Con đã dạy tôi bài học về sự cảm thông, điều mà người trưởng thành như tôi do chứng kiến, tiếp cận quá nhiều thông tin mặt trái, nên tâm hồn trở nên chai cứng.
Có lẽ tôi đã quá khắt khe trước 1 đứa trẻ phải sớm vào đời… |
Chiều thứ Bảy, vợ chồng tôi chở con trai vào khu vui chơi thiếu nhi ở Thảo Cầm Viên. Cháu rất thích hòa mình trong khu vực trò chơi liên hoàn. Thằng bé nhập vào cuộc chơi hết sức nhiệt tình. Chỉ sau 5, 10 phút là đã có bạn cùng chơi, không cần biết đến ba mẹ.
Một buổi chiều, vợ chồng tôi đang ngồi dõi theo con thì có cô bé trạc chừng 13, 14 tuổi đến trước mặt. Cháu chìa tập vé số cho chồng tôi và cứ cúi mặt rấm rứt khóc… Ông xã tôi chẳng mấy khi mua vé số. Anh đang bận cắm cúi vào tờ báo với những tin tức quan trọng. Hơn nữa, với những tình huống thế này thì cách giải quyết thuộc về tôi.
Tôi lấy tờ tiền mười ngàn đồng, với qua, gọi cô bé. Nhưng cô bé dường như không nghe, nó cứ cúi mặt khóc… Tôi kiên nhẫn gọi, thậm chí huơ huơ đồng tiền, nó vẫn không thèm để ý. Tôi bực mình: “Cô mua nè, cô với chú đi chung mà!..”.
Đúng lúc đó, bé chìa tập vé số sang phía tôi. Tôi thở phào đưa tờ tiền, nói nhỏ: “Cô không lấy vé đâu, tặng con đó!”. Con bé lúc này mới ngước mặt lên nhìn tôi, đôi mắt ráo hoảnh. Tôi ngỡ ngàng hiểu ra: bé chỉ giả khóc và cô bé giật lấy tiền và quay lưng bỏ đi bỏ đi rất nhanh. Tôi bất ngờ, nỗi bực bội khó chịu trào dâng.
Tôi thấy con bé không đói rách hay khổ sở cùng cực để vờ khóc lóc, trông chờ vào sự thương hại của người khác. Mới 13-14 tuổi đã phải mưu sinh, nếu bé chào mời vui vẻ thì nhiều người cũng đâu từ chối? Mà thôi, nếu đó là “bí quyết nghề nghiệp” của bé, thì vờ vĩnh một chút không sao, chỉ cần khi khi nhận tiền tôi đưa, bé biểu lộ một chút cảm xúc nào đó. Đằng này mặt cháu tỉnh queo, lạnh lùng đến vô cảm. Tôi nghĩ tới những người mẹ ép con kiếm tiền sớm, những đường dây “chăn dắt” trẻ. Cô bé đã theo lời chỉ dạy của ai đó để buộc người ta không thể từ chối mua vé số, còn những thứ khác thì không được dạy.
Tôi vẫn đang nghĩ về cách hành xử của cô bé bán vé số thì con trai chạy ào tới. Nắm tay tôi, con hối hả: “Mẹ, mẹ cho con tiền đi! Đằng kia có chị bán vé số đang khóc…”.
Tôi nhìn theo hướng tay con. Đúng là cô bé lúc nãy đang chìa tập vé số trước 1 người đàn ông và tái diễn màn khóc lóc thảm thiết. Nỗi bực dọc lại vút qua trong đầu, tôi quay lại nhìn con trai, định nói gì đó, nhưng tôi kịp ngừng lại. Khuôn mặt con nhễ nhại mồ hôi, ánh mắt con vừa nhìn tôi khẩn khoản vừa nhìn về phía cô bé bán vé số, như sợ cô bé đi mất.
Tôi biết con đã bỏ cuộc vui nửa chừng để cầu cứu mẹ – điều mà con chưa bao giờ làm. Tôi vội nói: “Con giỏi quá, biết quan tâm tới người khác nè. Mẹ mua rồi và mẹ cũng tặng vé số để chị dò luôn rồi. Chúng ta cùng cầu cho chị ấy gặp may mắn nhỉ. Thôi con đi chơi tiếp đi!”.
Con trai nhoẻn miệng cười rồi vui vẻ chạy vào chơi cùng bạn. Lòng tôi dâng lên niềm vui khó tả, những cảm xúc khó chịu trước đó đã tan biến. Con tôi còn nhỏ, chưa tiếp cận nhiều mảng màu của cuộc sống, nhưng đã biết quan tâm, yêu thương, muốn giúp đỡ, sẻ chia khi thấy người khác đau khổ, bất hạnh… Điều đó đáng quý biết bao! Con cũng đã dạy tôi bài học về sự cảm thông, điều mà người trưởng thành như tôi do chứng kiến, tiếp cận quá nhiều thông tin mặt trái nên tâm hồn trở nên chai cứng, thiếu bao dung.
Tôi dõi mắt tìm cô bé. Nó đang dí tập vé số vào 1 người đàn ông và khóc… Tôi lắc đầu cười. Tận đáy lòng mình lúc ấy, tôi chỉ mong cô bé được nhiều người mua giúp vé số…
Lê Thị Cẩm Hương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bai-hoc-bao-dung-toi-nhan-tu-con-a1486269.html” name=””]