Ba tôi nói, tuổi của ba, đã chứng kiến bạn bè lần lượt ra đi, cho nên, còn khỏe được ngày nào thì cứ vui sống lành mạnh, ăn uống, ca hát, gặp gỡ khi còn có thể.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Từ ngày ba xây được căn nhà đẹp, tôi mới thấy ba đưa bạn bè về chơi. Tôi hỏi ba, có phải ngày trước ba mặc cảm mình nghèo, còn bạn bè ai cũng giàu có, nên ba không dám đưa bạn về nhà? Ba bảo, hồi đó, ba chọn gia đình, vì các con còn quá nhỏ. Giờ các con lớn rồi, tuổi già mới cần bạn bè.
Gần 60 tuổi, ba mới xây được ngôi nhà mơ ước. Ba tự tay thiết kế hầm rượu. Chuyện làm hầm rượu, ban đầu mẹ tôi phản đối. Có lẽ phụ nữ vốn không thích đàn ông nhậu nhẹt, mẹ nói: “Già rồi mà ăn nhậu, có ngày… đi đứt”. Nhưng ba thì bảo: “Già rồi, ăn uống được bao nhiêu nữa. Người có tuổi, chỉ cần ngày uống một chung rượu để giãn gân cốt, cũng tốt mà”.
Rượu phần lớn nấu từ gạo, từ nếp, chính tay ba nấu cho an toàn. Mẹ lo cho ba nên mới vậy, chứ ba tôi đã vất vả nhiều năm rồi, giờ ba muốn gì mà mẹ chẳng chiều.
Giờ ba tôi đã sắp 70, nhưng vẫn khá phong độ. Bạn bè ba người khỏe, người mang bệnh trong người. Các bác luôn chỉnh tề, lúc nào cũng mặc áo có cổ, “đóng thùng” lịch sự, nói năng chuẩn mực, thật đúng tác phong người… già. Ba vẫn còn chạy xe máy, xe hơi đưa vợ đi chơi.
Hầm rượu của ba thật ấm cúng với bóng đèn vàng, mọi vật dụng đều bằng gỗ. Cái máy lạnh, ba cũng sơn màu gỗ. Ba đầu tư dàn karaoke xịn, vì người già đã… hết hơi, cần thiết bị hiện đại để hỗ trợ giọng hát. Bọn trẻ chúng tôi tầm có thể hát năm, bảy giờ đồng hồ, chớ bạn của ba chưa bao giờ hát quá hai giờ đồng hồ. Những bài hát một thời, với ba và các bác, là “Những bài ca đi cùng năm tháng, bất hủ, sống mãi với thời gian”. Họ hát trong sự hân hoan, hát ở một nơi mà “khán giả” là những người cùng trang lứa, đồng cảm và thấu hiểu.
Người già, nghe gì về họ cũng thương. Ăn uống cũng vậy. Bạn ba đến chơi, mẹ thiết kế đồ ăn vừa mềm, dễ tiêu, dĩ nhiên là phải ngon. Hôm thì mẹ nấu cháo hàu, hôm cháo gà, cháo vịt, nhất định không thiếu món cháo. Nhìn ba mẹ lăng xăng tiếp khách, tôi thấy mệt thay. Nhiệm vụ của ba là bày biện chén đũa, ly tách, khách ra về thì rửa ly tách, dọn dẹp hầm rượu, mọi việc còn lại mẹ “cân”. Quan điểm của ba mẹ là, người ta quý thì mới tới nhà, được tiếp đón khách mời, ba mẹ cảm thấy hạnh phúc.
Trong nhóm bạn của ba, có bác Thanh là người vui tính nhất. Bác Thanh bằng tuổi ba, tính cách rất trẻ trung. Có lần tôi khen bác Thanh đẹp trai, bác cười ha hả, nói bác vẫn thích từ đẹp trai hơn đẹp lão. Bạn ba, có người móm mém vì răng cái còn cái mất, nhưng chưa thể trồng răng mới vì huyết áp trồi sụt bất thường. Có người thỉnh thoảng nhập viện vì tiểu đường, tim mạch, nhưng khi ổn thì lại hẹn hò, tại ngay hầm rượu của ba tôi.
Nói hầm rượu, nghe có vẻ… hầm hố, thật ra đó là một nơi khá ấm cúng, mà ba tôi rất thích. Ông nói: “Vô đó cảm thấy mình trẻ lại, dễ chịu và ưng ý”. Ở đó, ai khỏe thì uống một vài chung cho vui. Ai không khỏe thì uống nước lọc. Ba tôi nói, tuổi của ba, đã chứng kiến bạn bè lần lượt ra đi, cho nên, còn khỏe được ngày nào thì cứ vui sống lành mạnh, ăn uống, ca hát, gặp gỡ khi còn có thể.
Về sau, mỗi khi nghe nói ba có khách tới chơi, anh em tôi không còn trốn lên lầu, để mặc ba mẹ đón khách, dọn dẹp như trước. Chúng tôi cùng nhau sửa soạn nhà cửa, quét dọn hầm rượu, phụ mẹ nấu ăn. Nhà tôi trở thành điểm dừng chân của các bác. Giờ tôi chỉ mong ba mẹ sống lâu, khỏe mạnh, để mỗi tuần được gặp gỡ bạn bè, vui những niềm vui giản dị của tuổi già.
Thái Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ban-ruou-cua-ba-a1468479.html” name=””]