( Yeni ) – Không phải ai cũng biết cách kiểm tra cua nhiều gạch, cua nhiều thịt, hay bị óp bởi nhìn bên ngoài rất khó phát hiện ra. Tuy nhiên, người sành sỏi khi mua cua sẽ có mẹo để lựa chọn, cứ chọn con nào là “trúng” con đó.
Cách lựa cua ngon bằng đèn pin
– Đối với cua đực: Cách chọn con có nhiều thịt
Chúng ta dùng đèn pin điện thoại chiếu từ dưới lên phần gai của con cua. Nếu các phần gai có màu đen, tức đó là con cua ngon, nhiều thịt, nhiều gạch và chất lượng. Nếu phần gai không có màu đen, rỗng, chỉ có màu của vỏ thì đó là cua dở, không nên mua. Soi đèn vào cua đực sẽ thấy bên trong vỏ rất rỗng.
– Đối với cua cái: Cách chọn con có nhiều gạch
Ta chiếu đèn từ dưới lên ở phần thân cua. Nếu phần thân có màu đen, không thấy rỗng tức đó là con cua ngon, nhiều thịt và gạch, không bị ốp. Nếu chiếu lên thấy phần thân cua không có màu đen mà rỗng nhìn thấu được tức là bên trong thịt và gạch ít, chỉ có vỏ thì đó là con cua kém chất lượng, không ngon.
Tại Việt Nam, cua gạch son là loại cua biển đắt giá nhất của vùng đất ngập mặn Cà Mau. Ngư dân sau khi đánh bắt cũng thường dùng đèn để phân loại cua gạch, trong đó loại 1 sẽ được thu mua với giá cao nhất. Còn cua cái, ngập trứng thì ánh đèn không thể rọi vào bên trong
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn mua cua theo mẹo sau. Cua gạch son loại 1 sẽ có phần mai màu đỏ hồng đặc trưng, tỷ lệ gạch phải chiếm trên 95% trong thân và hai bên mai. Nếu con cua nào cầm lên nặng trịch, có màu đỏ sậm hơn ở phần mai thì nhiều gạch hơn.
Cách bảo quản cua biển tươi sống
– Cho cua biển vào một cái thùng, trút vào một ít bèo tây ngâm với ít nước muối loãng rồi đặt cua ở nơi thoáng mát, tránh muỗi. Nắp thùng bạn nên hé một chút để có không khí lọt vào và nhớ chặn cái gì đó nặng lên trên để cua không bò ra ngoài được. Cách làm này sẽ giúp cua sống được trong vài ngày.
– Ngoài ra, bạn cũng có thể để cua vào một cái thau hay chậu, sau đó cho một ít nước (tốt nhất là nước giếng) có pha nước muối vào ngâm cua khoảng 10 phút rồi lấy hết nước ra và để nguyên như vậy, các bạn nhớ chặn miệng thau lại nếu không cua sẽ bò mất.
Cách bảo quản cua biển đông lạnh
– Xếp cua vào hộp có chứa đá lạnh rồi đưa cua vào tủ lạnh. Bạn lưu ý nên đặt cua lên một chiếc khay trước khi xếp cua vào hộp vì nếu tiếp xúc trực tiếp với đá, cua sẽ bị chết cóng.
– Ngoài ra, bạn có thể hấp hoặc luộc cua trước rồi cho vào ngăn đông của tủ lạnh, khi nào muốn dùng thì đem ra hâm nóng lại và thưởng thức thôi.
Lưu ý:
– Cua vừa làm xong còn nóng, bạn bóc yếm, mai, mang, bao tử ở gần đầu (nhớ giữ lại nước trong mai cua vì nước này rất bổ và ngon), gỡ gạch, mai của cua từ từ phần trên đầu xuống dưới rất dễ vì có màng gạch, bóc nhẹ là gạch sẽ ra hết, lấy chân ra bẻ phần khớp to, bẻ phần khớp dưới nhỏ hơn, kéo từ từ thịt cua sẽ ra hết.
– Sau khi ăn, rửa tay bằng nước lá sả hoặc nước chè xanh, thêm mấy lát chanh thì sạch hết mùi tanh.
– Không nên mua cua vào khoảng ngày rằm (15 âm lịch) vì đây là thời điểm cua lột vỏ, nhịn ăn nên dễ bị ốp (ít thịt).
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/dan-bien-tiet-lo-dung-den-soi-diem-nay-biet-cua-ngon-hay-do-nguoi-sanh-an-ap-dung-ngay-khoi-lo-bi-lua.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/dan-bien-tiet-lo-dung-den-soi-diem-nay-biet-cua-ngon-hay-do-nguoi-sanh-an-ap-dung-ngay-khoi-lo-bi-lua-d320992.html” name=”Khoevadep”]