“Một gia đình không cần giáo dục con trở nên quá xuất sắc, mà trước hết cần dạy con trở thành một người tốt. Khi đứa trẻ hiểu thế nào là người tốt và sống tốt, nghĩa là nó đã đi được 50% chặng đường đến thành công…”
Bác sĩ Lê Quốc Tuấn – sinh năm 1987, quê Bến Tre, đang giảng dạy tại Trường đại học Y Dược TPHCM. Anh vừa nhận học vị tiến sĩ trong niềm hạnh phúc của ba mẹ, người thân. Ba mẹ anh có người con duy nhất là tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Tuấn, đã ở tuổi “cổ lai hy”.
Đam mê đọc sách
Từ nhỏ, Lê Quốc Tuấn đã thích đọc sách và ham mê việc học – một sở thích tự nhiên. Nói với phóng viên, anh nhớ lại: “Tôi không thích việc tụ tập bạn bè, chỉ thích được chìm đắm trong không gian riêng tư của bản thân và việc đọc sách giúp tôi thỏa mãn sự riêng tư đó”.
Lê Quốc Tuấn tiết lộ, sở thích “hướng nội” ấy xuất phát từ một phần của giáo dục gia đình. Anh không được gửi đến nhà trẻ như phần lớn trẻ em khác mà được mẹ chăm sóc và dạy tại nhà – từ việc học chữ cho đến đọc sách về ca dao, tục ngữ.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Tuấn và ba mẹ trong niềm vui ngày nhận bằng tốt nghiệp |
Khi chuẩn bị vào lớp Một là lúc Tuấn ý thức được rõ nhất sự thú vị khi cầm một quyển sách và chăm chú đọc. Đặc biệt, cậu bé Tuấn “ốc tiêu” thời ấy cũng có thói quen tìm hiểu, học và làm trước tất cả bài tập của một học kỳ trước khi vào học kỳ đó. “Điều này khiến tôi – một cậu bé không có điều kiện đi học thêm, không được tiếp xúc nhiều với kiến thức bên ngoài nhà trường – trở nên tự tin hơn khi nhập học. Nó cũng trở thành thói quen của tôi cho đến tận bây giờ – luôn chuẩn bị mọi thứ trước khi bắt tay vào làm” – bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Khi vào cấp II, anh bắt đầu có sở thích dạo quanh và nghiền ngẫm những cuốn sách mới trong nhà sách. Năm học lớp Chín, khi được đọc các đầu sách về sinh học với những hình vẽ về cấu trúc động vật, con người trong sách giáo khoa, Lê Quốc Tuấn bắt đầu phát khởi niềm đam mê về y khoa và theo đuổi con đường này cho đến bây giờ.
Bồi hồi nhớ lại ký ức nghèo khó nhưng thật đẹp của mình, bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Ngày ấy, tôi thường xung phong tham gia các cuộc thi học sinh giỏi môn sinh cấp trường, cấp tỉnh… và nhờ các thành tích đạt được mà tôi được tuyển thẳng vào các trường cấp III chuyên về sinh hóa. Thật ra, thời điểm ấy tôi vẫn chưa hoàn toàn xác định được con đường của mình là trở thành bác sĩ, nhưng được sự động viên của mọi người rằng nếu đam mê sinh học thì nên học ngành y, tôi thấy cũng hợp lý và chọn theo học”.
Để đạt được mục tiêu, dù nhỏ hay lớn, bác sĩ Tuấn cho rằng, ai cũng sẽ gặp khó khăn. Đơn cử, trong quá trình nghiên cứu tiến sĩ, bác sĩ Tuấn cho biết, đã gặp phải 3 trở ngại lớn: rào cản về ngôn ngữ khi phải đọc hiểu các tài liệu tiếng Anh; rào cản về kinh tế – lương của một giảng viên ngành y không cao như người ta vẫn kỳ vọng hay nghĩ về công việc này; rào cản về các mối quan hệ và sự hỗ trợ. Nhưng, với tình yêu công việc cùng mục đích lớn lao của mình, bác sĩ Tuấn đã dần khắc phục, vượt qua.
Nhấn mạnh nền tảng gia đình đối với thành công của một người, bác sĩ Tuấn cho rằng, nó không nằm ở các yếu tố như hậu duệ (sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề nghiệp ấy), mối quan hệ xã hội (bạn hay gia đình bạn có quen biết ai đó quyền thế), tiền tài (gia đình giàu có). “Tất nhiên, nếu có một nền tảng gia đình hội đủ 3 yếu tố trên, bạn sẽ rút ngắn được đường đi, gặp nhiều thuận lợi và đỡ vất vả hơn trên con đường đi đến thành công”. Với bác sĩ Tuấn, nền tảng gia đình mà anh có là sự giáo dục của ba mẹ, người thân: “Cha mẹ tôi đã rất biết tạo động lực cho con”.
Lý giải thêm, bác sĩ Lê Quốc Tuấn cho biết, động lực đó là cả quá trình tích lũy lâu dài của việc dạy dỗ, kề cận có chừng mực và động viên con cái của ba mẹ anh. Đặc biệt, họ luôn động viên anh làm theo ước mơ của anh chứ không phải theo ước mơ hay mong muốn của họ.
“Khi tôi còn nhỏ, gia đình còn khó khăn; thấy tôi ham đọc sách, ham học, ba mẹ tôi vẫn động viên tôi học tập, thay vì muốn tôi nghỉ học đi làm như một số bậc phụ huynh khó khăn khác. Những dịp tôi đi thi học sinh giỏi, dẫu khó khăn về kinh tế, ba mẹ vẫn cố gắng đồng hành cùng tôi bằng cách chuẩn bị những phần cơm cho tôi hay dẫn tôi đi ăn và chở tôi đến nơi thi” – tiến sĩ Tuấn bồi hồi nói về những ngày ấu thơ khó khăn. Những kỷ niệm đẹp ấy đã hình thành trong Lê Quốc Tuấn nguồn động lực lớn để anh vươn đến vị trí như hôm nay.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Tuấn và ba mẹ |
Thương cha mẹ là phải học
Nói với phóng viên, tiến sĩ Lê Quốc Tuấn khẳng định, nền tảng gia đình thường quyết định khoảng 50% việc hình thành nên nhân cách của một đứa trẻ, dẫn đến xu hướng đam mê và lòng nhiệt huyết của đứa trẻ ấy đối với lĩnh vực nào đó. Nền tảng về giáo dục gia đình cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành lối sống về sau của trẻ.
Theo tiến sĩ Tuấn, bất cứ ai trước khi thành công đều cần phải thành nhân, bởi nếu không thành nhân trước thì sự thành công nếu có đến, cũng chỉ là kết quả của một cuộc đổi chác vật chất. “Một gia đình không cần giáo dục con trở nên quá xuất sắc, mà trước hết cần dạy con trở thành một người tốt. Khi đứa trẻ hiểu thế nào là người tốt và sống tốt, nghĩa là nó đã đi được 50% chặng đường đến thành công. 50% còn lại để chạm đích thành công phụ thuộc vào năng lực của từng cá nhân” – anh phân tích.
Anh cũng cho rằng, cha mẹ cần hiểu được tố chất, năng lực riêng của con để động viên chúng phát triển tốt hơn với tố chất vốn có. Đó cũng là việc mà ba mẹ đã làm với chính anh. Theo bác sĩ Tuấn, thay vì đóng một chiếc khung về thành công và bắt con cái phải rập khuôn theo, phụ huynh nên tạo ra chiếc khung chung về đạo đức, còn lại hãy để con cái được chạm đến thành công mà chúng tự định nghĩa với tư cách là một người tốt trong xã hội.
Không ngần ngại bày tỏ tình yêu dành cho cha mẹ, anh Tuấn nói: “Tôi yêu ba mẹ và trân quý tất cả những gì ông bà đã dạy, những kỷ niệm và sự đồng hành mà họ đã dành cho tôi”. Với anh, báo hiếu là việc bất cứ người con nào cũng nên và phải làm để đáp đền công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Tuy nhiên báo hiếu không chỉ dừng lại ở việc chu cấp đầy đủ về mặt kinh tế. Bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đời sống, anh cũng luôn nỗ lực để giúp ba mẹ cải thiện về tinh thần. Một trong những sự cải thiện ấy chính là sự thành công của anh – một cách anh khiến ba mẹ tự hào, vui mừng và đạt được sự thoải mái, yên tâm về tinh thần.
“Mỗi việc làm mang lại lợi ích cho người khác của tôi, rõ ràng cũng khiến ba mẹ vui mừng khi nhìn thấy. Đó cũng là một dạng củng cố đời sống tinh thần cho người cao tuổi” – bác sĩ Tuấn bày tỏ. Bản thân Lê Quốc Tuấn cũng hiểu được khoảng cách giữa các thế hệ, nên thường chủ động về quê vào những ngày nghỉ hay chở ba mẹ đi chơi, trò chuyện cùng ông bà mỗi khi rảnh rỗi. Theo anh, đó là cách giúp cho các thành viên hiểu và cảm thông cho nhau nhiều hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Tuấn quan niệm, việc không ở gần, cũng không ở quá xa ba mẹ, đó là điều khá hay, giúp cho ông bà có khoảng không gian riêng, không áp lực trong việc phải chăm sóc hay lo lắng cho con, mà bản thân anh cũng không bị quá gò bó trong nếp sống gia đình. “Từ đó mà mỗi khi có cơ hội gặp nhau, chúng tôi sẽ trân quý từng giây phút và mang lại nhiều nguồn năng lượng tích cực cho nhau hơn” – tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Tuấn khẳng định.
Lưu Đình Long
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tu-cau-be-ngheo-den-tien-si-y-khoa-cha-me-da-tao-dong-luc-cho-con-a1519647.html” name=””]