Với học sinh cấp II, chi phí học chính khóa không quá nhiều. Học thêm, luyện chuyển cấp, tiêu vặt mới ngốn tiền nhiều của cha mẹ học sinh cấp học này.
Chi phí tốn kém nhất của học sinh bậc THCS là học thêm. Ảnh Freepik.com |
Từ tiểu học lên trung học cơ sở là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời học sinh. Cùng với sự thay đổi về tâm sinh lý, các em cũng đối diện với những yêu cầu học tập cao hơn, đòi hỏi phụ huynh phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về nhiều mặt, trong đó có vấn đề tài chính.
Bậc trung học cơ sở (THCS) không chỉ là thời điểm kiến thức được tích lũy một cách nhanh chóng, mà còn là lúc các em bắt đầu định hình tính cách, sở thích và định hướng tương lai. So với mẫu giáo và cả cấp Tiểu học, thì chi phí chính thức của một học sinh THCS học trường công ở TPHCM không quá nhiều: khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Số tiền này đã bao gồm: tiền ăn bán trú, Anh văn bản ngữ, tin học IC3 và các kĩ năng mềm, cũng như tiền điện, tiền phục vụ bán trú, nước uống…
Học THCS có đặc điểm: trừ lớp 6 đầu cấp, phụ huynh phải tốn nhiều tiền để mua đồng phục, cặp… . Còn ở những lớp 7,8,9 các em có thể tận dụng trang phục cũ, mua mới không nhiều nên cũng đỡ chi phí khoản này. Tiền sách giáo khoa khoảng 190 -250.000 đồng/bộ.
Chị Thanh Thùy – có con học lớp 7 ở Trường THCS Phú Định (quận 6, TPHCM) – chỉ mất tiền hàng tháng khoảng khoảng 2.165.000 đồng (theo phiếu báo thu tháng 10/2024). Con chị tự học, không phải đi học thêm. Môn Anh văn thì con chị học cùng một nhóm học online miễn phí. Ngoài số tiền này, vợ chồng chị chỉ tốn tiền tiêu vặt 60.000 đồng/tuần cho con.
Thế nhưng, trường hợp như chị Thùy không nhiều. Bởi với học sinh cấp II, chi phí chính lại trở thành chi phí phụ, và tiền học thêm, luyện chuyển cấp mới ngốn tiền nhiều nhất của cấp học này. Hầu hết học sinh THCS hiện đều tham gia các lớp học thêm bên ngoài. Lý do được nhiều phụ huynh đưa ra là chương trình học quá nặng. Nếu không cho con đi học thêm, các em khó lòng theo kịp bạn bè . Đặc biệt, với kỳ vọng con cái sẽ đỗ vào các trường chuyên, trường điểm, nhiều phụ huynh không ngần ngại đầu tư một khoản tiền lớn cho con học thêm từ sớm.
Chị Như Phương – có con học lớp 7 tại một trường ở quận 3, TPHCM – chia sẻ: “Mỗi tháng gia đình tôi phải chi cả chục triệu đồng tiền học cho con”. Cụ thể, chị Phương cho con học thêm 3 môn: Toán, Anh, Khoa học tự nhiên, mỗi môn 1.000.000 đồng, mỗi tuần học 2 buổi. Ngoài ra, con chị còn học thêm ngoại ngữ ở một trung tâm có tiếng với mức 3.200.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, để con phát triển toàn diện, chị Phương cho con học đàn piano, học múa hết 3.500.000 đồng/tháng
Ngoài tiền học thêm, còn có một khoản phí không nhỏ với học sinh THCS là: tiền tiêu vặt. Bậc học này, các em đã vào tuổi dậy thì, biết chăm chút làm đẹp, đã có những hội nhóm bạn thân, có idol, có nhiều sở thích ăn uống, giải trí… nên nhu cầu mua sắm, tiêu xài khá cao. Vào trung tâm thương mại vào buổi tối, hoặc ngày thứ 7, chúng ta rất dễ gặp học sinh còn mặc đồng phục đi ăn uống, chơi game, xem phim…
Nuôi con là một quá trình đầu tư tốn kém và dài hạn. Phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra những quyết định phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu của con. Phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu kỹ về các trung tâm học thêm, so sánh chất lượng và giá cả. Hoặc tìm học bổng, các chương trình hỗ trợ học sinh giỏi, học sinh khó khăn. Cha mẹ nên cùng con lập kế hoạch học tập và sinh hoạt hợp lý để vừa đảm bảo kết quả học tập tốt, vừa giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Ngọc Chiêm
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tinh-toan-chi-phi-nuoi-con-hoc-cap-ii-phu-huynh-can-chu-y-gi-a1531725.html” name=””]