Mấy luống nhỏ xinh ấy là cả tâm tình của đàn bà quê gửi gắm cho tết, cho đất đai quê nhà…
Ngay khi cơn lụt cuối cùng vừa rút, để lộ ra lớp phù sa phủ trên ruộng, người dân quê tôi vội xắn tay áo chuẩn bị cho vụ mùa mới. Cuối đông, những gốc rạ trên đồng lạnh căm. Trong vườn nhà, những cụm rau già nua, cằn cỗi. Mùa lạnh thiếu nắng, chúng cứ còi cọc rồi lụi dần. Sau giờ ra đồng, những người đàn bà lại tranh thủ xới lại mảnh vườn, gieo 1 lứa rau mới, đợi tết.
Trên giàn bếp lúc nào cũng sẵn mớ hạt giống để dành. Trái mướp già khô cầm lên lắc nghe loạt xoạt. Mớ hạt cải, bầu bí, dưa leo, đậu que, đậu đũa… bỏ trong chai đóng kín đã lẫn tro bếp. Cách bảo quản giản đơn nhưng hiệu quả, chẳng bao giờ sợ hạt giống hư hỏng hay bị sâu ăn. Giở tờ lịch, áng chừng vài chục ngày nữa tới tết thì lấy mớ hạt giống xuống gieo trên mảnh vườn đã được nhặt sạch cỏ dại và làm đất kỹ.
Ảnh minh họa |
Đất xới nhỏ, bón lót bằng phân chuồng hoai mục. Hạt cải, xà lách, tần ô… đem ngâm nước, ủ qua 1 đêm trong lớp vải. Riêng hạt rau mùi, phải cán cho hạt vỡ đôi, ngâm ủ kỹ thì hạt mới mọc. Hạt gieo rồi, rải thêm 1 lớp tro bếp lên trên để tránh kiến, phủ thêm 1 lớp lá chuối để hạt nảy mầm nhanh hơn. Không hiếm những lần hạt gieo chẳng lên mầm nổi do thời tiết quá lạnh, đành phải gieo lứa khác.
Niềm vui của người trồng rau nhen nhóm từ cái ngày giở lớp lá chuối ra thấy trên nền đất là những hạt giống đã nứt, lơ thơ những chiếc mầm xanh. Vậy là lớp lá chuối được gỡ ra, để mầm rau mặc sức đón nắng mà vươn mình.
Đàn bà quê nâng niu vườn rau như chăm chút cho trẻ nhỏ. Đi làm đồng về, cũng tranh thủ tạt qua vườn ngó nghiêng để xem thử rau đã lớn độ nào. Rau mọc dày thì tỉa bớt, chỗ nào thưa quá hoặc cây không mọc thì tỉa cây từ chỗ dày cấy vào. Nhìn rau lớn từng ngày, niềm vui trong trẻo cứ như nắng ngập trên những phiến lá nhỏ xinh.
Những người đàn bà quê chuẩn bị tết từ rất sớm. Tết đánh vào tâm thức của họ trước hết ở chuyện ăn. Nên chưa đến tháng Chạp, đã nhắm chừng thời gian nuôi con vịt, con gà để kịp lớn. Họ chắt chiu những thứ bé mọn nhất cho tết. Ví như ba ngày tết, đâu thể thiếu rổ rau sống tươi nguyên được hái từ vườn nhà. Rau mùi trồng 1 vạt sớm cho già, chiều 30 nhổ lên đun nồi nước cho cả nhà tắm để trôi sạch hết xui xẻo năm cũ. Canh chừng cây chùm ruột trước hiên, để cận tết hái xuống sên đường làm mứt.
Tín hiệu tết ở quê là mấy luống rau mướt mắt trong vườn. Cây dưa leo mới cao qua đầu gối đã nở bông hoa đầu vàng rực. Đi ngang nhà ai, lòng cứ rộn ràng khi nhìn xà lách non, tần ô mập mạp, xen kẽ là luống ngò, luống cải xanh, cải ngọt…
Thấy rau là thấy tết! Nhìn từng luống rau vun đầy như mâm xôi là biết chủ nhân đã chăm chút nhường nào, mường tượng ra cảnh đưa tay nhổ từng loại rau, mỗi thứ một ít, rồi hái thêm trái dưa leo vào làm rổ rau sống thật ngon. Rồi bày biện với bánh tráng, với thịt heo ngâm mắm, chén nước mắm tỏi ớt trong hơi ấm thân tình, ấm áp sum họp.
Với những người đàn bà quê tôi, tết mà không trồng rau là cứ thấy thiêu thiếu, dẫu rau chợ những ngày ấy cũng ê hề.
Rau quê hiền lành. Trồng nhiều một chút để hàng xóm qua hái |
Có lẽ, phụ nữ muôn đời là thế. Tết là phải tự tay vun trồng, tự tay bày biện, chuẩn bị từng chút một mới thấy vui, thấy an lòng. Rau quê hiền lành không thuốc, không phân hóa học. Trồng nhiều một chút để hàng xóm láng giềng ai bận bịu không trồng thì cứ tự nhiên mang rổ qua hái. Tết quê giản đơn mà ấm áp. Mấy luống nhỏ xinh ấy là cả tâm tình của đàn bà quê gửi gắm cho tết, cho đất đai quê nhà…
Như Hiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/trong-rau-doi-tet-a1479532.html” name=””]