Mạng xã hội được xem là nơi để nhiều người “xử nhau”. Trong chuyện gia đình, việc xử nhau trên mạng thường để lại nhiều hệ lụy.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Khoa – Công ty tâm lý An Việt Sơn (Hà Nội) – cho rằng hiện nay, MXH đang được một số người lợi dụng để câu view, đôi khi không rõ thực hư và đi ngược với các vấn đề tâm lý của con người.
Theo ông Khoa, rất nhiều người rơi vào cảnh bị phản bội có thể đánh ghen với người thứ ba để trả thù, xả cơn tức giận. Tuy vậy, khi đưa lên MXH để nhờ “cộng đồng mạng” phân xử, đa phần họ chỉ nhận được những kết cục đau buồn.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Ví dụ câu chuyện “lòng xào dưa”: Người vợ muốn bóc mẽ người thứ ba và lấy lòng thương của mọi người, lôi kéo cộng đồng đứng về phía mình và đã nhận được điều mình mong muốn. Song chắc chắn những đứa trẻ của hai gia đình sẽ tổn thương nặng nề. Chưa kể hôn nhân của họ có lẽ cũng khó giữ được hạnh phúc.
Còn người chồng trong câu chuyện “16 năm mặn nồng” công khai chuyện vợ ngoại tình càng khiến ông Khoa bất ngờ hơn. Theo góc độ tâm lý, đàn ông càng xấu che, tốt khoe. Họ chỉ chia sẻ điều tốt đẹp của bản thân, gia đình. Đặc biệt, vợ ngoại tình thì đàn ông khó có thể đưa ra để bạn bè, người thân bình phẩm. Quan điểm người phương Đông là “xấu che, tốt khoe”. Có những câu chuyện sau khi “bóc phốt”, người trong cuộc còn không kiểm soát được thông tin, cuối cùng hôn nhân không thể cứu vãn.
Theo ông Khoa, cách giải quyết khôn ngoan trong trường hợp này là càng ít người biết càng tốt. Khi đó, người có lỗi cũng có cơ hội sửa sai, trân trọng, biết ơn khi bạn đã giữ thể diện cho họ, nhất là đàn ông.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa – nguyên giảng viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội – cũng cho rằng việc “bóc phốt” đối phương ngoại tình có nhiều hệ lụy đôi khi người trong cuộc cũng không nắm được.
Khi phát hiện các bằng chứng người bạn đời của mình ngoại tình, ai cũng bàng hoàng, sốc. Có người giữ được bình tĩnh nhưng có người không. Họ tìm cách trả thù. Đối tượng trả thù là người thứ ba, mục đích trả thù là để kẻ thứ ba thân bại danh liệt.
Ông Hòa từng tư vấn cho nhiều chị em rơi vào cảnh chồng ngoại tình nhiều lần, khuyên ngăn kiểu gì người chồng vẫn “ngựa quen đường cũ”. Tức quá, cô vợ tung hê lên MXH để “tiểu tam” bị dằn mặt. Cô vợ muốn dùng MXH “xử đẹp tiểu tam”. Song, trước cơn bão like, chia sẻ, cộng đồng mạng giúp cô “thay trời hành đạo”, người vợ nhận được “gạch đá” từ chính người thân của mình. Con của cô nói không nhận mẹ vì mẹ làm chúng xấu hổ chứ không phải người cha đang ngoại tình. Người thân hai bên đều trách cô vạch áo cho người xem lưng. Cô vợ rơi vào trạng thái trầm cảm. Một năm sau, cô liên hệ với ông Hòa, báo mình đã ly hôn.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (TPHCM), trong chuyện “bóc phốt”, nhiều người vô tình vi phạm pháp luật mà không biết. Việc công khai tin nhắn của chồng/vợ lên MXH là vi phạm pháp luật. Theo điều 289 Bộ luật Hình sự, họ có thể phạm vào tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Nếu việc “bóc phốt” xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, người “bóc phốt” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Hưng cũng cho biết việc nhiều người lấy “lá bài MXH” làm chứng cứ khi ra tòa tranh quyền nuôi con hay tài sản cũng mang nhiều yếu tố rủi ro. Ví dụ nếu người trong cuộc không thừa nhận những tin nhắn đó là của họ thì cũng rất khó giải quyết.
Theo quan điểm của ông Hưng, trên MXH cũng như ngoài đời thật, những chuyện “bóc phốt” nhau không chỉ thể hiện văn hóa ứng xử giữa người với người mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật, nếu vượt quá giới hạn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
An Nhiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/boc-phot-ngoai-tinh-vo-tinh-pham-toi-hinh-su-a1473441.html” name=””]