Chê bai, miệt thị ngoại hình luôn khác xa với việc góp ý chân thành. Chúng khác nhau ở thái độ thể hiện, từ ngữ được sử dụng, biểu cảm trên gương mặt, động tác… Không thể lẫn lộn, đánh đồng.
Chê bai vẻ ngoài của người khác vốn dĩ là việc không nên làm, mà chê với thái độ giễu cợt hay miệt thị (tiếng Anh là body shaming) càng là việc cần tránh. Nhưng đa phần, người ta chỉ phẫn nộ, đứng về phía người bị miệt thị, bị tổn thương hoặc bênh vực họ chứ không mấy khi thẳng thắn với người buông lời miệt thị, rằng chính bạn mới thực sự xấu xí và đáng thương. Nói như các bà nội trợ Hàn Quốc thì có bao nhiêu cái duyên, chắc bạn đã bỏ hết vào cải thảo để muối kim chi mất rồi!
Ảnh minh họa – Shutterstock |
Chê bai người khác thì được gì?
Có lần, trong thang máy, một bác trung niên nói với cô gái rất cao: “Cao như này làm sao mà lấy được chồng hả cháu?”. Trước khi bước ra khỏi thang, cô gái cười nửa miệng: “Vâng, lấy ai thì cũng không phải con cháu nhà chú!”. Dù luôn đánh giá cao sự lễ phép với người lớn tuổi nhưng trong trường hợp này, cả tôi và 100% số người trong thang chắc cũng đều lặng lẽ ủng hộ cô gái đáo để. Không ai trách cô tại sao không lễ phép hơn bởi vì với thế hệ Z, phản ứng khi bị miệt thị ngoại hình như vậy là điều dễ hiểu.
Một nữ sinh viên chia sẻ trên chương trình truyền hình, kể về những tổn thương và nước mắt thời thơ ấu mỗi khi đến trường vì làn da ngăm đen hơn các bạn. Những lời giễu cợt kiểu như “Nếu đến châu Phi, mày sẽ trắng nhất đấy” hoặc “Tắt đèn thì chắc không ai thấy mày đâu” hằng ngày dội đến, khiến cô nhiều lần khóc.
Khi đó, chỉ những người thân của cô cảm thấy bất bình nhưng giờ đây, những người được giáo dục kỹ lưỡng và có ý thức phản đối miệt thị ngoại hình sẽ không ai đánh giá cao sự hài hước này, thậm chí chỉ thấy nó đẫm màu tàn nhẫn, không hề có chút thông minh, duyên dáng.
Khi quyền trẻ em, quyền con người được chú ý, mọi người đều thấy miệt thị bề ngoài có thể gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của người bị miệt thị. Tuy nhiên, trong thực tế, chính người miệt thị người khác sẽ nhận sự phẫn nộ, không có hình ảnh tốt trong mắt mọi người. Lội ngược dòng thông tin trên mạng, ta sẽ gặp lại khủng hoảng truyền thông đã khiến một anh “cá mập” trong chương trình Shark Tank bị người xem phản ứng gay gắt khi anh bỡn cợt nhận xét về ngoại hình của một bạn nữ tham gia gọi vốn ngay trên sóng.
Không chỉ chê bai dáng vóc, bình phẩm về cân nặng, chiều cao, màu da… hay giễu cợt một kiểu tóc mới, trang phục lạ mắt, cách trang điểm của người khác mà bạn không ưa… đều bị xem là miệt thị ngoại hình, khiến người nghe thấy, trông thấy bất bình và đánh giá thấp người có phát ngôn miệt thị.
Chưa kể, điểm bất lợi của người khác theo quan điểm chuẩn của cá nhân bạn có khi lại là lợi thế và ưu điểm của họ. Bạn thêm một điểm trừ vì thiếu góc nhìn đa chiều và thiếu cập nhật.
Bạn không thấy da nâu đẹp nhưng nó vẫn là “trend” (xu hướng) và người da trắng thích nó. Bạn coi thường người thấp bé nhưng các cô gái mi nhon luôn là nàng thơ của nhiều người…
Thế nên đừng miệt thị ai, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù họ là ai và chúng ta là ai, là để bảo vệ hình ảnh của chính mình, để giữ sự tôn trọng của mọi người dành cho bản thân chúng ta và để không ai nghĩ thầm “Sao đã vừa thiển cận bảo thủ lại vừa vô duyên đến thế!”. Chê bai người khác, ta chỉ mất chứ không hề được gì. Nói vui nhưng đúng là chê người khác không hề làm ta sang hơn mà ngược lại.
Không ai hỏi thì đừng tự cho mình quyền “góp ý” và đặt tên!
“Con có hỏi ý kiến mẹ đâu” – là câu đáp lại của cậu trai thế hệ Z với mẹ khi bà nhận xét rằng mái tóc nhuộm đỏ của con trông thật dị hợm, thêm trời nóng mà cứ sùm sụp mũ, áo hoodie trông phát ngốt.
“Tôi giận cả tuần lễ, thậm chí uất ức không ngủ được mấy đêm liền. Sau đó, tôi bỏ thời gian nghiên cứu rất nhiều sách, tham gia các diễn đàn về tâm lý dành cho cha mẹ và con, để hiểu và chấp nhận sự thật rằng người văn minh tránh nhận xét về vẻ ngoài của người khác, dù đó là con mình. Bất kể ai, điều gì, thậm chí với một món quà dễ thương bạn nghĩ rằng rất tốt cho người khác và cố gắng mang tặng, cũng nên cho họ quyền được nhận hay từ chối. Quà tốt còn thế, huống chi những góp ý không thuận tai, rằng tóc tai mặt mũi trang điểm áo quần như thế này thế kia là không hợp mắt. Người được góp ý hoàn toàn có quyền khó chịu và phản ứng. Nếu họ không nhờ thì đừng khoác cái áo “góp ý chân thành” để làm người khác khó chịu” – người mẹ ấy chia sẻ.
C.A.S. – một luật sư thường kiêm luôn chuyên gia tư vấn tâm lý cho bạn bè thân thiết – nhận xét rằng những lời chê bai lỗ mãng, vô tâm chế giễu làm giảm giá trị của người khác, đề cập trực tiếp đến những điểm bất lợi trên cơ thể, trang phục… luôn luôn là việc không nên làm, không cần phân biệt ranh giới giữa góp ý và miệt thị.
Chê bai, miệt thị ngoại hình luôn khác xa với việc góp ý chân thành. Chúng khác nhau ở thái độ thể hiện, từ ngữ được sử dụng, biểu cảm trên gương mặt, động tác… Không thể lẫn lộn, đánh đồng.
Chị cũng nhấn mạnh việc nhiều người thản nhiên so sánh người này với người nọ, nhận xét thoải mái rằng người này không đẹp bằng, không hấp dẫn bằng người kia… Đó cũng là một dạng miệt thị bề ngoài rất thiếu tế nhị. Chị kể: “Hồi nhỏ, tôi bị gọi là S. Sứt vì tật hở hàm ếch. Sau khi được phẫu thuật, cái tên ấy vẫn nằm trong ký ức của những người ở khu phố.
Họ không hề biết việc sử dụng biệt danh xúc phạm đã trực tiếp xoáy vào nỗi đau bị dị tật bẩm sinh của một đứa trẻ. Thật quá sức nhẫn tâm! Nhưng hồi đó ai đặt biệt danh này chắc cũng chỉ thấy ngộ nghĩnh, không nghĩ ngợi gì sâu xa, cũng tương tự Tùng Béo, Lâm Còi… hay có bạn bị gọi là Quang Xẩm vì bạn cận thị, có lần mất kính phải mò mãi mới tìm được tập bút. Thói quen và cách hành xử thiếu nhân văn này luôn được bao biện là đùa vui thôi, đâu có ý gì.
Nói xã hội ngày càng văn minh hơn nên phản đối miệt thị ngoại hình cũng không sai nhưng nói cho đúng thì việc tự tiện góp ý không tế nhị hoặc đặt gọi người khác bằng biệt danh kèm dị tật, đặc điểm nhận dạng xấu của họ chưa bao giờ là đúng. Nếu ở mức độ nặng nề, người bị tổn thương có thể nhờ pháp luật can thiệp. Không ai hỏi thì đừng tự cho mình quyền nhận xét góp ý và “đặt tên” cho người khác. Cha mẹ họ còn được giới hạn quyền này khi trẻ đã lớn, huống chi người ngoài.
Ảnh minh họa |
Thẳng thắn nhắc nhở trực tiếp, tại sao không?
Quay lại trường hợp cô gái có chiều cao vượt trội trong thang máy, nếu cô ấy lễ phép đáp trả: “Nếu chú thấy phiền về chiều cao của cháu thì cũng nên giữ trong lòng, nói ra như vậy là miệt thị ngoại hình, không được phép đâu ạ” thì chắc ông chú kia sẽ có một trải nghiệm ấn tượng hơn nữa. Nhưng, nói ra thẳng thắn như cô ấy cũng là giải pháp tốt hơn so với im lặng cho qua.
Lời khuyên dành cho các nạn nhân bị miệt thị ngoại hình: hãy tự tin và yêu cơ thể được cha mẹ sinh ra. Không ai có quyền chế giễu, xúc phạm nhưng kèm theo đó, hãy tập cho con nhắc nhở thẳng thắn người miệt thị, để lần sau họ không lặp lại lỗi này với người khác.
Mập đẹp, ốm dễ thương, cao sang, lùn quý phái… – ai cũng có toàn quyền với cơ thể mình. Bạn thấy họ đẹp hay xấu cứ toàn quyền nghĩ trong đầu thôi thì được…
Lê Lan Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dung-noi-toi-khong-co-y-gi-a1527725.html” name=””]