Bệnh lười của chồng cô tưởng không thể chữa, thế mà “thuốc trị” lại xuất hiện bất ngờ…
Năm Trang tốt nghiệp đại học sư phạm, đi làm công ty đầu tiên, cô phải đi làm thêm để nuôi cậu người yêu đang học năm cuối trường xây dựng.
Nay họ đã có 2 con, Trang đã nhảy việc qua công ty thứ năm, chồng Trang vẫn ậm ạch là nhân viên kỹ thuật ở công ty thứ nhất với mức lương hơn lúc ra trường chừng 3 triệu đồng; cũng có nghĩa Trang đang nuôi ông chồng lương ba cọc ba đồng, tất nhiên là nuôi cả hai đứa con tuổi ăn tuổi học và thanh toán mọi hóa đơn chi tiêu trong nhà.
Chồng lười biếng ỉ lại thì phải vợ vất vả cáng đáng (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Drazen Zigic) |
Năm xưa, chúng tôi hay hỏi Trang tại sao không chia tay cậu trai lười biếng, kém năng động, lại hay giận hờn, hở chút là nói lời cay nghiệt trong khi cô cũng khá xinh, có nhiều mối tốt hơn, nếu gắn bó dài lâu có thể nhàn thân.
Năm nay Trang 40 tuổi, chúng tôi tiếp tục hỏi Trang, phía sau vẻ mặt luôn tươi cười kia, cô có nỗi niềm nào không; chứ chồng lười và kém thế kia chắc chắn sẽ rất buồn, rất mệt và tất nhiên là rất… chán. Trang hầu như không trả lời được những câu hỏi dạng này.
Với bạn sơ giao, cô sẽ đánh trống lảng qua chuyện khác. Nếu bạn thân hỏi, cô sẽ buông tiếng thở dài: “Có lẽ số mình nó thế. Luôn phải gánh vác, nín nhịn”.
“Số nó thế” là câu né tránh nhanh nhất, cho mọi chuyện bất như ý. Người bạn cùng lớp giải thích do thời sinh viên Trang vội vã theo con tim, nên nhận lời yêu trước khi cân nhắc, chọn lựa. Có người lại bảo do Trang thích trai đẹp nên “chịu vía” anh chồng bóng mượt, sạch sẽ, đành chấp nhận ở “kèo dưới” mà chăm lo cho chồng như lo cho một đứa con.
Dù nuôi cả nhà, lúc nào Trang cũng bị chồng lấn lướt, áp chế. Ra ngoài cô cũng là trưởng phòng một công ty nước ngoài, tiếng Anh, tiếng Hàn giỏi, giao dịch những hợp đồng khó nhằn, được sếp tin tưởng, đồng nghiệp yêu quý. Vậy nhưng chồng Trang thường chê bai gu ăn mặc của vợ, móc máy vợ chuyện nuôi con kém cỏi vì 2 cậu con trai gầy nhẳng.
Trước mặt cha mẹ vợ, anh chê cô dở việc nhà, không biết dậy sớm nấu bữa sáng cho con ăn. Có lần Trang bực dọc hét lên trước mặt ông bà ngoại: “Mỗi người chỉ giỏi một chuyện thôi. Tôi không thể nấu đồ ăn sáng, nhưng tôi luôn nộp học phí đủ cho con”.
Thế là chiến tranh lạnh diễn ra mấy tuần trời. Chồng Trang giận vợ hỗn hào, coi thường chồng, sỉ nhục anh trước nhà ngoại. Tới khi Trang không chịu nổi không khí căng thẳng và xuống nước làm lành, anh ta mới chịu về nhà ăn tối, thay cho việc cứ chiều là đi nhậu.
Bàn về cuộc hôn nhân của Trang, chúng tôi hay nhắc câu “thế gian được vợ hỏng chồng”. Nhưng nhìn xung quanh, dường như câu này cũng đã “chốt” chuyện hôn nhân của nhiều nhà: đàn bà thời nay giỏi giang quá, đồng thời cũng gánh vác vất vả quá, những nhà “được vợ” sao đông quá, mà nhà “được chồng” tìm mỏi mắt mới ra.
Năm nay, gặp Trang, cô bảo cô đang thất nghiệp vì công ty đã dời sang một nước khác. Trang chưa tìm được việc mới, chỉ tập trung chăm sóc sức khỏe của chồng con. Nhưng cô lại không tỏ ra lo lắng. Thì ra, chồng Trang bỗng trở nên năng động, bớt lười, kiếm việc làm thêm vào buổi tối.
Khi vợ ngừng ôm đồm, cũng là lúc chồng hết bệnh lười (ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Jcomp) |
Giờ thì Trang nhận ra, gia đình cô “được cả vợ lẫn chồng”, chỉ vì trước đây, cô đã tự nguyện ôm đồm hết mọi việc.
Thảo Ca
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/duoc-ca-vo-lan-chong-a1484802.html” name=””]