( Yeni ) – Kết hợp lá tía tô với các nguyên liệu phù hợp sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe.
Thức uống sống thọ của Nhật Bản
Nhật Bản vốn nổi tiếng với rất nhiều món ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe, đó cũng là bí quyết giúp tuổi thọ của họ đứng đầu thế giới.
Trong mùa hè, có một thức uống đẹp mắt, thơm mát được các gia đình người Nhật ưa chuộng, đó là Aka Shiso Juice – hay còn gọi là nước tía tô đỏ. Nước tía tô mang lại cảm giác ngon miệng trong những ngày nóng nực và giúp phục hồi sinh lực cực nhanh. Nó cũng có lợi cho tiêu hóa, chống lão hóa và nhiều hơn thế nữa.
Kết hợp lá tía tô với các nguyên liệu phù hợp sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe:
Tía tô, gừng, gạo rang
Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết tía tô là loại gia vị quen thuộc với người Việt cũng là vị thuốc quý trong Đông y. Mỗi cách kết hợp lá tía tô với các nguyên liệu khác nhau lại mang đến thêm những công dụng tuyệt vời khác nhau.
Nếu đem tía tô rang cùng gạo và gừng rồi đun lấy nước uống, bạn sẽ có loại nước giúp ngủ ngon và trị nám rất tốt.
Để làm loại đồ uống này, bạn cần chuẩn bị một nắm lá tía tô thái nhỏ, 1 nhánh gừng thái sợi nhỏ, 1 nắm gạo vo sạch.
Cho gạo vào chảo rang vàng rồi thêm gừng tươi thái sợi. Cuối cùng cho lá tía tô vào đảo đều cho tất cả các nguyên liệu chuyển sang màu vàng.
Đổ nước vào đun sôi 15 phút rồi tắt bếp. Lọc lấy phần nước cốt.
Uống nước này vào buổi sáng sau khi ăn. Có thể uống ấm hoặc uống lạnh tùy thích.
Lá tía tô có các hoạt chất giúp giảm lo âu, điều trị rối loạn giấc ngủ. Gừng chứa hoạt chất cineol giúp giảm stress, cải thiện tâm trạng, tăng tuần hoàn màu từ đó giúp cải thiện giấc ngủ.
Gạo tẻ bổ sung nhiều loại vitamin giúp nuôi dưỡng làn da từ bên trong, trẻ hóa da, giúp da trắng mịn, mờ sạm nám. Khi kết hợp với tía tô, công dụng làm đẹp da càng tăng lên.
Bạn cũng có thể sử dụng gạo lứt thay cho gạo tẻ thông thường để bổ sung nhiều vitamin hơn.
Tía tô + giấm táo
Nước tía tô giấm táo là loại đồ uống được người Nhật ưa chuộng. Nước tía tô mang lại cảm giác ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa, chống lão hóa và có nhiều lợi ích khác. Người Nhật không chỉ uống nước lá tía tô không mà họ còn cho thêm một nguyên liệu đặc biệt là giấm táo.
Giấm táo cũng chứa nhiều dưỡng chất có lợi. Sử dụng giấm táo hợp lý sẽ giúp tăng cường miễn dịch, phòng chống các bệnh nguy hiểm.
Bạn chỉ cần rửa sạch và đun sôi lá tía tô với nước. Sau đó, vớt bỏ lá tía tô ra, thêm chút đường (tùy khẩu vị) vào nồi nước lá tía tô. Khi đường tan thì tắt bếp, để nước nguội bớt và cho thêm giấm táo cho vừa miệng.
Nước lá tía tô giấm táo giúp da khỏe mạnh, sáng đẹp hơn. Sử dụng giấm táo giúp cân bằng độ pH tự nhiên của da, cải thiện hàng rào bảo vệ da. Giấm tạo cũng có khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng da.
Tía tô có chứa acid chlorogenic và acid rosmarinic giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường. Giấm táo giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Sử dụng giấm táo đều đặn cũng giúp giảm lượng cholesterol trong máu.
Lưu ý:
Những người bị loét dạ dày không nên dùng thức uống có chứa giấm táo cho đến khi vết loét được chữa lành.
Không nên lạm dụng giấm táo vì có thể làm hư men răng, hại dạ dày. Không lạm dụng lá tía tô vì có thể gây đầy hơi, chướng bụng và nhiều tác dụng phụ khác.
Người dị ứng với giấm táo, tía tô, phụ nữ mang thai… không nên sử dụng thức uống này.
Một số bài thuốc khác từ tía tô
Chữa cảm lạnh
Dùng một nắm lá tía tô nấu với nước uống hoặc dùng lá tía tô với kinh giới, hương nhu, lá xả, lá tre nấu với nước để xông.
Chữa cảm sốt, nhức đầu, ngạt mũi
Hạt tía tô 120gr, vỏ quít 8gr, cam thảo nam 10gr, gừng tươi 3 lát sắc với nước uống nóng 1 lần 1 ngày.
Toát mồ hôi, giúp nhẹ người, đỡ mệt mỏi
Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng để mồ hôi toát ra. Đây cũng là cách chữa cảm mạo, cảm lạnh cực hiệu quả và rất phổ biến.
Đau bụng đi ngoài, nôn mửa do ăn các loại thức ăn
Sử dụng lá tía tô đủ dùng giã lấy nước cốt để uống. Đối với người xuất hiện ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa xát.
Chữa viêm họng, răng, miệng
Dùng lá tía tô sắc nước súc miệng, ngậm và uống.
Chữa chướng bụng
Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.
Khi bị vết thương chảy máu
Bạn có thể lấy lá tía tô non tán nhỏ, đắp trùm lên chỗ máu đang chảy, rắc cho vừa kín rồi buộc lại. Vết thương sẽ cầm máu, không gây mủ và không để lại vết sẹo khi lành.
Chữa ho
Lấy cành lá tía tô và đoạn vỏ rễ cây dâu bóc trắng đun lấy độ một chén nước cho uống chữa ho.
[yeni-source src=”https://xevathethao.vn/uncategorized/uong-nuoc-la-tia-to-them-2-thu-nay-chong-lao-hoa-tre-lau-song-tho.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/uong-nuoc-la-tia-to-them-2-thu-nay-chong-lao-hoa-tre-lau-song-tho-d342396.html” name=”Xe và Thể thao”]