Mẹ tôi vung gậy chỉ thẳng vào bà kia thét lớn: “Có thôi đi không? Tôi sẽ lên thẳng cơ quan cô để báo cáo”. Bà kia im bặt, không cãi một lời.
Tôi viết cái “tút” trên Facebook, bày tỏ quan điểm về một vụ việc đang được sự quan tâm trong xã hội và nhận ngay “một đống” lời khuyên. Đó là từ những bạn bè thương yêu lo lắng cho tôi.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Họ nói vui: “Chị già rồi lại đau yếu, lo chi chuyện thiên hạ. Rủi có ai hiểu lầm rồi chỉ trích này nọ thì lại nhức đầu”.
Tôi chợt nhớ mẹ tôi – một người già sống ở Hải Phòng. Lúc tôi còn trẻ, bạn bè của bà thường nhắc câu chuyện thế này:
Mẹ tôi là nhà giáo, thế hệ trí thức do người Pháp đào tạo. Bà chịu ảnh hưởng của “Chủ nghĩa nhân đạo Pháp”. Bà thích các câu chuyện “cư xử nhân ái của Cụ Hồ” mà nhiều người bảo chắc chỉ có trong… cổ tích. Khi bà dạy học ở trường trong thời tạm chiếm, để bảo vệ lẽ phải, bà từng nổi tiếng vì dám “nói tiếng Tây chuẩn” để cãi nhau tay đôi với ông thanh tra giáo dục Pháp.
Khi già yếu, mẹ tôi nằm nhà nhìn ra vườn cả ngày vì con cái đi làm. Ở nhà, chỉ có đứa cháu từ quê ra chăm bà. Vậy mà, hàng xóm, ai có việc khó xử, lại đến nhà bà giáo xin ý kiến.
Một hôm, bà con kéo đến mách: Một bà dì ghẻ đang đánh đập con chồng dã man mà không ai dám vào can, vì dì ghẻ là vợ trẻ của ông “quan to”. Mẹ tôi lập cập chống gậy cùng bà con kéo tới ngôi nhà đang vang tiếng gào van lạy của đứa trẻ. Mẹ tôi vung gậy chỉ thẳng vào bà kia thét lớn: “Có thôi đi không? Tôi sẽ lên thẳng cơ quan cô để báo cáo”. Bà kia im bặt, không cãi một lời.
Dân xóm lại dìu mẹ tôi về nhà. Cơn giận làm bà như muốn ngất. Đấy chỉ là một chi tiết nhỏ về “tính nóng nảy khảng khái của bà giáo già”.
Mẹ tôi mất đã lâu, hôm nay đến lượt tôi già đi và câu chuyện có dịp sống lại khi tôi… viết Facebook.
Không lẽ người xưa tốt hơn chúng ta? Một bà già dám lên tiếng, thì ngay kẻ phạm lỗi cũng dễ nhận ra lẽ phải, ngưng ngay hành vi.
Chúng ta đều biết trên mạng xã hội bộc lộ bao điều về người dùng mạng. Nơi đó người ta chỉ quan tâm xem mình được đánh giá thế nào hơn là quan tâm ở sự đúng đắn của câu chuyện. Không ít người sẵn sàng phỉ báng người khác nếu họ trái ý mình. Từ “tôi không đồng ý với bạn” họ dễ chuyển thành “tao ghét mày”, “unfriend mày…”.
Nói gì thì nói, nhiều người vẫn chọn im lặng để an toàn. Và tôi lại nhớ đến mẹ tôi, một người can đảm ngay cả khi bà đau ốm, chẳng còn sức bảo vệ được mình.
Nguyễn Thị Ngọc Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cai-vung-gay-quyen-luc-cua-ba-gia-dau-om-a1477787.html” name=””]