Ai đúng ai sai, hãy để người trong cuộc tự cảm nhận và pháp luật phán xử. Hành động ném đá của đám đông còn ác nghiệt và dã man hơn cả.
Lỡ nhấn xem đoạn clip người bạn share cảnh anh chồng ở Đồng Nai chém đứt lìa hai tay vợ, sau đó tôi ám ảnh cả ngày. Clip rùng rợn và kinh hãi như trong phim kinh dị.
Điều lạ là đám đông trên mạng xã hội lại hả hê, cười cợt, đại đa số ủng hộ người chồng. Thậm chí có người còn tuyên bố: “Phải chém chết luôn, chứ để người vợ sống là “hiền” quá”.
Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu cuộc sống này, hễ không vừa ý ai đó, người nào đó có lỗi với mình là mình vác dao chém giết, tự định đoạt sinh mạng người ta sao? Pháp luật ở đâu? Chúng ta là con người, ngoài việc thực hiện theo bản năng thì ta biết nhận thức cái gì nên làm, cái gì không nên làm.
Khi hết duyên, nhiều cặp đôi chia tay trong êm thấm (Ảnh minh họa) |
Người vợ ngoại tình hay không, đoạn tin nhắn của anh nhân tình gửi cho người chồng có thật hay không, còn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Những điều ta tai nghe mắt thấy mà còn chưa chắc chắn là thật, nữa là những thông tin vỉa hè được hóng hớt trên mạng.
Giả sử người vợ ngoại tình thật đi nữa, thì cô ấy cũng không đáng bị anh chồng ra tay tàn bạo. Không ai cho anh được phép bạo hành chém giết người khác như thế. Thế gian này chuyện ngoại tình đầy ra với muôn hình vạn trạng. Chẳng lẽ hễ cặp vợ chồng nào đổ vỡ vì có người thứ ba cũng đều chém giết nhau cả sao?
Khi hết duyên, nhiều cặp đôi chọn chia tay trong êm thấm. Khi đến với nhau là vì yêu, vì hợp. Khi không còn yêu thì thôi, đường ai nấy đi. Nếu quá khúc mắc, khó khăn thì nhờ luật pháp phân xử. Thế có phải là nhẹ nhàng, cả hai vợ chồng vẫn thênh thang tương lai phía trước hay sao?
Trong câu chuyện người vợ bị chém lìa tay, mọi người chỉ tập trung vào tình tiết cô vợ ngoại tình, rồi cho rằng, cô ấy thật đáng đời, cái tội đã ngoại tình lại còn khiêu khích chồng.
Nhưng chẳng mấy ai để ý, trong clip ấy, cửa bị đóng kín, cô vợ không thể tự vệ, cuống quýt thanh minh, chống chế, van xin anh chồng dừng tay hay không? Cô ấy đã hoảng sợ và tuyệt vọng nhưng kẻ ác không dừng tay.
Mọi người tự nhận định rằng, “chắc anh chồng phải yêu vợ lắm mới vừa khóc vừa chém vợ như thế”. Yêu hay không chưa biết, chỉ biết anh đang bạo hành vợ để trả thù, để thỏa mãn cái tôi của mình mà thôi. Tôi thấy, thế là hèn lắm! Nếu có bản lĩnh, không ai xuống tay với kẻ yếu hơn mình, cho dù thù hận, cho dù chẳng còn yêu thương.
Trả thù có hai kiểu, một là bộc phátnhư anh chồng này. Kiểu trả thù thứ hai là giày vò tinh thần nhau cho tới chết. Kiểu nào cũng dã man và bệnh hoạn. Chẳng hạn, như trường hợp của cặp vợ chồng người bạn tôi, cách trả thù của anh chồng tinh vi hơn nhiều, không phạm pháp nhưng dã man không kém hành vi của người chồng ở Đồng Nai.
Người lớn làm sai, khổ nhất vẫn là những đứa con (Ảnh minh họa) |
Anh chồng là sếp lớn, thường đi công tác biền biệt. Chị vợ là chủ của một trường mầm non tư thục, chẳng hiểu thế nào mà chị lại qua lại với thầy giáo dạy thể dục của trường. Khi biết chuyện, người chồng không đánh đập, không ly hôn, nhưng anh ta đi luôn, khi về cũng không ăn cơm hay ngủ đêm ở nhà.
Cô vợ héo hon, ở không được, bỏ không xong. Anh nhân tình sau khi no xôi chán chè cũng mất dạng.
Cô vợ đã nhiều lần nói chuyện với mẹ chồng, nhờ bà thuyết phục con trai ly hôn. Thế nhưng anh chồng không đồng ý. Anh ta nói, nếu vẫn ở yên đó thì không có chuyện gì xảy ra, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà thì bao nhiêu clip, hình ảnh, tin nhắn cô tình cảm với nhân tình sẽ được công khai cho toàn xã hội biết.
Vì xấu hổ, cô vợ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, cho dù chồng đưa hẳn bạn gái về nhà, ăn cơm, ngủ lại.
Tôi nghĩ, tất cả những nhân vật vợ chồng trong câu hai câu chuyện trên, chẳng ai sung sướng. Anh chồng khi xuống tay chém vợ thì ngoài nỗi đau bị phản bội nay còn vướng vòng lao lý. Còn anh chồng giám đốc kia cứ tưởng cao tay, ra chiêu trả thù tinh vi với vợ mình nhưng thực chất đang tự xát muối vào lòng. Khi hành hạ cho vợ đau khổ, anh ta cũng đang tự chôn vùi cuộc đời mình.
Vợ chồng đến với nhau vì yêu, vì duyên phận. Hết yêu, cạn duyên thì đường ai nấy đi, như vậy không chỉ cho đối phương cơ hội mà cũng là mở ra cơ hội mới cho chính mình. Nếu một người lừa dối, người còn lại tìm cách trả thù để thỏa mãn cái tôi thì khổ nhất vẫn là những đứa con, khi phải hứng chịu hậu quả từ cái sai của người lớn.
An Nhiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vu-chong-chem-lia-tay-vo-rung-minh-truoc-su-ha-he-cua-dam-dong-a1473023.html” name=””]