Nghề làm cha đòi hỏi hy sinh, kỹ năng khéo léo, luôn học hỏi cái mới để thu hẹp khoảng cách thế hệ và sẽ chẳng bao giờ được nghỉ hưu.
Ba vừa là y – dược sĩ giỏi, vừa là nhạc sĩ sáng tác hay nhưng nghề ba giỏi nhất là “nghề làm cha” (Ảnh tác giả cung cấp) |
Hồi trẻ, ba tôi là y sĩ làm việc tại trạm y tế xã. Tôi nghe kể ba khâu vết thương đẹp nhất vùng, không sẹo và nổi tiếng chích không đau. Sau đó ba lại bén duyên với nghề dược và mở quầy thuốc, người trong vùng quen gọi quầy thuốc của ba là “quầy ông y – dược sĩ”.
Hồi nhỏ, tôi từng thắc mắc làm thế nào mà ba có thể vừa học y, vừa học dược? Nhưng đó vẫn không phải là điều sửng sốt nhất.
Khi chị em tôi lớn, ba tôi còn là nhạc sĩ. Ba có nhiều tác phẩm đoạt giải cao và được phổ biến rộng rãi cả lĩnh vực dân vận, y tế sức khỏe…
Sao có thể làm được cả hai nghề tréo ngoe như vậy? Ba bảo, có lẽ đó là gen của ông bà nội.
Bà nội tôi là bà lang trong vùng (không phải lang băm) nha. Ai cảm ho nóng sốt, chỉ cần gọi nhờ là bà sang đánh cảm, xông thuốc là khỏe. Nhà có mảnh vườn nhỏ, bà trồng đủ thứ thảo dược. Bà thường kêu ba cắt thuốc phụ bà. Ba tôi dần quen vị thuốc và thuộc từng công dụng. Ho cảm là nhớ tới bạc hà, húng chanh, tía tô. Đau bụng là dùng gừng, hương nhu. Xông đỡ nhức đầu là sả, ngải cứu, kinh giới…
Hồi đó, bà nội chỉ trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian, bà bảo ước gì được đi học về cây thuốc. Có lẽ ba đã học thay bà rồi gắn bó luôn cái nghề.
Ông nội tuy không được học về nhạc nhưng lại yêu đàn hát. Ông thích sưu tập các nhạc cụ tây như harmonica, violon, piano rồi mày mò dò nốt. Ông cũng yêu các bản nhạc tiền chiến và thường hát trong lúc làm việc. Ba và các chú nhờ vậy mà sớm được tiếp xúc với những nhạc cụ, tự học để đàn. Ba cũng nhờ vậy mà khám phá ra mình có đam mê sáng tác.
Hỏi ba thích làm “ông y – dược sĩ” hay “ông nhạc sĩ”, ba nói: “Nghề thuốc là nghề ba cần, còn sáng tác là điều ba thích. May mắn là nghề nào ba cũng yêu. Khi các con còn nhỏ, gia đình còn khó khăn, ba cần chú tâm nghề thầy thuốc để nuôi sống gia đình. Khi đã ổn định hơn ba mới có thời gian theo đuổi đam mê về nhạc. Nếu được lựa chọn lại, ba vẫn quyết định dành tuổi trẻ và phần lớn thời gian cho cái cần hơn so với cái thích”.
Tôi gọi đó là sự hy sinh – một trong những đức tính của “nghề làm cha”. Ba tôi cũng như nhiều người cha khác cũng có những ước mơ, đam mê riêng nhưng vì gia đình, vợ con đành tạm gác lại để làm tròn trách nhiệm. Với tôi, ba giỏi nghề thuốc và sáng tác hay, nhưng nghề ba giỏi nhất là “nghề làm cha”.
Lúc còn nhỏ, tôi thường quanh quẩn ở quầy thuốc của ba. Ba đặt một chiếc ghế dài cạnh quầy thuốc để tranh thủ kèm toán, văn cho tôi. Tôi lớn hơn một chút, chiếc ghế ấy là nơi ba dạy tôi làm người.
Ba từng nói, dạy con thời ba khó hơn thời của ông nội vì có nhiều thay đổi về công nghệ, suy nghĩ, ngôn từ… Cho nên dù bận với công việc mưu sinh, ba mong muốn bắt kịp “trend” mới để không có khoảng chênh giữa hai thế hệ. Ngày ấy, khi biết tôi thường xuyên lui tới những tiệm net, ba cũng lo và bắt đầu tự mày mò cách dùng máy tính, gửi email và tìm hiểu “yahoo chat”, “chat room”… Bất ngờ một ngày ba xuất hiện với nick “hieuthuocnhatminh” mời tôi kết bạn, lại còn thả một icon “say hi”.
Lúc nào ba cũng muốn làm bạn với con để hiểu, chứ không phải để can thiệp, cấm đoán. Làm bạn với con để lắng nghe, không phán xét, không giành phần quyết định của con. Ba làm việc đó rất tuyệt vời. Trong gia đình, ba rất tôn trọng người “đồng sáng lập” là mẹ, chị em tôi chưa bao giờ phải đứng giữa sự lựa chọn nghe ba hay mẹ, đứng về phía ba hay đứng về phía mẹ. Tôi luôn thầm cảm ơn ba mẹ về điều đó.
Ba thường nói, ba cũng lần đầu làm ba, không có kinh nghiệm. Nhưng đến nay, ba đã có thâm niên 40 năm “trong nghề” |
Tôi thi trượt đại học, cảm thấy như trời đất sụp đổ khi biết mình thiếu 0,5 điểm để vào trường luật. Ba là người đầu tiên ở bên và động viên tôi. Ba mẹ sắp xếp cả nhà đi du lịch. Lúc ở biển, ba nói tôi nhìn ra biển và la thật lớn: “Tôi sẽ lấy lại những gì đã mất”. Mỗi khi tôi quay đầu lại đều thấy ánh mắt của ba đang nhìn tôi đầy tin tưởng.
Con cái ở tuổi nào cha mẹ cũng có nỗi lo tương ứng. Ba trầm ngâm hơn khi tôi đang quen với một anh chàng có quê xa lắc. Rồi cái ghế dài gần quầy thuốc ngày nào là nơi chàng rể tương lai mạnh dạn trình bày với ba về dự định của hai đứa và được ba gật đầu đồng ý gả con gái.
Ngày tôi cưới, ba trình làng ca khúc mới Duyên tình trăm năm. Lời bài hát gửi gắm ước mong con hạnh phúc và cả những dặn dò trong đời sống hôn nhân. Ba bảo, liều thuốc hữu hiệu nhất chữa lành mọi tổn thương có “3 viên”: đối thoại, tôn trọng, nhẫn nhịn.
Con từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, vẫn luôn bé bỏng và là mối quan tâm lớn nhất trong lòng ba mẹ. “Nghề làm cha” sẽ chẳng bao giờ được nghỉ hưu.
Thảo Thanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nghe-lam-cha-a1464966.html” name=””]