Thử tiếp cận từ một góc nhìn khác, chỉ riêng với bình đẳng giới, sẽ thấy nhiều điều thú vị đã bị bỏ qua khi chúng ta mải mê với lý lẽ hơn thua về bình đẳng…
Giấc mơ bình đẳng giàu tính an ủi đến nỗi người ta có thể vừa coi nó là của riêng mình vừa sẵn sàng chia sẻ như giấc mơ chung của cộng đồng. Dễ thấy là giấc mơ ấy trở nên mạnh mẽ nhất khi chúng ta nghĩ mình chưa có hay mình đang đấu tranh cho sự bình đẳng.
Đó cũng là tiếng nói, là lời kêu gọi xuất phát từ thế yếu, từ góc nhìn của người bị đối xử bất bình đẳng. Thử tiếp cận từ một góc nhìn khác, chỉ riêng với bình đẳng giới, sẽ thấy nhiều điều thú vị đã bị bỏ qua khi chúng ta mải mê với lý lẽ hơn thua về bình đẳng…
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Hôm đó, vợ tôi đi làm tóc. Tôi chở nàng tới một tiệm nghe đâu đã phải đặt chỗ trước mấy ngày. Cận tết, các bà các cô than bận dọn dẹp chuẩn bị tối mắt tối mũi, vậy mà tôi thấy ở tiệm đông chật người chờ. 4 tiếng sau, vợ tôi gọi: “Anh đón em nhé! Anh mang thêm tiền cho em nữa nhé”. Nàng làm “quả đầu mới” tốn gần 2 triệu đồng.
Tôi không dám nhận xét gì, chỉ nghĩ nghề uốn tóc nữ có vẻ phất, chứ như tôi, anh thợ hớt tóc gần nhà cũng chỉ lấy được mấy chục ngàn đồng hay trăm ngàn đồng là hết nấc.
Chẳng biết khi trả tiền làm tóc, vợ tôi có nghĩ đến bình đẳng giới. Ngày nay, khắp nơi phụ nữ kêu gọi đấu tranh để đạt được bình đẳng, nam giới mặc nhiên bị/được coi như chiếm thế mạnh, cũng coi như ở kèo trên trong mối quan hệ bất bình đẳng, thường yên lặng. Chẳng lẽ lại đi đôi co với chị em, không khéo lại bị chê là đàn ông gì như… đàn bà.
Lắm khi cứ nghĩ, khi đấu tranh nữ quyền hay đòi bình đẳng, nhiều phụ nữ cứ nghĩ họ thua thiệt, họ không được ngang bằng với đàn ông trong khi nếu cứ để tự nhiên, chị em hơn anh em nhiều bậc, lâu nay người ta đã mặc nhiên chấp nhận cái sự hơn ấy rồi.
Phụ nữ thường nhớ đến bình đẳng khi thấy bản thân thua thiệt, yếu thế, bị tổn thương. Vì đang ở thế ấy, các nàng đấu tranh rất hăng. Những lúc đó, tất nhiên cánh mày râu nhường đi cho được việc. Vậy nhưng kết quả không bền, chị em cứ phải thường xuyên tranh đấu mãi. Phụ nữ cũng hay nhầm lẫn giữa bình đẳng và giống nhau. Vợ thường xuyên muốn chồng rửa chén, lau nhà, giặt đồ và phơi đồ như chồng của cô bạn A, B, C nào đó.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Song, chồng rửa chén không sạch, lau nhà thế nào cũng sót và giặt đồ thường xuyên quên để riêng đồ màu trắng và đồ có màu. Những thiếu sót của chồng khiến vợ cho rằng chồng không để tâm, coi thường hoặc có việc đó cũng làm không xong mà không hề nghĩ rằng thiếu sót đó là tự nhiên, bởi chồng không hề sở hữu những khả năng mà vợ có.
Bữa nọ, vợ tôi tự chạy xe ra chỗ ông thợ sửa xe. Lúc về, nàng kể cho tôi nghe với thái độ ý nhị sâu sắc: “Hôm nay người ta hỏi em rằng chồng đâu mà vợ phải đi sửa xe như thế?”. Tôi nhắc nàng nhớ rằng bữa đó là ngày làm việc tiếp theo sau một đêm trực của tôi ở bệnh viện. Những đêm trực có ca mổ, gần như tôi thức trắng đêm.
Cái xe của nàng chỉ cần thay 1 bình nhớt. Sao ông thợ sửa xe có thể làm nàng cảm thấy mình bất hạnh, bị bỏ bê, đối xử không công bằng khi nàng biết rõ không phải ai cũng có thể cầm dao mổ và chồng mình đang ở chỗ anh ấy có thể làm được việc cần thiết hơn là thay nhớt cho một chiếc xe?
Cuộc đấu tranh đòi bình đẳng sẽ bền vững hơn nếu các nàng chủ động nhìn nhận, tính toán bù qua sớt lại điều hơn lẽ thiệt ở những thời điểm khác nhau, với những công việc khác nhau. Cần một tầm nhìn xa – mà con đường dài hôn nhân rất cần tầm nhìn xa – chứ không phải đụng đâu cũng so đo: “Sao anh không rửa chén?”, “Sao tôi phải giặt đồ?”…
Tự nhiên vốn đã cài đặt một trọng số để cân bằng mỗi giới trong cuộc sống chung, tùy thuộc đặc điểm của giới tính sinh học cũng như những kỳ vọng của cộng đồng xã hội. Trọng số ấy là đặc điểm tự nhiên của mỗi giới, mỗi cặp đôi, giúp họ gắn kết với nhau theo cách chỉ riêng họ hiểu nhất, yên tâm nhất.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Cần nhìn nhận bình đẳng giới thực chất hơn nhưng nhuần nhuyễn hơn. Bình đẳng không chỉ là vợ làm một việc thì chồng phải làm một việc tương tự. Như bao nhiêu hiện tượng khác của tự nhiên, bình đẳng vốn luôn là một thế cân bằng động.
Con người không ai giống hệt ai nên có thể nói sự bình đẳng giữa các cặp đôi cũng không giống nhau. Hiểu nhau thì sẽ có bình đẳng. Ai cho đi cái mình có sẽ dễ cho hơn. Ai nhận được cái mình cần sẽ hạnh phúc hơn.
Tất nhiên xã hội cần những cơ chế để đảm bảo bình đẳng nhưng trước tiên, hãy hiểu và công nhận “trọng số” bình đẳng trong nhà mình, giữa vợ chồng mình để các ông chồng chúng tôi thực lòng yêu thương, quý trọng cả “vợ” và “bình đẳng”.
Lập Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/trong-so-binh-dang-tu-nhien-a1486320.html” name=””]