“Lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con” hay “ế là xu thế” đang là “châm ngôn sống” của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Z. Đa phần, giới trẻ tạm gác chuyện yêu đương để ưu tiên cho giá trị bản thân hay đơn giản là không muốn từ bỏ cuộc chơi quá sớm.
Bạn Xuân Mai vui vẻ với cuộc sống độc thân không ràng buộc và tình yêu thể thao của mình – Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Độc thân không phải ế, mà chờ người tinh tế để yêu thương”
Gần 20 tuổi – lứa tuổi đẹp nhất của đời con gái – bạn Lương Thị Như Quyên, ngụ quận 12, TPHCM vẫn chưa yêu ai. Thời trung học, bạn quyết tâm không vướng vào những mối tình “gà bông”, để tập trung thi vào ngôi trường đại học mơ ước. Đến khi vào đại học, bạn vẫn cảm thấy mình còn ở độ tuổi “ăn chơi chưa đã” nên cũng không bận tâm chuyện yêu đương.
Quyên chia sẻ quan điểm: “Tôi thấy nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đến tuổi U50 mới lấy chồng và vẫn hạnh phúc nên mình cứ thoải mái thôi. Với lại, tính tôi cầu toàn, còn phải chọn lựa cho kỹ, không việc gì phải lo. Không có người yêu không phải ế, mà đang chờ người tinh tế để yêu thôi”.
Giống như Quyên, bạn Phan Ngọc Ánh, hiện đang công tác tại một trường đại học tư thục khá nổi tiếng ở TPHCM còn quyết liệt hơn khi hoạch định kế hoạch cuộc đời ở tuổi 22: “Hiện tôi đang săn học bổng du học. Nếu học thêm thạc sĩ, rồi tiến sĩ ở nước ngoài thì mất tầm 6 năm nữa. Chờ ra trường, ổn định công việc xong chắc cũng ngoài 30 tuổi. Lúc đó, nếu gặp người xứng đáng và phù hợp mới tính chuyện yêu. Còn từ yêu đến cưới lại là một câu chuyện khác nữa. Thời đại bây giờ, phụ nữ hoàn toàn có thể lựa chọn độc thân, thành đạt, độc lập tài chính và tận hưởng cuộc sống. Nhiều bạn bè trong nhóm của tôi còn lên cả kế hoạch về già vào nhà dưỡng lão cao cấp để ở vì tin rằng tầm 50 năm nữa thì khái niệm sống trong nhà dưỡng lão sẽ rất bình thường ở Việt Nam”.
25 tuổi, bạn Phan Thị Thùy Trang – ở quận 7, TPHCM – quyết tâm theo đuổi sự nghiệp. Trước đây, Thùy Trang cũng từng thử yêu, nhưng trải nghiệm yêu đương không vui vẻ nên bạn quyết định học cách yêu thương bản thân, chăm lo cho sự nghiệp. Đến hiện tại, khái niệm tiến tới hôn nhân với một chàng trai vẫn chưa xuất hiện trong đầu bạn. “Xung quanh tôi có rất nhiều người độc thân mà vẫn vui vẻ, yêu đời. Chẳng có lý do gì tôi lại không thử cuộc sống như vậy” – Trang mạnh dạn chia sẻ tuyên ngôn sống của mình.
Năm nay 24 tuổi – độ tuổi đẹp để yêu đương, kết hôn, sinh con – nhưng bạn Xuân Mai – ngụ quận Tân Bình, TPHCM – lại mê bộ môn đạp xe hơn mê yêu. Trước đó, bạn cũng từng yêu, nhưng khi thấy bạn trai thích về quê còn mình lại yêu cuộc sống và sự nghiệp ở thành phố nên bạn quyết định chấm dứt tình cảm. Hiện tại, bạn cảm thấy thoải mái, tươi trẻ hơn hẳn khi tìm được thú vui mới là bộ môn xe đạp. “Vì có tuổi thơ cơ cực nên khi lớn lên, trong đầu tôi chỉ có chuyện kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền. Vậy nên khi có bạn trai rồi chia tay, tôi cũng không quá suy sụp. Thời gian trước đây dành cho bạn trai thì giờ tôi dành để đạp xe, vừa khỏe vừa có thêm nhiều bạn mới” – Mai vui vẻ nói.
Ngán sinh con không vì áp lực kinh tế
Không chỉ lười yêu, ngại cưới, nhiều người trẻ còn tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc đến chuyện sinh con. Nếu như thế hệ 7X, 8X không dám sinh nhiều con vì áp lực kinh tế thì các bạn trẻ 9X trở về sau lại thẳng thắn bày tỏ: họ vẫn không thích sinh con dù có thu nhập cao.
Từng hủy hôn trước ngày cưới 2 tháng vì chồng tương lai bắt phải lựa chọn giữa đam mê và gia đình, bạn Trần Thị Xuân Đào (26 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết bản thân không hề hối hận vì quyết định khi ấy. Xuân Đào kể: “Có lần đang bệnh nhưng tôi vẫn đi thiện nguyện ở vùng biên giới. Khi về thì chồng sắp cưới cảm thấy không hài lòng và trách tôi sao thích lo chuyện bao đồng. Anh còn bắt tôi phải nghỉ làm thiện nguyện, ở nhà làm một người nội trợ. Tôi không đồng ý, thế là chia tay”.
Bạn Xuân Đào tiết lộ thêm là ngay cả khi còn yêu, bạn cũng không hề nghĩ đến việc sinh con và đến bây giờ cũng vậy. Sau nhiều lần đôn đốc bất thành, cha mẹ Đào “lực bất tòng tâm” đành xuôi theo ý của con gái. “Chân tôi là chân đi, sinh con rồi không có thời gian chăm sóc, nuôi dạy con thì có lỗi với chúng lắm” – Đào nêu quan điểm.
Đối với nhiều đôi bạn trẻ, có con hay không không quan trọng, họ xem thú cưng là thành viên nhỏ của gia đình – Ảnh minh họa: Nhã Trân |
Cùng chung tư tưởng sợ sinh con, vợ chồng bạn Nguyễn Kiều Diễm – 25 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM – quyết định không sinh con mà nuôi thú cưng cho vui cửa vui nhà. Bé cún được đôi vợ chồng cưng nựng, chăm sóc cẩn thận. Diễm cho biết, chăm thú cưng thì được chứ bạn chưa tự tin để sinh, nuôi, chăm sóc một đứa trẻ, dù thu nhập của vợ chồng cũng thuộc dạng khá. “Vợ chồng tôi khá bận rộn, thường đi công tác xa nhà. Thú cưng thì mình có thể mang ra khách sạn thú cưng hoặc gửi nhà bạn bè, còn con cái thì khó mà làm như vậy được, nên thôi”.
Nhìn nhận về xu thế ngại kết hôn, sinh con của giới trẻ, thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng cho biết, việc nuôi thú cưng đã có từ lâu, tuy nhiên thời gian gần đây lại rộ lên cùng với trào lưu “lười yêu, ngại cưới”.
Thạc sĩ Trọng phân tích: dưới góc độ tâm lý, con người sẽ có những nhu cầu khác nhau, theo từng bậc. Đầu tiên là những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở; tiếp đến là nhu cầu an toàn; khi an toàn được đảm bảo rồi thì đến nhu cầu cao hơn là được yêu thương, được chăm sóc…
Đời sống kinh tế phát triển, giới trẻ hiện nay hầu như không phải lo nghĩ đến nhu cầu ăn, mặc, ở và an toàn, nên sẽ chú ý đến nhu cầu được yêu thương. Tuy nhiên, yêu thương, với một ai đó, có thể sẽ gặp một số khó khăn. Các bạn trẻ hôm nay thường tất bật với công việc.
Sau 8 giờ ở cơ quan thì người mệt mỏi, không muốn ra đường, không muốn giao tiếp hay phát triển, nuôi dưỡng những mối quan hệ yêu đương. Chính những điểm đó khiến các bạn có sở thích tự yêu thương, chăm sóc bản thân mình, nuôi thêm thú cưng để cảm nhận được sự yêu thương.
Chuyên gia nói thêm: mỗi người có những lý do và trải nghiệm riêng, cũng không có câu trả lời đúng sai về việc yêu đương và kết hôn. Quan trọng nhất là mỗi người cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với quyết định của mình. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay không nên tập trung quá mức vào một vấn đề mà bỏ quên những giá trị khác.
Tốt nhất, mỗi người phải cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế, khẳng định giá trị bản thân, chăm sóc sức khỏe tinh thần và dành thời gian cho tình yêu, hôn nhân; bởi hôn nhân và sinh con, nuôi con cũng là một trải nghiệm rất đặc biệt và nhiều ngọt ngào chứ không chỉ có khó khăn, vất vả.
Nhiều quốc gia châu Á chung cảnh ngộ với Việt Nam Một loạt quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều ghi nhận tỉ lệ sinh thấp kỷ lục trong năm 2023 và đối mặt với nỗi lo già hóa dân số ngày càng tăng. Tỉ lệ sinh tại Singapore giảm đều qua các năm, chỉ còn 0,97 con/phụ nữ vào năm 2023. Đây là năm đầu tiên trong lịch sử tổng tỉ suất sinh của Singapore giảm xuống mức dưới 1; trong khi năm 2022 là 1,04 con/phụ nữ và năm 2021 là 1,12 con/phụ nữ. Hàn Quốc đã phá vỡ kỷ lục tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới trước đó của chính họ khi ghi nhận tỉ lệ sinh trong năm 2023 chỉ còn 0,72 con/phụ nữ, giảm 8% so với mức 0,78 con/phụ nữ vào năm 2022. Tại Nhật Bản, số trẻ em được sinh ra trong năm 2023 giảm xuống mức thấp mới, đánh dấu năm thứ 8 giảm liên tiếp số ca sinh. Ở nước ta, thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân Việt Nam có xu hướng tăng dần và đạt 26,9 tuổi vào năm 2022. Trong đó, TPHCM là địa phương có độ tuổi kết hôn muộn nhất (29,8 tuổi) so với cả nước. |
Nhã Chân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/gioi-tre-va-trend-luoi-yeu-ngai-cuoi-so-sinh-con-a1523605.html” name=””]