltra 2022 |
Gặp Thanh Vũ vào những ngày mọi người đang tôn vinh phụ nữ, miệt mài đấu tranh cho sự bình đẳng giới, bạn sẽ được thanh Vũ truyền năng lượng tích cực để tự nhủ với bản thân rằng không gì là không thể.
Mong có những trải nghiệm có ý nghĩa để chia sẻ với người khác
Phóng viên: Những ngày này, nhắc đến tên Thanh Vũ, có lẽ rất nhiều người Việt sẽ nhận ra bạn. Để giới thiệu về Thanh Vũ cho mọi người, bạn sẽ nói gì?
Vận động viên Thanh Vũ: Tôi đã tham gia nhiều giải đấu và xem chúng như những thử thách cần vượt qua. Các bạn nữ hoàn toàn có thể làm như vậy để nhận ra rằng họ can đảm, họ biết cách vượt qua các giới hạn bản thân… Nếu từ câu chuyện của tôi mà họ làm được thì đó cũng chính là phần thưởng cho sự nỗ lực của tôi.
Thực sự khó khi giới thiệu về bản thân. Có lẽ tôi có nhiều con người trong mình, là bạn đồng nghiệp trong công việc, là bạn chạy trong cộng đồng chạy bộ… Và có lẽ, cơ bản nhất để tôi nói về mình chính là hình ảnh Thanh Vũ ưa các thử thách; hay tạo ra cho mình những việc mà tôi cho là có ý nghĩa trong cuộc sống, những màu sắc đáng sống. Tôi muốn có động lực để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình sau mỗi năm.
Những con số bạn trải qua rất dễ khiến người nghe choáng váng…
– Đúng là có những giải đấu mà nghe đến những con số cũng dễ choáng váng, cụ thể là giải SwissUltra 2022 vừa rồi. Ngay chính tôi cũng có rất nhiều sự hoài nghi với bản thân khi đó bởi tôi không phải là người quen thuộc trong lĩnh vực đạp xe hay bơi lội. Tôi đã rất sợ, rất run.
Khi có ý định tham gia SwissUltra, bơi 38km trong vòng dưới 27 tiếng, tôi đã thử bơi liên tục từ 6g30 sáng đến 0g và bơi được 31km. Kết quả “thử nghiệm” này cho tôi chút tự tin có thể về đích trong thời gian ban tổ chức quy định.
Tôi cũng có những buổi đạp xe trong nhà liên tục từ 6-8 tiếng hay những buổi tập dài liên tục từ 16-18 tiếng. Thời gian tập luyện trung bình của tôi từ 14-18 tiếng/tuần. Thời gian dài nhất tôi từng tập luyện là 3 ngày liên tục. Khi đó, tôi bơi 27km từ 6g30 đến 22g, leo cầu thang bộ ở tòa nhà 34 tầng, chạy bộ 100km. Mỗi ngày, tôi chỉ ngủ khoảng 3,5 tiếng để cơ thể làm quen với việc ngủ ít, vận động nhiều.
Với Thanh Vũ, được đặt ra cho mình những cột mốc và tiến tới nó mới là niềm vui |
Sự sợ hãi thực ra cũng như một cái đai an toàn. Tôi học cách sử dụng nó như sử dụng đai an toàn để bảo vệ mình. Chúng ta trưởng thành hơn khi biết cách vượt qua nỗi sợ.
Với tôi, tất cả là sự lựa chọn của mình nên tôi không gọi đó là gian nan. Tôi luôn biết ơn vì đã cho bản thân cơ hội tiếp cận các trải nghiệm; để hiểu thêm về ý chí, bản lĩnh, tiềm năng vô tận của con người. Những lúc mệt mỏi, sự biết ơn đó đã rất nhiều lần kéo tôi đi. Thế nên, gọi là gian nan có lẽ là chưa công bằng lắm đối với những người thực sự gặp khó khăn trong cuộc sống vì xét cho cùng, sự khó khăn của tôi cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Thanh Vũ luôn biết ơn vì đã cho bản thân cơ hội tiếp cận các trải nghiệm; để hiểu thêm về ý chí, bản lĩnh, tiềm năng vô tận của con người |
Những trải nghiệm này cho tôi nhiều cơ hội suy nghĩ, từ đó hiểu thêm mình là ai, rằng con người có thể vượt qua những ngưỡng mà chúng ta nghĩ đã là giới hạn. Những danh mọi người hay nhắc: “người phụ nữ châu Á đầu tiên…”, “người Việt Nam đầu tiên…”, “người phụ nữ đầu tiên…” đều là sự khuyến khích cho những người sau đi xa hơn, làm tốt hơn. Tôi không phải là người có tố chất thể thao hay có tài năng vượt trội nhưng tôi luôn có khát khao, mục tiêu, mong mình có những trải nghiệm có ý nghĩa để chia sẻ với người khác.
Muốn trở thành người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới
“Trở thành người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới” – bạn trả lời truyền thông như thế sau cuộc trở về từ 3 môn phối hợp siêu bền SwissUltra 2022 tại Thụy Sĩ. Bạn đã làm điều đó như thế nào?
– “Trở thành người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới” là mục tiêu do chính tôi đề ra cho mình – một mục tiêu không có hồi kết. Sẽ luôn có một định hướng để mình đi tiếp vì phương châm sống của tôi là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, mỗi năm đều cố gắng tốt hơn một chút. Tôi cho mình những kim chỉ nam để đi đúng hướng, đúng mục tiêu.
Mọi người vẫn hay nói thể thao không chỉ là thành tích mà còn là để hiểu mình. Với bạn, các cuộc thi này cũng vậy?
– Nhìn vào thể lệ, cách thức tất cả những cuộc thi tôi tham gia, có lẽ chắc ai cũng cảm thấy lạ, thấy khắc nghiệt… Tôi thực sự cảm thấy thú vị với các thử thách mình đã chọn. Trước đây, tôi buộc mình chọn những nơi xa xôi hẻo lánh rất khó đặt chân đến, xe cộ không thể đến được mà chỉ có bàn chân con người.
SwissUltra 2022 là giải đầu tiên tôi tham gia 3 môn phối hợp. Khi đặt mình vào những thử thách đó, tôi thực sự là chính tôi. Nó cho phép tôi được khai phá và nhận ra rất nhiều điều. Nếu bạn muốn hiểu hơn về bản thân, hiểu tiềm năng của mình vô biên như thế nào, hãy tham gia các cuộc thi siêu bền như vậy. Không phải với ai tôi cũng khuyến khích mà chỉ với người có triết lý sống sâu sắc, thích sự lãng mạn, người có khả năng quản lý…
Khi hiểu được bản thân, họ sẽ quản lý được những gì mình đang thực hiện, truyền được cảm hứng đến nhiều người. Nếu điều kiện cho phép, tại sao chúng ta không khai phá mình bằng một trải nghiệm như thế?
Những hành trình bạn đã đạt được thực sự lãng mạn, một kiểu lãng mạn rất riêng, có phải không?
– Nhiều người nghĩ đến các thử thách này vì sự liều lĩnh hay vì thích tham gia các hoạt động mạo hiểm. Quả thực, tôi đã nhìn thấy sự lãng mạn trong các thử thách mình từng trải qua. Khi đặt chân đến những vùng đất hoang sơ, xa xôi như hoang mạc, sa mạc… cuộc sống của tôi mở ra rất nhiều. Tôi nhận thấy mình chỉ là một sinh thể bé nhỏ trong một vũ trụ quá rộng lớn. Cái cảm giác mình chỉ là những hạt cát trên sa mạc luôn khiến tôi nghĩ rằng vì quá nhỏ bé trong cuộc sống nên mình phải làm điều gì đó lớn lao để tô điểm cho đời mình nhiều màu sắc.
“Trong suốt quá trình tham gia giải này và mọi giải khác, tôi chưa khi nào muốn bỏ cuộc. Tôi luôn muốn nỗ lực đến cùng. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm, tôi cảm thấy mình như gục ngã và rơi vào bế tắc. Đó là khi tôi chứng kiến nhà vô địch Shanda Hill (Canada) và Marion Rita (Đức) không thể hoàn thành thi đấu vì chấn thương và lý do sức khỏe. Khi đó, tôi đang thi đấu ở những km cuối cùng nội dung đạp xe đầy khó khăn. Thời tiết xấu, tôi chỉ đạp được 91km thay vì 270km như dự định. Bế tắc và lo lắng khiến tôi bật khóc…”. Thanh Vũ |
Bạn có phải cân bằng giữa việc kiếm tiền và vượt qua giới hạn của chính mình bằng những trải nghiệm khắc nghiệt?
– Định nghĩa cân bằng có thể khác nhau tùy mỗi người. Tôi thường nhìn cuộc sống bằng sự ưu tiên – điều gì quan trọng với mình thì ưu tiên. Đã là ưu tiên thì khó có sự cân bằng, ít nhất là với chuẩn mực xã hội hay cái nhìn của người khác.
Những ngày tháng ở nhà vì dịch bệnh, tôi mới thấy việc được là chính mình vô cùng quan trọng. Thời điểm ấy, tôi thấy thể trạng mình thực sự bất ổn, tóc rụng nhiều và hoang mang vô cùng. Sau đó, khi cuộc sống trở lại bình thường, được tập luyện trở lại, lần đầu tiên tập bơi 31km, tôi cảm thấy cơ thể thật khác biệt và khỏe khoắn. Tôi chợt nhận ra rằng được là chính mình quan trọng lắm.
Tôi cảm thấy cuộc sống tuyệt vời hơn, rằng được đặt ra cho mình những cột mốc và tiến tới nó mới là niềm vui, chứ không phải là một cuộc sống yên ổn trong 4 bức tường.
Có nhiều bạn thắc mắc rằng có nhiều cách để thể hiện, để làm cho mình màu sắc hơn, sao tôi lại chọn những thử thách khắc nghiệt như vậy. Chính tôi đôi khi cũng hỏi mình câu hỏi đó. Có những điều không thể lý giải. Tôi cảm nhận rất mãnh liệt cái tôi của bản thân, giới hạn của con người, cách thức truyền cảm hứng có thể nằm trong những thử thách lạ lùng như vậy. Biết đâu trong tương lai, tôi sẽ chọn những thử thách lạ theo một cách khác.
Tôi cũng từng theo đuổi nhiều điều theo chuẩn mực xã hội. Chúng tốt nhưng chưa hẳn là ổn cho bản thân tôi. Hiện tại, tôi vẫn làm một công việc toàn thời gian tại một tập đoàn. Tôi biết ơn sự hỗ trợ của công ty, đồng nghiệp để tôi có cơ hội theo đuổi những giải đấu.
Hướng tới mục tiêu “Trở thành phiên bản số 1” của chính mình
Thanh Vũ lại trở về với danh hiệu “vô địch thế giới”, được truyền thông săn đón và có nhiều cuộc nói chuyện. Sau tất cả, điều cuối cùng bạn muốn hướng đến là gì?
– Bây giờ, tôi đang cố gắng điều tiết lịch của mình; truyền thông là nơi tôi chia sẻ những trải nghiệm để nhiều phụ nữ hay các bạn trẻ hiểu và tin rằng tiềm lực của con người là vô biên. Đôi khi, chúng ta đã đọc những thông điệp này qua sách, nhìn thấy qua phim… và cho rằng đó chỉ là chuyện trên sách, trên phim. Vậy nhưng khi nghe câu chuyện thực từ cộng đồng của mình, từ một người gần gũi với mình đã có được những trải nghiệm thực tế, chắc chắn bạn sẽ tự tin hơn.
Tôi hiện tại vẫn còn có gia đình, bạn bè và hướng tới mục tiêu “trở thành phiên bản số 1” của chính mình.
Bạn muốn gửi gắm thông điệp gì tới bạn đọc Báo Phụ nữ TPHCM?
– Tôi vẫn luôn tự hào mình là một phụ nữ Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng từ lịch sử dân tộc, sự tự tin, bản lĩnh, ý chí… đã ăn sâu vào ADN của phụ nữ Việt Nam. Có thể phụ nữ Việt không cao, chân không dài… như phụ nữ nhiều nước khác nhưng chúng ta có ý chí sắt đá, lòng bao dung, sự mềm mại mà rất kiên định.
Tôi hy vọng những câu chuyện mình kể lại, đặc biệt là câu chuyện của một phụ nữ Pháp 62 tuổi cùng về đích với tôi sẽ mang đến cho các bạn nhiều cảm xúc và động lực. Bà là bệnh nhân ung thư. Bà là hình tượng truyền cảm hứng cho tôi, là nhân chứng sống của câu “Không gì là không thể”. Tôi tin rằng phụ nữ Việt Nam rất kiên cường, bền bỉ, nếu đã quyết tâm làm điều gì thì sẽ làm được.
Chúc mọi phụ nữ tìm được thử thách của mình, liên tục tiến tới, tiếp tục viết những trang sách mới cho đời mình thêm màu sắc, thêm ý nghĩa.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
SwissUltra là một trong những giải 3 môn phối hợp khắc nghiệt bậc nhất hành tinh. Các vận động viên tham dự giải phải hoàn thành 38km bơi, 1.800km đạp xe và 422km chạy bộ. Thanh Vũ hoàn thành phần thi của cô tại SwissUltra 2022 với tổng thành tích 328 giờ 27 phút 55 giây, tương đương 13 ngày 16 giờ 27 phút 55 giây, lên ngôi vô địch nữ. Hành trình của Thanh Vũ hơn cả một hành trình truyền cảm hứng. Đó chính là sự hoàn thành những chặng nhỏ trong mục tiêu cuộc đời của một con người luôn biết mình cần ưu tiên gì để từ đó hiểu rõ mình là ai, có niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể vượt qua những ngưỡng giới hạn của bản thân. |
Tạ Khánh Tâm (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thanh-vu-vuot-qua-noi-so-a1486348.html” name=””]