Với trẻ tự kỷ, nếu được can thiệp sớm, trẻ sẽ có cơ hội phát triển tất cả các kỹ năng.
Ngày 23/4/2022, Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), Tổ chức phi lợi nhuận Sống Cùng Tự Kỷ (fanpage: Sống Cùng Tự Kỷ) đã phối hợp với Trung tâm Sống Trẻ tổ chức buổi hội thảo “Đồng hành cùng gia đình có con gặp khó khăn trong phát triển – Cập nhật cách tiếp cận tiên tiến trên thế giới”. Hội thảo thu hút hàng trăm phụ huynh và sinh viên tham gia.
Những người tham gia đã cùng chia sẻ các vấn đề: tìm hiểu nguyên nhân rối loạn phổ tự kỷ, tự kỷ có thể điều trị khỏi hay không, những khó khăn của trẻ tự kỷ và phụ huynh, về học phí học chuyên biệt, kết nối phụ huynh đến với nhà chuyên môn và các nhóm đồng đẳng phụ huynh giúp đỡ nhau…
Tại hội thảo, anh Nguyễn Văn Nam (Bình Phước) cho biết, thời gian đầu khi bác sĩ chẩn đoán con anh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, vì thiếu kiến thức và trong tâm trạng hoang mang, sốc, buồn lo, vợ chồng anh đã cho rằng con mình tự kỷ là do bà nội (vì bà trực tiếp chăm sóc bé cả ngày, vợ chồng anh ra ngoài làm việc).
Anh Thái Thuận Hào (TPHCM) tiếc nuối vì đã bỏ lỡ thời gian vàng để can thiệp sớm cho con chỉ vì loay hoay với cảm xúc tiêu cực quá nhiều, chưa dũng cảm đối diện và cố tiếp tục tìm trung tâm khác để khám cho con với hy vọng có được một chẩn đoán khác. Anh đã đưa con đi can thiệp khi bé 3 tuổi thay vì khi bé được chẩn đoán mắc bệnh (2 tuổi rưỡi).
Mong muốn các cha mẹ khác đưa con đi can thiệp sớm nhất để việc điều trị mang lại hiệu quả cao nhất, anh đã tích cực tham gia ban điều hành CLB Sống Cùng Tự Kỷ với vai trò phó ban, cùng lan tỏa những kiến thức, kỹ năng cần thiết và hỗ trợ tinh thần cho phụ huynh khác. Anh cho biết sẵn lòng hỗ trợ các cha mẹ khắp trên khắp cả nước, để cùng đem đến cho các con cơ hội tốt nhất trong hành trình phát triển, hòa nhập (nhắn tin vào số điện thoại 0918075373).
Anh Thái Thuận Hào (giữa) cho biết anh sẵn sàng hỗ trợ các cha mẹ có con bị rối loạn phát triển |
Chị Phan Thị Tú Anh (Đồng Nai) cho biết đã vô cùng thất vọng vì rất nhiều lần đưa con gõ cửa trường học nhưng bị từ chối – trong khi chị đọc được nhan nhản băng rôn, khẩu hiệu trên đường kêu gọi đồng hành với trẻ, bảo vệ, nâng đỡ trẻ, không kỳ thị, nhất là với trẻ khuyết tật.
Hội thảo hôm nay – với sự tham gia của rất nhiều sinh viên chuyên ngành giáo dục chuyên biệt – đã giúp chị củng cố niềm tin rằng, tình trạng của con chị có thể cải thiện tích cực. Con chị Tú Anh mắc chứng tự kỷ kèm theo biểu hiện tăng động, nhạy cảm với âm thanh…, bé thường nói ngược hay có khi nghe những âm thanh không thích, bé sẽ vụt chạy ra đường và mãi dị ứng với nơi phát ra âm thanh đó. Nhiều phụ huynh đồng cảm với tâm trạng của chị và cùng các chuyên gia, phụ huynh khác trao đổi với chị một số giải pháp.
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi cho các chuyên gia khách mời |
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (chuyên ngành Nhi khoa Phát triển – Hành vi, đồng sáng lập CLB Sống Cùng Tự Kỷ) chia sẻ: “Rối loạn phổ tự kỷ rất đa dạng, có thể đi kèm tăng động giảm chú ý, đi kèm chậm phát triển, rối loạn điều hòa cảm giác, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống… muốn cải thiện phải khám, phải nhìn lại trẻ xem con có những gì kèm theo, những vấn đề đó ở mức độ nào để từ đó có chương trình, kế hoạch phù hợp.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang chia sẻ tại hội thảo |
Theo y văn thế giới, rối loạn tự kỷ là một rối loạn phát triển liên quan đến thần kinh phát hiện từ những năm đầu đời và ảnh hưởng cả cuộc đời. Sau khi được nhà chuyên môn chẩn đoán, nếu được can thiệp sớm, trẻ sẽ có cơ hội phát triển tất cả những kỹ năng, điểm mạnh được phát triển, điểm chưa mạnh được bồi dưỡng, vẫn có những người tự kỷ ra ngoài làm việc, đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy vững tin rằng, nếu đi đúng đường, đi cùng nhau thì sẽ về đích, đó là sự tiến bộ từng ngày của con!”.
Tô Diệu Hiền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tre-tu-ky-phu-huynh-vung-tin-di-dung-duong-cung-nhau-thi-se-ve-dich-a1462103.html” name=””]