Bọn trẻ tiếp xúc với thế giới sớm, trưởng thành hơn rất nhiều so với tôi thời ở tuổi nó, nhưng điều đó cũng chứa hiểm họa. Chúng hoang mang và manh động hơn, điều đó sẽ gây nên những bi kịch.
Tôi có thằng cháu, con trai cậu em. Cháu đang học lớp 10, vào giai đoạn tâm sinh lý đang thay đổi. Năm ngoái, ông cháu còn bám lấy tôi hỏi liên thiên đủ thứ, như: “Theo bác, Vương Trùng Dương với Đông Phương Bất Bại thì ai thắng?”, “Bác thích Quang Hải hay Tiến Linh?”…
Năm nay, lần nào tôi sang cũng thấy cu cậu chúi đầu ở bàn học. Trên bàn ngổn ngang sách vở. Thấy tôi, cháu chỉ quay ra chào bác rồi thôi. Bố nó sợ nó suốt ngày chúi mũi vào game rồi đọc linh tinh trên mạng, nên phải cấm hết để thằng bé tập trung học hành.
Những đứa trẻ tuổi teen thường đặt ra câu hỏi lớn lao về ý nghĩa cuộc sống (Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK) |
Một lần tôi sang, cả nhà đi vắng. Tôi gặng hỏi vài chuyện, cháu không trả lời. Tôi ra bàn, rót nước uống một mình. Đột nhiên cậu quay sang hỏi tôi:
– Theo bác, cuộc sống này có ý nghĩa gì?
Tôi giật mình. Ông cháu 15 tuổi bỗng dưng hỏi tôi về ý nghĩa cuộc sống, thế nghĩa là sao?
– Bác nghĩ, đa số người ta cứ sống thôi, có ai tự dưng đặt câu hỏi thế, trừ trường hợp bỗng dưng cuộc sống người đó có vấn đề. Cháu có vấn đề gì à?
– Cháu chẳng có vấn đề gì, cháu chỉ… chán thôi! Chán mọi thứ. Và cháu thấy sống chả có ý nghĩa gì…
Một ông nhóc 15 tuổi sao lại thấy chán mọi thứ? Thời tôi 15 tuổi không có mạng internet, không smartphone, không iPad, không máy tính… Vậy chúng tôi thua thiệt hơn bọn 15 tuổi bây giờ, thế giới chúng tôi nghèo nàn hơn hay bọn trẻ bây giờ có gì thua thiệt so với chúng tôi?
Tôi cố an ủi thằng cháu:
– Bác và rất nhiều người khác nữa, lắm lúc thấy chán mọi thứ. Nhưng cuộc sống là vậy, lúc vui lúc buồn, lúc chán, lúc không, tương tự như lúc no lúc đói thôi mà!
– Bác không hiểu… cháu nói chán mọi thứ nghĩa là… rất chán! Rõ ràng, cháu thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả… Nghĩ đến trường học, cháu chán… rồi khi nghĩ đến về nhà, cháu cũng chán…
– Chết thật! Nói rõ hơn cho bác nghe, vì sao chán nhiều thế?
– Vì ở đâu cháu cũng phải lo lắng. Đến trường thì lo liệu có làm vừa ý thầy cô không, về nhà thì lo bố mẹ có hài lòng không. Cả bố mẹ cháu và thầy cô luôn có hình mẫu để buộc cháu phải vươn tới, và dù cháu có vươn tới rồi, thì họ lại có hình mẫu khác… nên cháu thấy mệt, thấy chán.
Tôi ngây người. Rõ ràng thằng nhóc được tiếp xúc với thế giới sớm hơn tôi, trưởng thành hơn rất nhiều so với tôi thời ở tuổi nó, nhưng điều đó cũng chứa hiểm họa. Chúng hoang mang và manh động hơn, điều đó sẽ gây nên những bi kịch.
– Bình tĩnh nghe bác nói nhé. Cháu nghĩ xem, loài bò chúng sống rất thanh thản, lúc nào cũng ve vẩy đuôi, và chỉ cần bó cỏ là vừa nhai vừa ngủ. Con mèoLulu nhà cháu cũng vậy. Ý bác muốn nói rằng, chỉ có loài vật là không cần cố gắng, còn con người thì cần phải cố gắng. Bởi vậy, bố mẹ, thầy cô giáo luôn mong đợi các cháu phải cố gắng là đúng. Sau này khi cháu trưởng thành hơn, bước vào cuộc sống, cháu sẽ hiểu điều đó. Bố mẹ và thầy cô cũng luôn cố gắng trong công việc của họ. Tuy nhiên, cũng như việc ăn no phải có cả lúc đói, hay lúc này buồn thì lúc khác sẽ vui. Chẳng có việc gì trên đời mãi mãi phải như vậy, lúc nào cũng phải như vậy. Các cháu cần phải cố gắng, nhưng có lúc… không cố gắng cũng không sao!
– Nhưng cháu đã cố gắng hết sức rồi! – thằng cháu tức tối – mà vẫn không thể bằng thằng Tuấn… Thầy cô, bố mẹ lôi nó ra làm gương rồi bắt cháu phải giỏi như thằng Tuấn. Cháu có cảm giác các thầy cô chỉ muốn có học sinh như Tuấn, còn bố mẹ cháu chỉ muốn có con như thằng Tuấn. Cháu là người vô ích.
Bọn trẻ ngày nay tiếp cận với thế giới rất sớm, thế nhưng tâm lý chúng cũng hoang mang hơn, ẩn chứa những bi kịch (Ảnh minh họa) |
Những ông mãnh lứa 15, 16 tuổi có cái tôi to như núi, niềm kiêu hãnh ngút trời. Điều này hợp lẽ tự nhiên. Quá trình phát triển nhân cách chính là từ khi chưa có cái tôi, rồi cái tôi phát triển to tướng, rồi sau lại bé dần cho đến khi về già, cái tôi lại là cái tôi trẻ thơ… Mà, với những cái tôi to tướng, người lớn nên thận trọng.
– Đoạn này cháu cũng… y như bác mà thôi! Đến cơ quan, bác cũng nơm nớp lo không làm tốt công việc. Về nhà thì… sợ vợ, sợ mọi người không hiểu được nhau. Sau này lớn lên cháu sẽ hiểu. Cháu thoát nỗi sợ này rồi sẽ lại có nỗi sợ khác.
– Vậy… cuộc đời chỉ toàn là nỗi sợ thôi hả bác?
– Không! Cuộc đời còn niềm vui nữa, và cháu biết niềm vui của bác ở đâu ra không? Lại chính ở cơ quan và trong gia đình. Chẳng nhẽ cháu chưa bao giờ cảm thấy rất vui khi đến trường với bạn bè, với việc học hành sao? Có lúc cháu cũng mong được về nhà để được mẹ nấu món ăn ngon, nghe bố nói chuyện bóng đá. Nguyên lý là, cái gì làm ta buồn ta chán thì chính cái đó lại làm ta vui, thậm chí làm ta hạnh phúc.
– Nhưng càng ngày cháu càng thấy, chẳng vui gì cả. Đến trường căng thẳng, về nhà cũng vậy.
– Khi nãy cháu hỏi, cuộc sống có ý nghĩa gì không? Bác trả lời đây, cuộc sống nếu tự bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Cứ tưởng tượng, thế giới trước khi có con người, chỉ là một chuỗi các quá trình sinh tồn kết hợp với nhau mà thôi! Nhưng khi thế giới có con người, nó bắt đầu có ý nghĩa. Chính tinh thần của chúng ta đã tạo ra ý nghĩa cho thế giới. Mỗi con người sẽ tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình.
– Nhưng cháu… làm thế nào để thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình?
– Bác không thể chỉ cho cháu cách cháu yêu ai, yêu thế nào, thì bác cũng không thể chỉ cho cháu việc tìm ý nghĩa cuộc sống. Cháu sẽ tự tìm, chắc chắn cháu sẽ tìm ra. Hãy dùng phương tiện mà chỉ duy nhất con người có, chính là ngôn ngữ. Con người cần hiểu nhau, cần có sự hợp tác với nhau. Cháu nói chuyện với bác khiến bác cháu mình hiểu nhau, và bác cháu mình cùng vui. Vậy cháu hãy nói như vậy với bố mẹ cháu. Cháu tạo cơ hội cho họ hiểu cháu. Chỉ có hiểu nhau mới có thể sống chung, có thể cùng nhau làm ra niềm vui và hạnh phúc.
– Nếu cháu nói, bố mẹ cháu sẽ không nghe!
– Họ sẽ phải nghe! Bác sẽ nói chuyện với họ để họ học cách lắng nghe con mình. Quan trọng là hãy dùng ngôn ngữ, hãy nói ra…
Thằng bé gật gù. Có vẻ như tôi ít nhiều giải tỏa được những nỗi buồn và bức xúc trong tâm hồn của nó, nhưng tôi không chắc mình đã làm được tất cả.
Viết ra điều này, tôi rất mong những bậc phụ huynh hãy nghe con mình nói!
Biên kịch ĐỖ TRÍ HÙNG
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cho-con-diem-tua-tro-chuyen-voi-tuoi-15-ve-y-nghia-cuoc-song-a1461829.html” name=””]