Những lễ nghi này anh chị đã trải qua, đôi bạn trẻ sẽ bước vào cuộc sống lứa đôi có thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Đời sống hôn nhân chỉ mới bắt đầu.
Ảnh mang tính minh họa |
Lâu lắm rồi anh không dự đám cưới. Ở tuổi 45 của anh bây giờ ít còn dịp đi đám cưới nào thân thuộc, ngoại trừ một vài cặp ở cơ quan. Bạn bè chẳng còn ai chưa lập gia đình, phải hơn 15 năm nữa mới “rộ”, lúc đó là đám cưới con cái của bạn bè, anh sẽ được ở vai trò “trưởng bối”.
Nhưng hôm nay, đặc biệt một chút và có lẽ cũng hơi quan trọng đối với anh. Chỉ mới lễ hỏi nhưng vợ chồng anh trong vai “khá lớn” được mời đại diện họ nhà gái, bởi cô dâu là con đỡ đầu của vợ anh.
Cặp này tìm hiểu nhau khá lâu, chú rể 38 và cô dâu 33. Chú rể theo đạo Thiên Chúa. Năm vợ anh sinh con thứ hai, chú rể nhờ vợ anh làm mẹ đỡ đầu cho cô dâu vào đạo. Họ học giáo lý hôn nhân từ dạo ấy, đi đâu cũng có cặp có đôi, thế nhưng chờ hoài chẳng thấy thiệp mời. Mãi bây giờ, khi thằng con thứ hai của anh vào lớp Một họ mới quyết định cưới nhau.
Vì được coi như là người thân trong nhà, nên hôm đến mời, chú rể và cô dâu nhiệt tình mời vợ chồng anh và cả hai cháu nhỏ đi cùng, ý là nhờ gia đình đẹp đôi, hạnh phúc, có nếp, có tẻ… cho hên. Thế là, không chỉ người lớn hăng hái mà 2 đứa con nít cũng hớn hở. Chúng được mặc quần áo đẹp, được đi cùng người lớn, được ăn tiệc…
Khi nhà trai đến nhà gái, con nít bị lùa ra phía sau. Anh chị đứng bên hàng nhà gái để chuẩn bị nhận quả của nhà trai. Toàn các bậc lão thành, vợ chồng anh trẻ nhất.
Sính lễ trong đám hỏi (ảnh mang tính minh họa) |
Một người đại diện đàng trai đứng ra xin lễ hỏi, đại để phát biểu cha mẹ nuôi con khôn lớn, thương yêu, dạy dỗ con nên người. Đến một ngày có người thương con mình. Đôi bạn trẻ tìm hiểu nhau đã kỹ và quyết định tiến đến hôn nhân. Nhiệm vụ làm cha mẹ phải lo cho các con thành vợ chồng, tiếp sức mạnh cho các con bước vào cuộc sống lứa đôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các con xây dựng tổ ấm mới, một gia đình nhỏ bé riêng, hạnh phúc đến trọn đời…
Anh chợt nhớ đến đám cưới của anh và chị ngày xưa. 15 năm đã qua, biết bao gian khó, nhọc nhằn. Từ 2 bàn tay trắng, căn phòng nhỏ trong khu tập thể chỉ có chiếc giường và cái kệ sách. Con gái rồi con trai ra đời, giờ đây nên nhà nên cửa, đầy đủ tiện nghi cho một gia đình. Anh nghĩ đến sự vất vả, tảo tần của chị và hoàn toàn không hiểu được làm thế nào mà bao nhiêu năm nay, mỗi tháng anh đưa về cho chị, với 1 đứa con cũng từng ấy, 2 con cũng bấy nhiêu… lại có được cơ ngơi bây giờ. Tuy không là gì lắm so với người ta, nhưng cũng tạm gọi nơi chốn đi về đàng hoàng.
Bất giác, anh đưa tay tìm bàn tay chị. Không phải bàn tay trắng trẻo, mịn màng ngày nào anh rụt rè nắm lấy, kéo chị vào lòng, hôn lên môi chị nụ hôn đầu đời. Bàn tay bây giờ đầy những đường gân xanh nổi lên, có những cục chai nho nhỏ, da tay khô ráp…
Anh nghĩ đến 15 nữa, anh và chị cũng sẽ làm trọn vai trò của mình đối với con cái. Vì tương lai của các con, anh chị phải có nhiệm vụ giữ gìn và chăm sóc tổ ấm nhỏ bé này. Anh chợt thấy yêu chị nhiều lắm và len lỏi trong lòng chút hối hận, bởi không ít lần anh vô tư, vui vẻ, sa đà với bạn bè và gây cho chị những nỗi buồn chỉ đọc được trên đôi mắt.
Đôi trẻ trao nhẫn cho nhau. Anh bóp chặt tay chị, tin tưởng và thương yêu. Những lễ nghi này anh chị đã trải qua, đôi bạn trẻ sẽ bước vào cuộc sống lứa đôi có thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Cuộc sống hôn nhân chỉ mới bắt đầu. Họ đang đi trên con đường anh chị đã đi. Hạnh phúc, niềm vui, nỗi buồn, từ những chuyện vụn vặt đến những kế hoạch dài lâu… đều phải có sự cố gắng của cả hai người.
Anh biết, con đường đi của anh và chị vẫn dài lắm. Có dịp trong vai trò làm chứng cho hạnh phúc của người khác như hôm nay, là một cách nhìn lại đoạn đường đã qua và cũng để tự nhủ: Cố gắng giữ gìn mọi thứ trọn vẹn trên con đường phía trước là một thử thách rất lớn!
Kim Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/di-dam-hoi-nguoi-ta-a1512819.html” name=””]