Trong gian nhà rộng thoáng ngào ngạt mùi mít chín ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có một gia đình luôn đầy ắp niềm vui, tình thâm chan chứa…
Ngày tết, con cháu xếp hàng nhận tiền lì xì |
Trò chơi miệt vườn thắt chặt tình thâm
12 cháu nội ngoại của ông bà Út (ông Võ Văn Bực – bà Hà Thị Cẩm Vân) có năm sinh trải dài từ 1990 đến 2002, đều đã đi qua tuổi thơ, thậm chí có người sớm thành đạt trong lĩnh vực thương mại – phiên dịch. Thành đạt ở đâu không biết, “lớn xác” cỡ nào không hay, chứ về đến vườn nhà thì cả đám cứ rủ nhau nhảy cầu khỉ, tắm sông đùng đùng như thuở lên 7 được ông cắm cọc, chặt cây chuối, bập dừa hoặc bơm ruột xe tải cũ cho tập bơi.
Ông Út không ngại cháu lạnh, bệnh; cứ cháu ham xuống nước là ông chiều. Cháu thích câu cá, ông hăm hở làm cần. Mùa nước nổi, ông kéo xuồng đưa cháu đi chơi. Ở tuổi 80 ông vẫn cặm cụi bày trò cho các cháu chơi. Ông như có “keo dính… cháu” qua từng tác phẩm vui chơi, giải trí, mỹ thuật hấp dẫn mê hồn. Với cháu, nhà mình là “thiên đường” có ông bà tiên với 1.001 trò vui.
Ai mới đến nhà ông Út đều không khỏi ngỡ ngàng với 12 cái tô cùng một kiểu được khắc tên đủ 12 đứa cháu cưng: Nguyên, Trí, Phương, Bình, Duyên, Duy, Nhi, Ân, Tân, Tài, Lực, Thơ. Mùa hè, ông Út thường nhờ xe chở 12 cháu đi du lịch ngoài tỉnh.
Đại gia đình ông Út quây quần ngày tết |
Bếp ấm nhà vui
May mắn là các con của ông bà Út đều cưới gả gần nhà nên các cháu có điều kiện khắng khít với nhau từ nhỏ. Cuối tuần, giờ tụ họp điểm cái “beng”, các con cháu liền đổ về. Đứa lớn tự đạp xe tới, đứa nhỏ hơn được ông rước, đứa nào nhà gần rạch thì cậu Năm bơi xuồng qua đón. Dù đi ngả nào, đi bằng gì thì cũng về đúng nơi có ông bà đang chào đón với cái ôm hôn trìu mến.
Hội ý với nhau đôi chút rồi cả nhà tỏa ra, người thọt dừa, nạo dừa, người xay bột, người chà lá rau mơ (trên nắp lu) để vắt lấy nước, người lặt lá mít, lá chuối trong vườn hay bơi xuồng ngắt lá lục bình ngoài rạch để gói bánh rau mơ.
Có khi đổi món: bánh chuối, chuối chiên, bánh cúng, bánh cấp, bánh xèo… Không cần tới đám giỗ, ông bà ngoại cũng khởi xướng cho các con cháu gói bánh tét, bánh ít. Ghiền hơn nữa là sau giờ nhập tiệc lại có tiết mục văn nghệ với dàn nhạc nồi niêu xoong chảo ì xèo rộn rã hòa lẫn tiếng đàn ghi ta của cậu Hai.
Tiết mục được các cháu chờ đón nhất là ông bà kể chuyện cái thuở ban đầu “cưa cẩm” ấy. Dù nghe trăm lần, đã thuộc làu nhưng lần nào nghe kể cũng như mới, các cháu cũng há hốc ngạc nhiên và cười rũ khi “nam chính – nữ chính” bẽn lẽn ở đoạn cao trào.
Bếp ấm thì nhà vui… |
Thời trẻ, từ Tiền Giang lên Sài Gòn học chữ, ông ở nhờ và phụ việc cho nhà cậu của bà. Bà cũng từ Tây Ninh xuống Sài Gòn học, ở nhờ chung nhà, được ông chỉ bài và chẳng bao lâu “thầy trò” đã “thuộc lòng nhau”, rồi nên duyên chồng vợ, rồi nảy nở ra 6 con – 12 cháu. Bà từng là cô giáo, ông từng là bác sĩ ở Nha Trang, vì chăm sóc mẹ nên ông chọn đưa gia đình về vườn Tiền Giang sống đời nông dân.
Với Đinh Võ Hoàng Thơ (cháu ngoại ông bà Út) và các anh chị em họ, niềm tự hào về đại gia đình đã lồng trong tiếng cười vui.
Không phải nơi đây chưa hề có nghịch cảnh, những điều ngoài ý muốn hay những nỗi lo… nhưng tình thương từ “thượng nguồn” đã tiếp cho nhau sức mạnh để sống và vươn lên. Thơ thường chủ động quan tâm, kết nối, về quê thăm nhà nội – ngoại (Thơ trọ học, mới tốt nghiệp Trường đại học Mở TPHCM).
Anh chị em “cá mè một lứa” xa nhau là nhớ gần nhau là cười |
Chuyền tay nâng niu nếp nhà
Thơ chia sẻ: “Em thấy không ít bạn trẻ ngại tương tác với ba mẹ, ông bà. Nói chuyện một chút là bất đồng và gay gắt. Nhiều bạn trẻ về quê thăm ông bà mà không gần gũi chuyện trò, cùng làm cùng ăn. Trước thưa, sau hỏi… mật mã wifi, rồi giao tiếp với cái điện thoại cho đến lúc quay trở về”. Mấy năm gần đây, Thơ lại có thêm 1 người bạn thân nữa là chị dâu. Hai chị em hẹn hò nhau đi chơi, đi ăn sinh nhật mà không nhất thiết phải có mặt anh trai.
Trừ các anh chị em đã có gia đình riêng hay đi học đại học ở Cần Thơ, còn lại các anh chị em họ của Thơ cùng trọ ở quận 12, TPHCM. Dù mỗi cuối tuần không hội tụ về nhà ngoại như trước được nữa nhưng khoảng cách địa lý không thành vấn đề khi cả nhà lập nhóm nhắn tin trò chuyện với nhau. Nhóm “Nhà ông Út” tít tít rộn ràng với hình ảnh từ đầu cầu TPHCM, Tiền Giang, Cần Thơ…
Đôi khi giữa các anh em, giữa cha mẹ – con cái có gút mắc, tâm tư hoặc hiểu lầm, cả nhà nhờ “Bao Thanh Thiên” – ông ngoại phân xử. Cách giải quyết thấu lý đạt tình của ông ngoại khiến các thế hệ cháu con mạnh dạn chia sẻ, không hề e ngại.
Mỗi lần về quê, các anh em nhà Thơ oằn xe chở lên nào là gà vịt, trứng, trái cây, rau củ vườn nhà… Các ba mẹ gửi chung cho các con cháu chứ không phải “con ai người ấy lo”. Mùa COVID-19 năm 2021, nhà trọ nơi Thơ ở là trung tâm tiếp nhận lương thực, thực phẩm, từ đấy tỏa ra các anh em trong thành phố.
Người cháu nào đã đi làm, thử than vãn với ông ngoại rằng công việc vất vả, ông liền giục: “Làm mệt thì về đây ở với ông ngoại, có rau ăn rau, có cá ăn cá!”. Còn bà ngoại thì cứ dúi vào tay cháu tờ 20.000 đồng dù cháu đã đi làm, đã có lương. “Lấy đi để mà ăn sáng. Không lấy bà quýnh à!” – bà cương quyết.
Mỗi khi ôm hôn từ biệt ông bà để trở lại TPHCM, Thơ luôn phải kìm nén để khỏi rưng rưng với nỗi sợ “lần chia tay này có khi nào là chuyến cuối?”. Để xua đi ý nghĩ lo lắng, Thơ sà xuống chiếc xích đu, vồn vã hỏi ông đã đọc đến đâu bộ sách kiếm hiệp mà Thơ mới mua tặng. Rồi Thơ mơ mộng đến một ngày đại gia đình được đi Nha Trang nơi ngày xưa ông bà ở và đi làm. Cho ông bà được thăm lại biển xanh màu ngọc bích, mây mờ ảo lững lờ trôi và những mẹ rùa lên bờ cát đẻ trứng như lời ông bà vẫn kể.
Bức ảnh cũ đã ố màu nhưng gia đình ông Út luôn cất giữ cẩn trọng vì đó là kỷ vật vô giá |
Tết hằng năm, đại gia đình sum họp vào mùng Hai. Cả nhà lên đồ thật đẹp, có năm toàn mặc áo dài. Ông bà Út cứ ngắm các con cháu và nức nở khen “con cháu nhà ai mà đẹp quá!”.
Bà ghi tên sau hình của các con cháu để đừng lẫn lộn vì “hồi nhỏ sao mà gương mặt các cháu giống nhau quá”. Rồi bà xếp theo thứ tự, ép dưới mặt kiếng bàn dài. Hễ có khách đến, bà chỉ vào hình và chỉ cháu ở ngoài nay đã lớn chừng này, chừng này.
Có vậy thôi mà năm nào ông bà cũng nôn nao, từ đầu tháng Mười một, đầu tháng Chạp đã gọi hỏi: “Tết con nghỉ được bao lâu? Hăm mấy con về? Thèm ăn gì nhớ nói để ngoại chuẩn bị nhen!”.
Tô Diệu Hiền
Ảnh: Gia đình cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thien-duong-nao-co-buc-tuong-ngan-a1482246.html” name=””]