Là nhà báo nên tôi được dự nhiều hội thảo, nói chuyện chuyên đề về dạy con, trò chuyện và lắng nghe con ngay từ khi con trong bụng mẹ.
Phương pháp dạy con từ trong bụng mẹ ấy, tôi nghe lần đầu khi chưa có con, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính TPHCM) gọi đó là “thai giáo”. Có lần, tại nhà cố giáo sư Trần Văn Khê, tôi nghe ông nói về việc cho con nghe nhạc ngay khi còn là bào thai, âm nhạc sẽ giúp “khai mở” tình yêu âm nhạc của trẻ, đánh thức khả năng tiềm ẩn của trẻ trong lĩnh vực này.
Theo các vị có chuyên môn nói trên, đó là cách giáo dưỡng, truyền đạt kiến thức, tình yêu thương, bởi các con sẽ cảm nhận, thẩm thấu được thông qua ngôn ngữ cùng từ trường của bố mẹ. Tôi đã áp dụng cách ấy, từ lúc có con, tôi chia sẻ với bà nội con – người trực tiếp nuôi dưỡng, gần gũi con hằng ngày – rằng, mỗi tối nhớ đọc thơ, ngồi tĩnh tâm và gửi cho con năng lượng tích cực.
Tác giả luôn dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con trai |
Lúc con trai đầy tháng, tôi đi xa, vài ba tháng mới về quê thăm nhà một lần, tôi “giành” phần ru con. Tôi ngạc nhiên vì thấy thằng bé “phản ứng” rưng rưng khi nghe nội dung tôi hát: “Gió đưa cây cải về trời/ À ơi, chớ rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Hẳn là con cảm được thân phận con người qua hình ảnh cải, rau răm trong lời bài hát ru? Tôi không biết, nhưng từ đó, tôi bắt đầu hát những bài tích cực hơn: “Ai nói gì thì mình cứ nghe/ Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều/ Buồn chi mà ba bốn bữa/ Cho tâm tư héo sầu/ Ta cười, ta thở thật sâu/ Nỗi buồn chuyển hóa thật mau”…
Quả thực, từ khi thay đổi nội dung bài hát, con vui hơn, nhìn mặt cười tươi của con, tôi thấy lòng mình cũng hoan hỷ. Đến bây giờ, khi con sắp tròn bốn tuổi, bài hát Ai nói gì thì mình cứ nghe đã được con thuộc lòng, hai ba con qua điện thoại vẫn hay hát cùng nhau, rồi cười thật tươi như một món quà dành cho người ở xa.
Tôi cũng hay nói: “Ba thương Bình Minh (tên con) lắm nghen”. Mỗi lần như vậy, tôi thấy con có vẻ rất vui, ấm áp. Rồi con nói: “Minh cũng thương ba”. Tôi nghĩ, khi mình trao đi điều gì thì mình sẽ nhận về món quà tương tự. Món quà ấy sẽ đi vào bên trong mỗi người trong quan hệ thân gần như ba con, mẹ con.
Dù chỉ mới gần bốn tuổi nhưng tôi cảm nhận con trai là người tình cảm, biết quan tâm tới người khác. Mỗi lần nội của con không được khỏe, cậu bé lại rót nước nhắc nội uống thuốc cho mau khỏe; rồi lấy tay sờ trán, xoa lưng và nói “để con bóp vai cho nội”…
Thực sự, con trai không chỉ là món quà cuộc sống dành riêng cho tôi mà còn dành cho cả má tôi, người cả một đời tận tụy, thương yêu tôi nhưng phải xa tôi.
Mỗi lần về quê tôi hay hỏi: “Bình Minh dạo này có ngoan không má?” và luôn an lòng khi má thông tin con biết lắng nghe lại còn hay quan tâm tới người khác. Đó là khi bạn tới chơi, con biết chia sẻ đồ chơi, lấy bánh cho bạn. Trong xóm, có một bạn lớn hơn con vài tháng, tính tình hiếu động, hay đánh những bạn khác, nhưng với sự ân cần của con, bạn đã dần hòa đồng và không “ra tay” với con.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Tôi nhớ mãi cái nhìn đầy yêu thương của con dành cho mấy chú cá dưới hồ khi tôi dạy con đọc bài thơ: “Con cá cũng có mẹ/ Nên thả nó về nhà/ Phật khuyên em như thế/ Yêu muôn loài quanh ta”. Khi đó con hỏi: “Vậy mình sẽ không ăn cá ha ba”, tôi mỉm cười giải thích thêm tình thương mà mẹ cá dành cho con cũng như ba thương Minh vậy, mình không nên chia cách tình thương đó. Cậu bé nghe xong đã ôm tôi và hôn nhẹ vào trán tôi.
Đừng nghĩ trẻ nhỏ không hiểu biết gì. Người ta nói rằng trẻ như tờ giấy trắng, tâm hồn trẻ như một kho chứa, nếu người lớn viết – vẽ, gửi vào đó những điều tích cực sẽ giúp con lớn lên với chất liệu ấy, và ngược lại. Môi trường sống, giáo dục rất quan trọng. Khi chúng ta tạo một môi trường thiện lành, trao truyền những điều dễ thương cho con từ mỗi lời nói, cách sống hằng ngày cũng là cách vun bồi tâm thiện để trẻ biết tránh xa những điều xấu.
Tôi nghĩ, mỗi cha mẹ đều có thể dành cho con gia tài quý báu là tình thương, sự tử tế từ những câu chuyện, bài học be bé từ ấu thơ, ngay khi con còn trong bụng mẹ. Một bài thơ, một khúc nhạc, một cuốn sách với nội dung tích cực… sẽ thấm vào con, dần dần, như hạt mầm được tưới tẩm cho đến lúc lên xanh.
Lưu Đình Long
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-thich-tro-chuyen-tu-luc-con-trong-bung-me-a1462823.html” name=””]