Mồ côi cha, gia cảnh khó khăn, từng phải cùng mẹ bốc vác để kiếm sống; sau nhiều sự nỗ lực, anh Trần Quốc Thiện (31 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) đã trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Mỹ, tham gia nhiều dự án nghiên cứu khoa học. Hành trình vươn đến tương lai tươi sáng của anh được tiếp sức bằng tình yêu thương, hy sinh vô bờ của mẹ.
Anh Quốc Thiện (áo dài) cùng mẹ và em trai trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Virginia, Mỹ – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cùng mẹ bán xôi, làm bốc vác nuôi ước mơ
Anh Thiện sinh ra ở vùng ngoại ô xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ba mất năm 1994, khi Thiện chưa tròn 2 tuổi và em trai lúc đó vừa đầy 10 tháng tuổi. Gánh nặng gia đình với 3 miệng ăn nặng trĩu lên đôi vai người mẹ. Tuổi thơ anh em Thiện trải qua những tháng ngày cơ cực. Ngày ngày, 2 đứa trẻ mồ côi cha phải thức giấc thật sớm, cùng mẹ đẩy chiếc xe đạp cà tàng đi dọc con đường đất, phía sau yên xe là nồi xôi bắp nóng hổi.
“Ngày ba mất, gánh đời nặng trĩu lên vai mẹ. Kỷ niệm tuổi thơ khó khăn vẫn như in trong tâm trí tôi. Còn nhớ hồi tôi học tiểu học, mỗi khi tan học về đến nhà, 2 anh em thường hỏi mẹ hôm nay mẹ có bán hết xôi không. Niềm vui của anh em tôi chỉ đơn giản là hôm nào nồi xôi của mẹ cũng trơ đáy” – Thiện kể.
Sau này, mẹ anh chuyển sang làm việc ở các công trình. Có những thời điểm khó khăn, khi làm công trình trên núi, mẹ lại chở Thiện hoặc em trai đi cùng để có mẹ có con, bớt cảm giác sợ hãi vào sáng sớm và đêm muộn. Có ngày, mấy mẹ con phải “ăn cơm khỉ” (ăn tạm qua đêm giữa rừng) vì lũ thượng nguồn đổ về, nước suối bất ngờ dâng cao không còn thấy đường mòn.
Nhớ về kỷ niệm cũ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – mẹ anh Thiện – rơm rớm nước mắt: “Hồi đó đi đâu cũng chở con theo cho đỡ sợ, bây giờ nghĩ lại thấy sợ hơn. Lỡ qua đò Giao Thủy gặp giông lốc hay lội qua suối mùa hè gặp lũ thì không biết chuyện gì xảy ra”.
Mẹ vất vả nên anh em Thiện thương mẹ lắm, luôn giúp mẹ những việc có thể – từ gánh xôi theo mẹ lúc tờ mờ sáng cho đến lúc cùng mẹ đặt dấu chân ở khắp các cánh rừng để mưu sinh. Suốt những năm cấp III, ngoài giờ học, anh Thiện còn đi bốc vác, vận chuyển vật liệu xây dựng cùng mẹ, bất kể ngày hay đêm, miễn là kiếm ra tiền.
Hiểu con, thương con, bà Hương luôn động viên và tạo điều kiện để con học, dù tiền ăn học của con lắm lúc như quá sức với bà.
Lòng mẹ hy sinh kết thành quả ngọt
Năm 2016, khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, làm kỹ sư xây dựng được một thời gian, Thiện muốn tiếp tục học thêm lên cao. Anh tình cờ biết có giáo sư một trường đại học ở Hàn Quốc đến Việt Nam tuyển ứng viên học lên thạc sĩ. Do không sắp xếp được thời gian để gặp trực tiếp, Thiện đánh liều gửi email cho giáo sư, xin phỏng vấn qua Skype. Anh thành thật nói mình chưa giỏi chuyên môn, kinh tế khó khăn, nhưng rất quan tâm đến nghiên cứu vật liệu xây dựng. “Cuối cùng, giáo sư chọn tôi, có lẽ vì sự thành thật và nhiệt tình khi đó” – Thiện chia sẻ.
Anh Quốc Thiện (bìa trái) tại phòng thí nghiệm kết cấu, Đại học Bách khoa Virginia, Mỹ – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tháng 3/2017, Thiện đặt chân đến Hàn Quốc với học bổng toàn phần, có cơ hội tiếp cận công nghệ và môi trường học tập, làm việc hiện đại. Anh tham gia nghiên cứu nhiều đề tài như: Đánh giá an toàn cho hệ thống đường hầm dẫn điện (do Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc tài trợ), Tái sử dụng phế thải công nghiệp dùng trong kỹ thuật gia cố đất ở Hàn Quốc (Quỹ nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc tài trợ).
Sau khi rời Hàn Quốc, Thiện quay trở lại làm việc tại Khoa Xây dựng – Cầu đường, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Từ đây, Thiện hạ quyết tâm giành học bổng tiến sĩ để theo đuổi đam mê nghiên cứu. Năm 2023, Thiện bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật xây dựng, cùng tấm bằng thạc sĩ về khoa học vật liệu ở Đại học Bách khoa Virginia (Virginia, Mỹ) chỉ trong gần 3 năm. Hiện anh Thiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Texas – Austin, tiểu bang Texas, Mỹ.
Nhìn lại hành trình của mình, Thiện tin rằng ngoài đam mê của bản thân thì quan trọng hơn là nhờ sự hy sinh và tình yêu vô bờ bến của mẹ.
Mục tiêu của anh là trở thành giáo sư, giảng dạy và nghiên cứu ở Mỹ. Ngoài công việc chính, Thiện còn tình nguyện hướng dẫn miễn phí cho các bạn sinh viên trẻ ở Việt Nam tìm kiếm học bổng thạc sĩ/tiến sĩ ở các nước phát triển. “Ai cũng có những giấc mơ riêng, nhưng sẽ thật may mắn nếu có người đi trước định hướng và giúp đỡ” – tiến sĩ Thiện chia sẻ.
Vân Trình
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tinh-thuong-cua-me-dua-con-toi-thanh-cong-a1526398.html” name=””]