Từng nghĩ mình sống như cái máy không biết buồn vui, chỉ biết kiếm tiền, chăm sóc gia đình, cho đến khi tuổi già và bệnh tật ập đến, họ kịp nhận ra giá trị sống của bản thân.
Giật mình khi người ta nói mình sướng
“Nhất chị! Chồng hiền, con đứa nào cũng vào đại học, nhà vài căn mặt phố…”. Nghe bạn bè nói vậy, dì Lê Thị Mỹ Thu (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) không biết nên buồn hay vui. Bởi 43 năm nay, một ngày của dì bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 9 giờ đêm với cả đống sổ sách và cả ngày trực điện thoại.
Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh nhưng “thế giới’ của dì vẫn chỉ trong phạm vi cửa hàng của mình. Sức khỏe chồng không tốt, con lại đông, người phụ nữ có thân hình mảnh dẻ ấy trở thành chỗ dựa của gia đình.
Nhìn dì Thu tươi cười như này, ít ai nghĩ rằng người đàn bà ấy từng stress nặng vì tính ôm đồm (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Từng ước trời đừng tối để kiếm tiền nuôi con, nhưng sức người có hạn: 39 tuổi dì Thu rơi vào những cơn stress nặng nề. Nhưng rồi cơm áo gạo tiền lại kéo người mẹ 4 con vào guồng quay. Bận đến nỗi bữa ăn không kịp ngồi xuống lấy đâu thời gian hẹn hò phê pháo với bạn bè. Nào là thợ thầy, nào là chồng đau, nào là con cái đứa lớn đứa nhỏ, đứa đi học xa đứa xin việc gần…
Tự ôm hết mọi việc, người đàn ấy luôn lo sợ một điều “nếu mình lơi tay, mọi chuyện sẽ bất ổn hết”.
65 tuổi, dì Thu đã quẳng gánh lo để mà vui sống (ảnh nhân vật cung cấp) |
Cho đến một ngày, con gái út của chị Thu rủ rỉ: “Sao mẹ không sống cho mình đi, mua cái áo quần đắt chút mà mặc, sao mẹ mặc đồ cũ mãi”. 65 tuổi, người mẹ ấy chợt nhận ra: “Thì ra lâu nay mình đã chẳng sống vì bản thân. Vì sao mình không có quyền đòi hỏi, mình có thể buông tay để con cái “tự bơi”, chiều đến mình có quyền giao cửa hàng cho chồng để đi thể dục, uống cà phê với bạn bè được mà…”.
Dì Thu không ngại để lộ những nếp nhăn (ảnh nhân vật cung cấp) |
2 năm gần đây, bạn bè người thân “like mỏi tay” và hết lời tấm tắc trước những bức hình dì Thu đi chơi, đi họp lớp. Đã lên chức bà nội bà ngoại, nhưng dì vẫn giữ được sự trẻ trung tươi tắn, dịu dàng của cô gái Huế. Điều ấn tượng là dì tự tin chụp ảnh cận mặt. Người phụ nữ ấy quan niệm: “Vết chân chim cũng là nét đẹp, nó ghi dấu sự mặn mà của người đàn bà qua thời gian để mọi người trận trọng”.
70 tuổi vẫn lái xe chở chồng đi chơi
Quan sát đôi tay mượt mà cầm vô lăng của dì Lê Thị Kim Mừng (thành phố Huế), ít ai nghĩ rằng đó là người phụ nữ sinh năm 1953. Về hưu đã 15 năm, cũng bằng thời gian dì Mừng ngồi sau tay lái. Điều đáng ngạc nhiên hơn, đó lại là người đang sống chung với bệnh ung thư hạch bạch huyết (giai đoạn 2).
70 tuổi, dì Mừng vẫn tự tin lái ô tô chở chồng đi chơi (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Với suy nghĩ “đừng nghĩ mình già mà không có việc để làm”, mỗi ngày người đàn bà 70 tuổi vẫn tự học tiếng Anh, học nhảy, học cách làm bánh, cách chăm sóc da, học hát, làm thơ… Đó là cách để dì Mừng luyện trí, luyện thân, luyện tâm khi tuổi tác và bệnh tật đã lấy đi sức khỏe và trí nhớ.
Hóa trị có thể khiến mái tóc dì Mừng thay đổi, nhưng nụ cười tươi tắn thì không (ảnh nhân vật cung cấp) |
Bởi thế dẫu nhiều lần từng đội tóc giả vì hóa trị, có lúc cơ thể suy kiệt tưởng như đầu hàng, nhưng bằng một thói quen dậy sớm ngủi mùi hương cây cỏ, sự động viên của chồng con, lắng nghe tiếng nô đùa của các cháu đã tiếp thêm động lực để người phụ nữ ấy trở nên kiên cường. Gặp dì Mừng ngoài đời, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ ấy đang sống chung với bệnh hiểm nghèo.
Dì Mừng và em gái ruột trên cổng thượng thành Huế (ảnh nhân vật cung cấp) |
Tinh thần lạc quan, nhìn mọi thứ diễn ra quanh mình một cách bình thản nhẹ nhàng khiến cuộc sống gia đình dì trở nên thoải mái. Con trai một muốn ra ở riêng, dì đồng ý, lúc mẹ chồng còn sống, bà muốn ăn gì làm gì, dì đều chiều theo. Kể cả chồng dì có nhậu hay không muốn đi đâu cùng vợ, dì cũng vui vẻ.
“Tôn trọng chồng mọi lúc mọi nơi” là bí quyết để một phó phòng tổ chức của một trung tâm thuộc sở y tế ngày đó “cảm hóa” được chồng. Dì Mừng kể: “Đàn ông Huế mà, nếp gia trưởng ăn sâu trong suy nghĩ. Họ được tiếp thu tư tưởng cái bếp là để cho đàn bà”. Và khi biết mình được tôn trọng từ trong gia đình đến cả cơ quan vợ, bác Ân (chồng dì Mừng) dần dần thay đổi.
Mỗi lần vào viện, dì Mừng luôn có chồng bên cạnh (ảnh nhân vật cung cấp) |
Từ chỗ không thích đi với vợ, bây giờ ông thành phụ tài trong những chuyến rong ruổi về quê hay sang tỉnh khác đi chơi. Từ thích ăn thịt, người đàn ông ấy đã chuyển sang ăn muối mè, đậu hũ, cơm trộn các loại đậu như vợ. Đã thế, ông còn chịu khó ươm hoa cho vợ thay vì cằn nhằn: “Mẹ mi hà tiện, không mua sẵn cho rồi”.
Khi được hỏi về sự chịu đựng và hy sinh của người phụ nữ trong gia đình, dì Mừng trải lòng: “Thời đại nào, thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ. Tuy nhiên đánh đổi mà chúng ta vẫn độc lập được kinh tế, con cái thành đạt và nửa kia biết thay đổi theo chiều hướng tích cực thì nên”.
Hạnh phúc bên đông đủ cháu con (ảnh nhân vật cung cấp) |
Trong không gian thoang thoảng hương thơm của những bông hoa hàm tiếu dưới hiên nhà dì Mừng, tôi nghĩ về những người mẹ, người chị, người đàn bà Huế. Họ như bông hàm tiếu, e ấp mà kiên cường. Ở cuối dốc cuộc đời, họ tự cởi trói những quy định tự mình đặt ra. Với họ, hạnh phúc tuổi xế chiều là được gần gũi với những người thương yêu, hòa nhập vào nhịp sống gia đình, và lâu lâu hẹn hò với nhóm bạn thân và hỏi nhau “chúng ta mặc đồng phục gì cho bộ ảnh sắp tới?”.
Lâm Hoàng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/u70-roi-ngai-gi-khong-song-cho-minh-a1488514.html” name=””]