Chị cũng thừa nhận sai lầm khi ngay từ những tuần đầu tiên đã nghĩ con mình kém thông minh.
Từ khi con vào lớp Một, vợ chồng chị thỉnh thoảng lại xung đột vì cả hai cho rằng chương trình học của con quá nặng nề. Con học bán trú, buổi tối về nhà được cha mẹ luân phiên giúp ôn bài. Tối nào con cũng hỏi đã cuối tuần chưa, ngày mai có được nghỉ học không.
Vở bài tập toán của con bị cô đánh dấu sai chi chít với những nhận xét: “Em cần cẩn thận hơn”, “Em nên tập trung nghe cô giải thích đề bài”.
Vở tiếng Việt chữ to chữ nhỏ, chữ thiếu dấu, rồi chữ in chữ thường chữ viết tay lẫn lộn. Chẳng trang viết nào của con không có vấn đề. Mỗi ngày học vài âm mới, với hàng loạt từ ghép vần mới, trong khi bài cũ con vẫn chưa thông. Áp lực nặng nề nên con sợ mỗi khi nghe cha mẹ đề nghị ngồi vào bàn học. Dù cố gắng kiên nhẫn và dịu dàng, cuối cùng cha mẹ đều quát tháo, khiến con nước mắt ngắn dài.
Ảnh mang tính minh họa – Fwstudio |
Chị nói với chồng, con mình không phải là đứa siêng năng học giỏi rồi. Hay cho con đến nhà cô giáo dạy kèm?
Chồng chị không đồng ý. Ngày 2 buổi ở trường đã khiến đứa nhỏ mệt nhoài, anh không muốn con phải học thêm.
Xót con, anh “đổ thừa” người viết sách giáo khoa. Ngày xưa đi học, gần cuối năm lũ học trò lớp Một mới có thể đọc được vài bài thơ, đoạn văn. Không như bây giờ, kiến thức dồn dập ngay từ đầu, chẳng may nghỉ ốm 1 ngày là bỏ qua hàng loạt điều mới.
Hai vợ chồng bận bịu, vài buổi tối không trông nom việc học của con, đến lúc xem lại bỗng giật mình, tự hỏi làm thế nào để con có thể ôn và nhớ hết loạt bài cũ đã bỏ dở. Chồng chị bất lực: “Thôi, giúp con được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.
Từ hôm đó, hai vợ chồng hạ thấp mục tiêu. Họ giúp con ôn bài một cách vừa phải, không la mắng, không hăm dọa.
Con dần quen nền nếp, buổi tối đến giờ là lên giường. Buổi sáng, con biết dậy sớm, dặn ba tranh thủ chở đến trường, vì sẽ bị các bạn sao đỏ ghi tên nếu trễ. Chị dò xét, hỏi ở trường con có bị cô giáo rầy không. Con cười, cô la mấy bạn ồn ào, con ngoan nên không bị mắng. Cô chỉ dặn con phải nói và đọc to lên, đọc to rõ âm để tiếng của con vang vào lỗ tai, như vậy con sẽ nhanh nhớ bài. Thì ra nhờ đi học mà dạo này con nói to nói rõ hơn nhiều.
Hai vợ chồng vẫn luân phiên thay nhau giúp con ôn bài buổi tối. Khác với lúc đầu, dạo này cha mẹ không cần giảng giải nhiều, chỉ có tiếng của con vang đều đều. Con đã “bắt” được nhịp độ học hành, vở bài tập cũng ít lỗi, còn được cô phê: “Em viết chữ đẹp”, “Em có tiến bộ, rất đáng khen”.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Trong lúc con say sưa nhẩm đánh vần và đọc quyển truyện mẹ mới mua cho, anh mở cuộc gọi video với ông bà nội, ông bà ngoại và các cô chú. Mọi người ngạc nhiên, không ai tin vào mắt mình. Làm thế nào một “tờ giấy trắng” từng chán ngán việc học hành như con sau hơn 2 tháng có thể cầm quyển truyện đọc rành rọt vanh vách như thế. Bà ngoại nghi ngờ, bảo con đang “đọc vẹt”. Anh đính chính: “Bà ngoại đừng coi thường cháu nhé. Sách mẹ mới mua tặng sinh nhật, cháu lần đầu mở ra đọc đấy”.
Đọc xong mẩu chuyện, con còn kể lại chi tiết cho ông nội nghe. Ai cũng xuýt xoa khen ngợi. Rồi con khiến mọi người ngạc nhiên hơn: “Thôi, bái bai ông bà nha, đến giờ cái đầu của con muốn học rồi”.
Tối đó, anh nói với vợ, chương trình học của tụi nhỏ bây giờ hay quá. Tuy lượng kiến thức đến dồn dập nhưng được lặp đi lặp lại liên tục, cho đến khi nào chúng hiểu và không thể quên. Chị cũng thừa nhận sai lầm khi ngay từ những tuần đầu tiên đã nghĩ con mình kém thông minh.
Chỉ một thời gian ngắn ngủi, con đã biết đọc, biết viết, biết tính toán bước đầu và đặc biệt không còn chán ngán việc ngồi vào bàn học.
Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà vợ chồng chị hằng mong ước.
Việt Quỳnh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cai-dau-cua-con-muon-hoc-a1481271.html” name=””]