Do thói quen, tôi vẫn không thể ngồi ăn một bữa cơm trong yên ả. Vẫn có lúc tôi sốt ruột giục con ăn nhanh lên, có lúc tôi nghĩ đến nền nhà chưa quét. Đâu phải cứ có thời gian là sẽ thảnh thơi.
Dạo này tôi nghĩ nhiều về những bữa cơm chiều ở nhà cha mẹ, ngày tôi còn bé. Loanh quanh năm rưỡi sáu giờ chiều, khi tôi về đến nhà sau giờ học cũng là lúc bữa cơm nóng hổi được dọn lên. Dù hôm đó nắng hay mưa, buồn hay vui, tôi cũng yên trí đạp xe năm cây số từ trường về nhà vì có một mâm cơm đang đợi.
Sau này đi học trọ xa nhà, cứ vào khoảng xâm xẩm tối như thế, tôi lại thấy nao nao. Dù bật radio thật to để cố xua đi cảm giác chênh chao ấy, vẫn có một đứa trẻ bơ vơ ở trong tôi thèm được sà vào bữa cơm nhà, nơi cả nhà ngồi ăn với nhau và nói những câu chuyện không đầu không cuối. Tôi đã trải qua cả một quãng đời với những buổi chiều nao nao như thế, cho tới khi tôi lấy chồng và có tổ ấm của riêng mình.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Bây giờ, nhiều nhà thành phố, bữa cơm chiều đã thay bằng cơm tối. Lịch trình một ngày của người lớn và trẻ con càng bận rộn, bữa cơm cuối ngày càng bị đẩy muộn hơn. Người lớn đi làm lại phải ở lại làm thêm hay mang việc về nhà. Trẻ con học ở trường về lại đi học thêm, học năng khiếu. Một ngày hối hả của cả nhà rồi cũng qua như vũ bão. Những ngày trong tuần, nếu có điều gì thực sự đọng lại trong lòng những đứa trẻ, và cả những người lớn, thì có lẽ chỉ còn bữa cơm cuối ngày. Đó không chỉ là lúc những cái bụng đói meo được lấp đầy, mà còn là lúc những mệt mỏi được xả bỏ, những trái tim được sạc đầy năng lượng yêu thương.
Ngày tôi còn đi làm công sở, cố gắng lắm tôi mới có những bữa cơm tối vào lúc 7 giờ. Loanh quanh đón con, đi chợ rồi về tắm rửa cho lũ trẻ xong xuôi, tôi mới hối hả vào bếp đặt nồi cơm, lặt rau… Cuối cùng, mọi thứ cũng lên mâm, cả gia đình no bụng, nhưng cảm giác thảnh thơi cùng nhau thưởng thức một bữa cơm vẫn thiếu.
Sẽ là đôi mắt lãng đãng của chồng tôi, tôi biết anh còn đang nghĩ ngợi chuyện công việc hôm nay. Sẽ là lũ trẻ vừa ăn vừa ngóng đến giờ xem ti vi hay nghĩ tới đống bài tập đang chờ. Sẽ là tôi nháo nhào vừa tiếp thức ăn và giục giã con, vừa nhấp nhổm gọt trái cây để sẵn cho chồng con ăn tráng miệng, hay trông nồi xôi đang nấu sẵn để sớm mai chồng có đồ ăn sáng mang đi.
Khi tôi ở nhà làm việc tự do, tôi vui vì có toàn quyền quyết định lịch trình của mình. Sáng sáng tôi đi chợ mua được những đồ tươi ngon rồi chiều đến có thời gian nấu bữa cơm thật tinh tươm trước khi ba cha con trở về. Nhưng có lẽ do thói quen, tôi vẫn không thể ngồi ăn một bữa cơm trong yên ả. Vẫn có lúc tôi sốt ruột giục con ăn nhanh lên, có lúc tôi nghĩ đến nền nhà chưa quét. Đâu phải cứ có thời gian là sẽ thảnh thơi. Thảnh thơi nằm ở trong tâm, khi ta quyết định chú tâm cho những người mình thương.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Vậy là mỗi buổi chiều, ngoài việc nấu cơm tôi còn sửa soạn lại lòng mình cho an tĩnh. Tôi tự nhắc nhở rằng bữa cơm hôm nay mình sẽ ngồi ngắm nghía khuôn mặt chồng, đặt câu hỏi rồi lắng nghe câu chuyện của các con. Tôi chẳng yêu cầu chồng con phải làm điều tương tự, nhưng chính sự chú tâm và nguồn năng lượng an tĩnh ở trong tôi như truyền sang họ.
Các con bắt đầu kể nhiều hơn về trường lớp, những niềm vui và cả những nỗi buồn. Chồng tôi cũng bị hút vào câu chuyện mà đặt được áp lực công việc sang một bên. Bữa cơm vì thế mà thêm phần gắn bó sống động.
Cuộc sống ngày càng vội vã. Để đi ngược dòng xu thế ấy mà tìm về những giá trị đơn sơ nhưng vững chắc thật chẳng dễ dàng. Như những bữa cơm chiều đang dần sống lại trong chính mái ấm của mình, tôi vẫn đang tìm cách để thêm vào cuộc sống những điều giản dị mà ấm êm.
Thu Thủy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vua-an-vua-ngam-chong-con-nghe-ke-chuyen-a1478456.html” name=””]