10 tuổi, tôi đã quen với hành trình gió bụi, dừng chân ở những nơi xa lạ, ăn hàng quán, ngủ gà gật trên chuyến xe đêm. Tuổi thơ tôi trải dài theo những chuyến xe ấy.
Là con tài xế, thuở nhỏ tôi thường được đi nhiều nơi. Ba tôi lái xe cho một xí nghiệp nông lâm, thường đi các tỉnh chở hàng và hay dẫn tôi theo, mong tôi được trải nghiệm cuộc sống bên ngoài.
Hầu như mọi chuyến đi dài ngày (nếu rơi vào những ngày hè), ba đều cho tôi hoặc chị đi cùng. 10 tuổi, tôi đã quen với hành trình gió bụi, dừng chân ở những nơi xa lạ, ăn hàng quán, ngủ gà gật trên chuyến xe đêm. Tuổi thơ tôi trải dài theo những chuyến xe ấy, lưu giữ những vùng đất đẹp như cổ tích trong mắt trẻ con.
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Ba đi nhiều tỉnh nhưng hay ghé nhất là Long Hải – nơi có nhà nghỉ mát của xí nghiệp, ba thường ra chở hàng, phía sau là làng chài, chỉ nhộn nhịp vào sáng sớm, còn lại khá yên tĩnh nên cảm giác như nhà có bãi biển riêng. Mỗi khi ở đó, tôi sẽ dậy thật sớm, lặng yên mở cửa đi ra biển, chân trần chạm vào cát mát lạnh, nghe mùi biển ngập tràn trong gió.
Tôi luôn nhớ thương cái mùi mặn mà giữa làng chài ấy, lẫn tiếng xôn xao của thuyền về, mớ cá tôm nhảy xoi xói khi gỡ lưới. Tôi thích xem gỡ lưới, thỉnh thoảng thấy vỏ sò, ốc đẹp hay sao biển cũng nhặt về, đem phơi nắng rồi thả vào chiếc hộp đựng đủ thứ linh tinh vụn vặt. Tôi giờ cũng không biết cái hộp biển ấy ở đâu, vài lần chuyển nhà đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng dù sao đó cũng là ký ức đẹp của tuổi thơ, nhớ đến là lại thấy êm đềm.
Theo ba, nên từ nhỏ tôi đã biết Châu Đốc xưa có nhiều làng bè, ba hay vào chở cá. Trong ấn tượng ngày ấy thì những nhà xây bè đều giàu, lúc nào vào đó tôi cũng được ăn ngon. Tôi từng được băng qua chiếc cầu phao ở Hà Tiên mà nay đã không còn, cảm giác từng bước chân chao đảo theo nhịp sóng rất thú vị. Ở đó, tôi cũng kịp ngắm hòn Phụ Tử sừng sững giữa biển khơi. Sau này hòn Phụ đã gãy xuống, du khách đến đây chỉ còn được ngắm hòn Tử.
Kiên Giang trong mắt tôi như vùng đất đi hoài không hết. Rạch Giá, Hòn Đất, Hà Tiên, nơi nào cũng thấy biển. Đường thuở ấy vắng lắm, mỗi khi thấy cảnh đẹp tôi đều đòi xuống dạo chơi. Nếu hành trình không gấp, ba sẽ dừng xe rồi chờ tôi đi loanh quanh. Ba tôi không kiên nhẫn dạy con học nhưng với việc dẫn đi chơi thì rất chịu khó, chờ đợi bao lâu cũng được.
Miền Tây vốn là vùng sông nước, qua sông bằng phà là chủ yếu. Những cây cầu lịch sử: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Vàm Cống… đều được xây sau này. Tôi lúc nhỏ toàn đi phà. Nhớ nhất là những chuyến phà khuya, trong yên tĩnh của đêm vẫn nghe nhịp sống sôi động từ những người mưu sinh quanh đó. Có khi 2 cha con chờ phà rất lâu, tôi đi dạo chán chê rồi ngủ gà gật trong cabin, giật mình tỉnh giấc vẫn thấy xe còn đứng yên, ba thì ngồi uống cà phê gần đó.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Quanh phà bán đủ thứ đồ ăn. Hàng rong ngày xưa rất chất lượng, chả thơm, bánh lá gói chắc tay, bánh mì đầy ắp thịt. Nem chua không cần phải đến tận Lai Vung, mua đại một xâu từ bất kỳ người bán rong nào cũng ngon, dai giòn, độ chua ngọt vừa đủ. Tôi mê nhất là món bánh phồng nếp nướng lên, rưới mạch nha rồi rắc dừa bào, hương vị đó chắc chắn bây giờ không tìm được, vì sẽ không còn cái bánh quết tay, lon kẹo cũng đầy đường chứ không thơm mùi lúa nếp như trước.
Lớn lên, được đi đây đó công tác hay đi chơi với bạn bè, tôi cũng hay trở lại những địa danh cũ. Kỷ niệm xưa lại ùa về, những câu chuyện “hồi nhỏ đi với ba” lại kín tâm trí tôi. Ba không dạy tôi viết chữ, làm toán… nhưng dạy tôi rất nhiều bài học về tình yêu đối với thiên nhiên, con người qua những nơi tôi đến.
Nguyên Minh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/doc-duong-gio-bui-voi-ba-a1489686.html” name=””]