Để con lớn lên khỏe mạnh và vững vàng, cần lắm sự đồng hành của cả ba và mẹ.
Gia đình tôi thuộc kiểu khá truyền thống: Vợ lo nuôi dạy con, chồng lo làm việc. Tôi có thể ngồi hàng giờ đọc và tìm hiểu về sự phát triển, tâm sinh lý của con, nhưng chồng thì khác, anh quan tâm nhiều hơn đến kinh tế, tài chính.
Tuy vậy, chúng tôi không tách biệt mà vẫn có sự chia sẻ với nhau, bởi tôi luôn tin rằng để con được phát triển tốt, con không thể chỉ tương tác với mẹ mà nhất định cần có sự góp mặt của ba.
Khi biết được bất kỳ khóa học nào, sự kiện gì hữu ích cho việc chăm con, tôi đều rủ chồng đi cùng. Dần dần, anh cũng biết cách tương tác, biết chơi và trò chuyện với con. Có những thắc mắc rất khó để tôi trả lời, hoặc những hoạt động tôi không biết làm thế nào để chơi cùng con thì anh làm rất tốt. Anh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dạy con trai.
Chồng và con trai tôi (tác giả) rất thân thiết với nhau. Hai cha con cùng chơi, đọc sách và kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện |
Trước hết, chúng tôi để con hiểu về vai trò của mỗi người trong gia đình. Chúng tôi sống xa ông bà nội ngoại, mọi chuyện trong nhà đều là hai vợ chồng tự túc, tự chăm lo lẫn nhau. Khi chồng làm việc hoặc ốm mệt, tôi lo cơm nước, chơi với con. Khi tôi mệt hoặc dành thời gian cho con, chồng đi chợ, nấu cơm. Không có sự phân biệt trong việc nhà, việc này là của ba, việc kia là của mẹ, nên lớn lên con trai cũng sẽ không ngại việc nhà vì suy nghĩ “đó là việc của chị em phụ nữ”.
Tôi biết có rất nhiều gia đình bạn bè tôi vẫn còn phân biệt chuyện con gái phải nấu cơm, rửa bát, quét nhà, con trai được đi chơi, đá bóng hay làm việc nặng… nhưng điều này vô hình trung đã giới hạn khả năng của các con, đồng thời không xây dựng được ý thức chăm sóc nhà cửa của con trai.
Tôi may mắn là gia đình chồng rất coi trọng việc để các con làm việc nhà, và không phân biệt việc của con gái – con trai. Mỗi lần về quê, việc chồng rửa bát, dọn dẹp thay tôi là bình thường. Tôi nghĩ chính nhờ thế nên chồng chưa bao giờ nề hà khi làm việc nhà dù là cơm nước, đi chợ hay giặt giũ.
Những lúc vợ chồng giận nhau, hay ba mẹ không đồng ý với ứng xử của con, thì việc đưa ra các quy tắc, hướng dẫn hay trò chuyện với con sẽ dễ dàng hơn khi có chồng cùng trao đổi và đồng thuận.
Chẳng hạn có lần, khi hai mẹ con tôi cùng chơi trò chơi, con muốn ôm bạn gấu bông nhưng đúng lúc ấy tôi lại cầm đi, thấy yêu cầu chưa được đáp ứng, con giận dỗi, khóc và làm đau tôi. Chồng tôi tạm ngưng việc đọc báo để ngồi bên con, lắng nghe và cùng con diễn tả lại tình huống, để con biết mình đang sai ở đâu và tôn trọng mẹ hơn.
Ảnh mang tính minh họa – PressFoto |
Ở giai đoạn dưới 10 tuổi, mọi thứ với con vẫn là hấp thụ một cách vô thức, con học từ trải nghiệm, từ thế giới xung quanh, con chưa thể phân biệt đúng – sai, phải – trái nên ứng xử của người lớn rất quan trọng trong việc hình thành nhận thức của con.
Nếu con thấy ba không tôn trọng hoặc quát mắng, bạo lực với mẹ, con sẽ học theo và có hành vi tương tự với người khác. Ba cũng là người cùng với mẹ tương tác, đồng hành cùng con. Khi mẹ giận con, ba sẽ là người xoa dịu, khi tâm trạng ba không tốt, mẹ sẽ vỗ về con.
Thứ hai, trải nghiệm tuổi thơ con sẽ phong phú hơn khi có ba chơi cùng. Ba luôn có một cách rất khác mẹ để chơi cùng con, nhất là con trai. Ba thường có tư duy rõ ràng, mạch lạc hơn mẹ, điều này thể hiện rõ khi cùng con chơi các hoạt động về tư duy, hình ảnh. Nhớ có lần, con bảo tôi vẽ hình con gà, tôi thường vẽ nhà, hoa lá…, nhưng với con vật thì không biết vẽ như thế nào nên đã nhờ ba vẽ, con rất thích. Khi chơi ở ngoài, có những trò vận động tôi sợ không dám thử hoặc không đủ sức như cầu trượt dài, xoắn ốc, thì đã có chồng tôi chơi cùng con.
Cũng có khi, ba chỉ cần ngồi và “làm phép” với đôi bàn tay là con đã háo hức nhìn theo rồi. Con trai tôi thích chơi với hình khối, lắp ghép, thích tìm hiểu về bóng đá, ô tô, kỹ thuật… Trong các hoạt động này, thường những người ba tương tác với con tốt hơn.
Sự rõ ràng, dứt khoát và suy nghĩ đơn giản của ba còn giúp ích rất nhiều trong việc tạo thói quen cho con. Khi tôi còn đang thủ thỉ về chuyện đi học, lo lắng con sẽ khóc, buồn, chồng tôi chỉ cần nói với con về điều con thích mỗi khi đến trường. Vậy là con vui vẻ chào mẹ. Khi con tập ngồi bô, tôi phải ngồi bên đọc sách, trò chuyện cùng, nhưng với chồng thì khác, anh chỉ cần đưa cho con quả bóng để cầm và nói: “Bơ ngồi đây khi nào xong thì gọi ba nhé”.
Thứ ba, chồng tôi rất nhạy với các vấn đề về tài chính, tiền bạc hơn, nên chuyện về tiền, về thẻ, ngân hàng, anh sẽ nói chuyện với con. Chồng tôi luôn nói với con rằng: “Ba đang làm việc đấy Bơ ạ, ba làm việc để kiếm tiền mua đồ ăn, đồ dùng, đồ chơi cho Bơ này”.
Từ đó, mỗi khi ra ngoài, con đều biết nếu muốn mua được một món đồ cần có tiền, và muốn có tiền cần chăm chỉ làm việc. Nhờ thế mà con hiểu và tôn trọng giờ làm việc của ba, biết kiên nhẫn đợi ba làm xong việc để chơi cùng.
Thứ tư, một điều cực kỳ quan trọng đó là trò chuyện về giới tính. Cho dù mẹ có bên con trai, hiểu con, rồi cũng sẽ đến lúc con lớn lên, con có những thắc mắc giới tính rất riêng mà mẹ sẽ không thể chỉ giải thích bằng kiến thức, nhất là ở độ tuổi dậy thì.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Với ba thì khác, bằng những trải nghiệm và sự đồng cảm, ba sẽ dễ dàng kết nối với con hơn. Bơ hiện gần ba tuổi, đã có lần con hỏi về giới tính, tôi đang loay hoay thì ông xã gỡ rối giải đáp ngay cho con.
Theo quan sát của tôi, người ba thường gắn với hình ảnh mạnh mẽ, quyết đoán, nên con cũng học được từ đó cách rèn luyện ý chí, tinh thần vượt khó. Từ khi Bơ đi học, có những ngày mưa to, những khi tắc đường, ba vẫn vui vẻ nói với con trai: “Không có gì làm khó được ba, để ba sắp xếp”, rồi thì “Không gì có thể hạ gục ý chí và nghị lực của đàn ông”.
Tôi nghe vậy thì buồn cười lắm, nhưng tôi nghĩ đó chính là cách gieo vào tiềm thức con tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên. Những câu chuyện ba kể cũng thường bao quát hơn về cuộc sống, xã hội bên ngoài thay vì những câu chuyện xoay quanh gia đình của mẹ, nên suy nghĩ, tư duy của con cũng rộng mở.
Xin viết lại tên của một cuốn sách mà tôi thấy cái tên có nhiều ý nghĩa Cha mẹ là số phận của con cái, con không có quyền lựa chọn ba mẹ cũng như nơi con sinh ra, để con lớn lên khỏe mạnh và vững vàng, cần lắm sự đồng hành của cả ba và mẹ.
Nguyễn Huyền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vi-sao-con-trai-toi-bam-ba-a1476723.html” name=””]