Những tưởng niềm đam mê cây cối đã khép lại với chàng kỹ sư nông nghiệp ở Hà Tĩnh sau khi anh mất cả 2 cánh tay. Song, nhờ nghị lực phi thường, anh đã gây dựng nên một vườn hoa, cây cảnh xanh mướt, trở thành nơi gặp gỡ giữa những người đồng cảnh ngộ, lan tỏa lối sống tích cực cho người xung quanh.
Còn sống là còn cơ hội
Thấy đoàn khách tới, anh Tô Hữu Sỹ – 35 tuổi, trú tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh – nở nụ cười tươi, niềm nở giới thiệu đặc điểm, lợi thế của từng giống cây trồng để họ lựa chọn. Anh thoăn thoắt vừa trò chuyện, vừa bê các chậu cây cảnh lên, giới thiệu các giống cây mới trong khu vườn hoa, cây cảnh rộng chừng 300m2 mang tên Happy Garden (gieo mầm xanh – gặt hạnh phúc) của mình.
Nhiều khách hàng khi tới mua cây đã rất ngạc nhiên nhận ra “ông chủ vườn” đang dùng cánh tay giả điện sinh học gắn ở phần mỏm cụt còn lại.
Việc bưng những chậu cây lên giới thiệu cho khách là chuyện bình thường với bao người nhưng lại là cả một quá trình kiên trì tập luyện của anh Tô Hữu Sỹ.
Hơn 2 năm trước, anh vô tình bị cuốn vào dây chuyền đang hoạt động khi làm việc tại Nhật Bản. Biến cố ấy không chỉ khiến anh mất đi đôi tay mà còn vùi lấp cả giấc mơ của một kỹ sư nông nghiệp. Anh bảo rằng, đó là khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời mình. Cô đơn ở xứ người, anh không nghĩ mình có thể vượt qua những đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tinh thần.
Vợ chồng anh Sỹ cùng nhau ươm mầm những cây xanh |
“Sốc lắm! Lúc đó tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc” – anh Sỹ nhớ lại. Nhưng lúc tuyệt vọng nhất, anh may mắn được vợ con đồng hành từ xa. “Chỉ cần anh còn sống, trở về với mẹ con em là đủ” – câu nói của vợ được anh khắc ghi vào tâm trí, trở thành động lực để anh bắt đầu quá trình điều trị, tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Rồi “quả ngọt” sau những tháng ngày ròng rã khổ luyện cũng đến với chàng kỹ sư trẻ. Anh bắt đầu có thể tự sinh hoạt cá nhân bằng đôi tay giả, dẫu còn nhiều bất tiện và biến chứng những hôm trái gió trở trời. Đó cũng là lúc anh được xuất viện và trở về Việt Nam.
“Mất đi đôi tay nhưng may mắn, tôi tìm lại được ý chí. Chỉ cần mình còn sống, còn đam mê thì vẫn còn cơ hội” – anh Sỹ nói. Với quan điểm đó, anh bắt đầu “thai nghén” ý tưởng khởi nghiệp ngay khi đang nằm trên giường bệnh. Ngày trở về quê nhà, những tưởng anh Sỹ sẽ phải mất một thời gian dài để hòa nhập với cuộc sống mới nhưng chỉ sau 2 tháng, anh đã bàn với vợ thuê mảnh vườn rộng hơn 300m2 ở TP Hà Tĩnh để khởi nghiệp bằng nghề buôn bán cây cảnh.
Vốn là kỹ sư nông nghiệp, cộng với niềm đam mê từ nhỏ, những chậu hoa, cây cảnh anh làm ra được nhiều khách hàng ưa chuộng. Doanh thu từ vườn cây trung bình mỗi tháng đạt 50 triệu đồng. Trừ chi phí, tiền lãi chỉ còn khoảng 20% nhưng với anh Sỹ, đó đã là thành công ở bước đầu khởi nghiệp. Dùng cùi tay đỡ lấy chiếc bình tưới nước cho luống hoa mười giờ đang bung nở trong vườn, anh Sỹ mỉm cười nói, quan trọng hơn là anh vẫn có thể sống với đam mê, với ngành nghề mình đã học.
Chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy những mầm xanh đâm chồi nảy lộc, các loại hoa nhiều màu sắc là anh đã tìm thấy được niềm vui, sự bình yên – điều mà sau khi trải qua biến cố, anh mới cảm nhận được bởi nó đã bị áp lực cơm áo gạo tiền lấn át trước đó.
Hỗ trợ chồng ươm những bầu chuối cảnh, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung – 32 tuổi, vợ anh Sỹ – không giấu được nụ cười hạnh phúc. Chị từng phải trốn ra ngoài khóc khi thấy những vết thương chi chít trên cơ thể chồng. Sợ chồng khó hòa nhập với cuộc sống mới, chị xin nghỉ việc để toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, cùng anh vun vén khu vườn. Như phương châm của khu vườn, vợ chồng họ cứ thế quấn quýt bên nhau trồng cây, chăm hoa với niềm tin khi gieo xuống đất một mầm xanh sẽ gặt về được hạnh phúc.
Đôi bàn tay giả sinh học giúp anh Sỹ chủ động trong việc sinh hoạt cá nhân nhưng với công việc làm vườn những ngày đầu, anh vẫn còn gặp khá nhiều trở ngại. Song chẳng sao, vẫn còn đó đôi tay người vợ luôn bên cạnh, giúp anh tìm lại niềm đam mê sống. Chị Nhung vừa giúp chồng làm vườn, vừa hỗ trợ chồng luyện điều khiển đôi tay giả thao tác trên máy tính, áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây xanh, xới đất, bưng bê…
Có lúc mệt nhoài vì tập quá sức nhưng anh vẫn luôn nở nụ cười xua đi nỗi lo của vợ. “Giờ anh đã tự làm được phần lớn công việc rồi, tôi không còn phải hỗ trợ gì nhiều nữa” – chị Nhung nói.
Truyền năng lượng tích cực
Gần 1 năm khởi nghiệp, khu vườn của anh Sỹ đã đi vào ổn định. Ngoài trồng, bán cây cảnh, gần đây anh còn nhận thiết kế cảnh quan sân vườn, tư vấn và chăm sóc cây xanh. Nhận thấy nhu cầu về cây xanh, phát triển không gian xanh ở các vùng quê ngày càng lớn, anh đang nghiên cứu, tìm thêm các loại cây cảnh phù hợp với khí hậu để mở rộng diện tích khu vườn.
Chàng kỹ sư nông nghiệp này bảo rằng, khi có được khu vườn đủ rộng, anh sẽ nhân giống các loại cây để chủ động về nguồn cung ứng cho khách hàng, quan trọng hơn cả là anh muốn tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.
Anh Sỹ tỉ mỉ chăm sóc những luống hoa, cây cảnh trong vườn mỗi ngày |
Từ ngày mở cửa đón khách, Happy Garden không chỉ đơn thuần là nơi mua bán cây cảnh mà còn trở thành nơi chia sẻ câu chuyện và nghị lực vươn lên sau biến cố cuộc đời của anh kỹ sư nông nghiệp. Câu chuyện của anh Tô Hữu Sỹ mang đến một nguồn năng lượng tươi mới cho nhiều người, đặc biệt là những người khuyết tật và các bạn trẻ đến tìm cảm hứng khởi nghiệp.
“Vườn cây là nơi giúp tôi chữa lành, tìm được bình yên sau biến cố. Thế nên tôi cũng dồn nhiều tâm huyết vào đây, hy vọng mọi người đến nơi này, ngoài chọn cây còn có thể cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc” – anh Sỹ nói.
Hiểu rõ nỗi đau của người cùng cảnh ngộ, anh Sỹ bảo, phần lớn sẽ rất sốc và sợ thành gánh nặng cho gia đình. Để vượt qua, mình phải chữa lành vết thương từ sâu bên trong, kết nối với những người cùng hoàn cảnh. Bởi thế, anh luôn sẵn sàng tâm sự, chia sẻ với hy vọng truyền thêm năng lượng tích cực để những người không may gặp tai nạn có thể nhanh chóng vượt qua nghịch cảnh.
“Thực ra tôi cũng chưa làm được gì nhiều. Có nhiều người mất cả 2 tay nhưng vẫn rất giỏi. Tuy vậy, khi có người gọi điện thoại trò chuyện, tôi vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình, chỉ mong họ có thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau” – anh Sỹ nói.
Ngoái nhìn dòng người đang vội vã ngoài đường, anh Sỹ cho hay anh đang kết nối với anh Dương Quyết Thắng – 36 tuổi, ca sĩ được biết đến với biệt danh “chim cánh cụt” ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh – thực hiện kế hoạch lập nhóm dành cho người khuyết tật. “Anh em chúng tôi đang bàn bạc về việc kết nối những người khuyết tật để cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong khả năng của mình.
Hy vọng kế hoạch này sẽ sớm được thực hiện để những người cùng cảnh ngộ có nơi chia sẻ với nhau” – anh Sỹ nói.
Phan Ngọc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vuon-cay-chua-lanh-cua-chang-ky-su-khong-tay-a1522469.html” name=””]