Từng mùa nổi đi qua, em yêu mùa vì có tình anh trong đó.
Mấy hôm nay nước lên. Đứng nhìn con nước đỏ mấp mé triền sông, anh bảo thứ màu ấy là sắc thu phương Nam. Ở xứ lạnh, người ta không kìm lòng được trước không gian rợp màu lá đỏ của thu. Nó lãng mạn, hữu tình khiến ai cũng khao khát trải nghiệm. Còn ở cái xứ này, thu cũng đỏ, nhưng là cái ngầu ngầu đỏ của dòng trôi khi phù sa và nước quyện vào nhau. Sự kết hợp ấy không lãng mạn, chỉ âm ẩm hương vị chân mộc của quê làng.
Anh là dân miền Tây chính hiệu, có lạ gì chuyện con nước đầy vơi. Đứng trước những gì quen thuộc, người ta chỉ có thể có hai biểu hiện cảm xúc: hoặc thấy bình thường, hoặc gắn bó yêu thương. Và với anh, mùa nổi là mùa thương.
Tuổi thơ anh từng theo mẹ cha thả lưới bắt con tôm, con cá trên sông. Mùa nổi với gia đình là mùa mưu sinh. Nước đầy sông thì nhà anh cũng được no cơm ấm áo. Cho nên, từ nhỏ, anh đã trông con nước như trông mẹ đi chợ về vào những buổi sớm mai. Cái cảm giác nhảy đùng từ trên ghe xuống dòng sông, rồi ngụp lặn giữa con nước đỏ khiến anh dễ chịu như được nâng niu. Và anh thích cả tiếng mái dầm xẻ nước lủm chủm mỗi bận xuôi dòng.
Ngồi trên ghe đi giữa mênh mông đồng lộng gió mới đúng cái thú miệt vườn |
Anh quen em cũng vào mùa nổi. Khi mà đôi chân nhỏ ngả nghiêng, cố bấu chặt mặt đường trơn lênh láng nước thì anh đến như vị cứu tinh. Anh xách dùm chiếc cặp và đi trước mở đường để em ở phía sau vịn vai mà đi qua những con đường ngập nước. Với những đứa trẻ miền sông nước, hình ảnh ấy chẳng có gì đặc biệt. Nó bình thường diễn ra mỗi độ nước tràn bờ. Anh bảo vì nước thương bờ nên mới vậy. Nó giống như anh thương em nên mới phải đi tìm.
Từng mùa nổi đi qua, em yêu mùa vì có tình anh trong đó. Mỗi bận mùa về, quê mình lại được tưới tắm. Đất màu mỡ hơn và cây cối tốt tươi vì được bồi đắp phù sa. Với vùng đất ngàn sông, nước là tài sản. Cứ canh đỉnh nước, ra đồng sẽ hiểu thế nào là mênh mông. Ngồi trên ghe đi giữa mênh mông đồng lộng gió mới đúng cái thú miệt vườn.
Mùa nổi là mùa của hoa nắng. Anh bảo nhà văn Võ Diệu Thanh gọi bông điên điển là hoa nắng. Bông trổ rộm vàng theo mỗi bận nước lên. Đi dọc theo những con đường quê, bờ ruộng, ta dễ dàng bắt gặp những hàng cây điên điển lắt lay theo gió. Cây mảnh mai mà mạnh cùi cụi, có thể sống thật dễ dàng ở chỗ đất ngập ươn ướt nước. Mùa nổi đẹp bởi màu đỏ của nước và màu vàng ánh của hoa. Đẹp mà như không đẹp. Không đẹp mà lại có sức lay động lòng người. Anh có một thứ triết lý của riêng anh, hễ những gì thuận tự nhiên là đẹp.
Cho nên mỗi năm mỗi mùa, anh chưa bao giờ quên hái vài cái hoa vàng cài tóc người thương rồi đùa ác rằng: “Nhìn em mà thèm ngẩn ngơ nồi lẩu mắm”.
Đúng! Cái vị thanh thanh của bông điên điển “cứu rỗi khẩu vị người dân vùng sông nước linh binh” (Võ Diệu Thanh). Nhiều người xứ khác thắc mắc sao dân miền Tây lại thích ăn các loại bông: bông lục bình, bông điên điển, bắp chuối (hoa chuối)… Thật khó để giải thích tại sao. Người dân miền Tây giản dị như cỏ cây hoa lá. Cứ tận dụng cái sẵn có trong tự nhiên mà dùng, chẳng cần phải cầu kỳ bày biện. Nên món ăn thức uống cũng theo đó mà được gọi tên.
Ảnh Phùng Huy |
Năm nay mùa nổi lại về. Nước dâng cao lắm. Anh đi làm nước ngập nửa xe. Nước ghé thăm từng con sân cái nhà của người dân xứ nước. Anh chở con trai phía sau, cố gắng tìm những con đường cao tránh nước. Bất chợt con trai thủ thỉ với ba rằng: “Chạy xe vào con đường có nước đi ba cho mát chân”.
Anh mỉm cười thỏa lòng. Con thật hiểu lòng ba. Ba vẫn thương từng con nước. Đó là mạch nguồn định dạng ba giữa cuộc đời này rằng: “Tui là dân miền Tây sông nước”.
Huỳnh Nhị
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thuong-tung-con-nuoc-a1475918.html” name=””]