Ngày cậu đưa mợ tôi về quê sống, ai biết chuyện cũng đồn đoán: “Để rồi coi được bao lâu. Dân trí thức, sức đâu mà làm vườn. Vài bữa lại bán đất tổ tiên rồi khăn gói trở lại thành phố thôi”.
Cậu nghe mà không nói gì. Hơn nửa đời người lăn lộn chốn thị thành, phần đời còn lại, cậu muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Ba má để lại cho mỗi người con mấy công đất vườn, dặn con ai cũng có phần – sinh sống chỗ khác thì thôi, hễ đứa nào về quê là có đất, có vườn để làm ăn sinh sống. Từ nhỏ tới lớn, cậu thoát ly quê nhà, học hành rồi kiếm việc làm, lấy vợ, sinh con ở thành phố, có bao giờ rớ tay tới cục đất đâu.
Bỏ phố về quê
Quyết định về vườn lập nghiệp khi tuổi đã xế chiều của cậu khiến mợ lo đến mất ngủ. Cậu có nghề thợ điện, ở thành phố còn mở tiệm sửa điện kiếm đồng ra đồng vô, thêm tiền lương của giáo viên về hưu như mợ cũng tạm đủ sống. Về quê, biết sống làm sao? “Em có thể ở lại thành phố với các con, mình anh về quê cũng được”. Biết mợ đắn đo, cậu mở lời trước. Trằn trọc thêm mấy đêm nữa, mợ mới trả lời: “Em theo anh”.
Để lại căn nhà cho vợ chồng thằng Út, cậu mợ chính thức về quê, sống đời nông dân. Gom hết vốn liếng dành dụm, cậu mợ nhờ vợ chồng người em và họ hàng xúm lại cất cho cái nhà cấp 4 nho nhỏ. Ổn định chuyện ăn ở, cậu mợ bắt đầu trang trí cho tổ ấm.
Lối vào nhà đầy hoa, kiểng của cậu mợ – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Từ đây mới bắt đầu có nhiều chuyện lạ. Trong khi người ta thích nhà mặt tiền để dễ mua bán trái cây thì cậu đòi cất nhà thụt lùi tuốt vô trong, chừa nguyên khoảng sân thật rộng để trồng hoa. Lý do của cậu nghe hết sức nhẹ nhàng: “Tui trồng hoa vì bà xã thích vậy”. Thôi thì đủ loại hoa. Bao quanh mảnh vườn là hàng rào hoa dâm bụt, hoa lồng đèn; cổng chính phủ giàn ti gôn sắc tím. Vô tới trong sân thì cơ man nào là các loại hoa sao nhái, móng tay, cẩm tú, mười giờ, quỳnh anh, vạn thọ…
Những loài hoa cậu chọn đa phần là hoa “nhà nghèo”, dễ trồng, dễ chăm, giản dị, quê mùa nhưng tụ lại khoe sắc vô cùng rực rỡ. Gần sát thềm nhà, cậu trồng vài loài hoa mợ đặc biệt yêu thích như hoa giấy, hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền… Cậu cũng ra sau vườn bứng mấy gốc mai lão đem trồng trước sân. “Mấy loại bả thích thì trồng xích vô gần, để bả nằm võng ngắm cho đã con mắt” – cậu rổn rảng khoe.
Hàng xóm nhìn vườn hoa của cậu rồi chê: “Bông hoa chi tốn đất mà hổng thu được đồng xu cắt bạc. Từng ấy đất, sao ông không trồng nhãn, sầu riêng, mận, ổi? Nếu làm biếng chăm sóc thì đặt mấy chục gốc chuối vô trồng, vài tháng là có tiền”. Cậu nghe vậy, cũng chỉ cười cười, không buồn nói lại.
Lãng mạn miệt vườn
Không chỉ chuyện cái sân nhà trồng hoa. Trong khi anh em, bà con xung quanh ai có dư chút tiền thì sắm máy bơm, máy cắt cỏ, bình xịt… để phục vụ cho chuyện vườn tược thì cậu lại sắm… dàn karaoke. Thật ra đó chỉ là dàn máy hát cũ, được cậu mua rẻ của người bạn rồi hì hục sửa. Ban ngày đi vườn trồng cây, nhổ cỏ, buổi tối cậu mợ ngồi hát boléro với nhau.
Hàng xóm thấy “ngứa con mắt”, vì rủ nhậu cậu không đi, chỉ ở nhà ca hát với vợ. Vậy là cậu chết danh “ông thợ điện có hiếu với vợ”. Đó là cậu đã bán cây đàn organ với cây guitar đi rồi, chứ cậu mà đem hết về đây thì người ta chắc còn thấy cậu “kỳ cục” tới cỡ nào.
Vợ giáo viên, chồng thợ điện – những nghề nghiệp được coi là không giàu có gì, ấy vậy mà ngay từ thời còn trẻ, cậu mợ đã nổi tiếng với cách sống rất nghệ sĩ. Và giờ đây, họ mang cái chất lãng mạn, nghệ sĩ ấy về tận vùng quê, khiến ai cũng mắt tròn, mắt dẹt.
Qua cầu khỉ, cậu nắm tay vợ dắt đi. Cậu kêu mợ bằng em, xưng anh ngọt xớt làm chị bán ghe hàng che miệng cười. Đang ăn đám giỗ, mợ gọi điện nói đau bụng là cậu bỏ về với mợ, dù biết sau lưng là tiếng anh em cười chọc rần rần.
Miếng vườn của cậu mợ cũng lạ hơn người ta: liếp nào liếp nấy thẳng thớm, ngay hàng, cỏ được dọn sạch và ven bờ liếp cũng… nở hoa. Cứ như quen tật, hễ xách cái dao làm cỏ xong là cậu mợ tiện tay vùi xuống nhánh hoa. Vườn ông Tư thợ điện nhờ vậy nổi tiếng khắp vùng, không phải vì năng suất cao, mà vì vườn ổng đẹp như trong phim… Hàn Quốc.
Người ta lo xịt thuốc, tưới cây thì cậu chỉ lo kéo ống nước chăm tưới cho mấy luống hoa. Cũng chính vì vậy mà năm nào bà con trong vùng trúng sầu riêng, măng cụt, thu chục triệu, trăm triệu cũng… không có phần cậu. Hoa lợi trong vườn chỉ đủ cho cậu tiền mua gạo, mắm, muối, nước tương, nước mắm, thêm ít cá đồng, tép rong của chị ghe hàng. Mọi sinh hoạt còn lại phải trông vào lương hưu của mợ. Vậy mà chưa từng nghe mợ phàn nàn câu nào.
Thấm thoát cậu về vườn đã hơn chục năm. Hàng xóm xứ này rồi cũng quen dần với tình yêu lãng mạn không giống ai của 2 người, quen với cái bóng cậu gầy gò chở theo mợ trên chiếc xe máy cũ đi giáp xứ. Hơn chục năm về quê “khởi nghiệp”, cậu mợ tôi vẫn không giàu thêm được chút nào về vật chất.
Nhưng trong đôi mắt ngày một mờ đục vì tuổi tác, tình yêu thời thanh xuân vẫn lấp lánh sáng.
Quang Huy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cau-mo-ve-vuon-a1525550.html” name=””]