Tôi mồ côi cha, sống cùng ông bà ngoại dưới quê, vì mẹ phải lên TPHCM kiếm tiền nuôi tôi. Lúc đó tôi chẳng biết ba là ai, ba như thế nào. Có lẽ vì xem tôi còn nhỏ chưa biết gì nên người lớn không bao giờ nói với tôi về ba tôi.
Ba tôi và cháu ngoại trong lần cả nhà mừng sinh nhật cuối cùng của ba |
Tôi có ba
Tôi còn nhớ những ấn tượng của ngày hôm đó – ngày mà mẹ đưa một người đàn ông cao cao, ốm ốm về ra mắt ông bà ngoại. Năm đó tôi 4 tuổi, còn bé quá, chẳng thể nhận biết người này là ai, chỉ biết bằng cảm nhận trẻ con rằng người ấy rất thương tôi, vừa gặp mặt đã tặng một cái ôm cho tôi – một cô bé còi cọc tội nghiệp.
Rồi đến một ngày, tôi được ba và mẹ về quê đón lên thành phố ở cùng cho tiện chăm sóc và đi học. Cuộc đời tôi bắt đầu có ba. Ba yêu thương, bảo bọc, chăm sóc tôi như con gái ruột. Dường như ba cũng cảm nhận tôi quý mến ba nhiều, nên ba không nỡ làm con gái buồn.
Tối tối, khi mẹ bận ngồi bán hàng ở nhà thì ba lại chở tôi trên chiếc xe đạp Thống Nhất đi lòng vòng hóng gió. Có hôm tôi bị mẹ đánh đòn, ba lại chở tôi đi mua đôi bông tai bằng nhựa để an ủi.
Ngày tôi đi học lớp Một, gia đình còn khá nghèo. Sáng sớm mẹ đã bận ra ngoài buôn bán, còn ba ở nhà lo cho tôi ăn uống, cột tóc cho tôi rồi đưa đi học. Nhớ có khi ba cột bên cao bên thấp mà ra ngoài ai cũng nhìn tôi rồi cười. Tôi mắc cỡ không cho ba cột tóc nữa. Ba đã lộc cộc xe đạp chở tôi đi học suốt những năm tháng tiểu học.
Nhớ có hôm cô giáo lớp Một bảo: “Con về hỏi lại ba mẹ xem có ghi nhầm họ của con không nhé. Cô thấy ghi con họ Trần mà ba con lại họ Vũ”. Tôi bỗng khóc nức nở khiến cô bối rối, phải đưa tôi về nhà và xin lỗi.
Khi tôi bị mẹ phạt, ba khuyên ngăn. Khi tôi bị mẹ đánh đòn, ba lao vào ôm tôi che chở. Mỗi khi ba và mẹ giận nhau, mẹ xách đồ đòi dắt tôi về quê thì ba lại ôm giữ tôi lại. Mỗi lần như thế, tôi chính là sợi dây gắn kết ba mẹ. Tôi khóc không chịu đi và rồi mẹ không đi nữa. Cứ thế thời gian trôi cho đến khi tôi trưởng thành.
Dang tay với đứa con gái mang bầu trước khi cưới
Còn nhớ quãng thời gian tôi có con, vì chưa cưới hỏi mà đã mang bầu nên tôi rất sợ ba mẹ buồn. Đến khi ba mẹ hay tin, ai cũng lo lắng. Ba mẹ còn nói với nhau rằng hãy thương tôi hơn. 2 người còn “cá” với nhau về giới tính của cháu. Họ khiến tôi vững lòng và từ đó gia đình tôi có thêm một thành viên.
Ba tôi đặc biệt yêu quý đứa bé này hơn ai hết. Ba giữ cháu, chăm cháu ngon lành. Ba cười nhiều hơn khi chơi với cháu, thằng cháu cũng quý ông ngoại. Gia đình lại càng thêm vui vẻ, quấn quýt bên nhau.
Rồi ba và mẹ cũng đến tuổi già đi.
Đến một ngày, ba phát hiện bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 4. Bác sĩ thông báo thời gian của ba chỉ còn khoảng 6-8 tháng. Cả nhà sốc, buồn bã và mất tinh thần. Người duy nhất có thể vực dậy được tiếng cười cho cả nhà là con trai tôi. Nó chẳng biết bệnh ung thư là gì hay bệnh đến giai đoạn 4 là thế nào. Nó vô tư cười đùa khiến cả nhà cười theo dù sau đó lẳng lặng giấu đi nước mắt.
Biết mình không còn nhiều thời gian, ba bắt đầu lên những kế hoạch làm gì đó ý nghĩa cho gia đình. Từ việc thay vòi nước hay những việc cỏn con trong nhà ba cũng cố gắng gượng cơn đau để làm cho xong. Cả nhà cũng thay đổi những sinh hoạt bấy lâu vốn đã quen thuộc.
Tôi nhìn ba trong nghẹn ngào khi ba mệt, nhìn ba nhăn nhó nuốt từng ngụm thuốc đắng. Trong lòng nghĩ chỉ còn vài tháng được bên cạnh ba thế này, phải sống vui vẻ để ba thấy những ngày này thật ý nghĩa.
Cái ngày khủng khiếp
Nhưng cuộc đời lại bắt ba tôi phải dừng lại ngay thời điểm ba đang cố gắng sống nhất. Sau 1 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư đầy đau đớn, ba bắt đầu suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất. Khối u đã di căn đến não. Ngày khủng khiếp của gia đình cũng đã đến – ngày tôi phải bình tĩnh ký tờ giấy quyết định dừng điều trị cho ba để đưa ba về nhà. Tôi ước gì lúc đó chỉ là cơn ác mộng, rồi khi tôi thức dậy lại sẽ được thấy ba khỏe mạnh tươi cười.
Cảm giác mất đi người thân quả đau đớn tột cùng. Ba tôi, tuy không ruột thịt nhưng lại yêu thương tôi hơn cả ruột thịt. Một người ba sống hiền hòa, giản dị, chân thành và lương thiện. Ba lo cho mẹ tuổi già còn vất vả, lo cho cháu ngoại còn nhỏ thiếu sự yêu thương, lo cho tôi phải gồng gánh vai trò trụ cột.
Dù có đau buồn, tôi vẫn biết ba ra đi là sự giải thoát khỏi những cơn đau do bệnh tình hành hạ. Tôi tin ba đang mỉm cười nhìn về phía gia đình mình. Tôi chỉ cần mạnh mẽ để đưa gia đình vượt qua những cơn sóng gió còn lại, để ba được an lòng ở nơi ấy…
Ngọc Diễm
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-toi-nguoi-khong-ruot-thit-ma-hon-ca-ruot-thit-a1482732.html” name=””]