Bị con cái chê bai không đẹp, không giàu, không giỏi bằng mẹ bạn dường như là câu chuyện không hề mới trong hành trình làm mẹ. Khi được chia sẻ, câu chuyện thường nhận được nhiều sự đồng cảm. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh có những góc nhìn rất riêng để có thể giúp các bậc cha mẹ nhìn ra con đường đồng hành cùng con khôn lớn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (Ảnh: NVCC) |
Không nên phản ứng bằng việc nổi giận, trách móc
Phóng viên: Có cô bé 9 tuổi không cho mẹ đưa đến tiệc sinh nhật của bạn chỉ vì “mẹ không trắng, không thơm, không đẹp như mẹ các bạn”. Trong những trường hợp tương tự, người mẹ đó phải nói như thế nào với con mình, thưa chị?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh: Trẻ đến một độ tuổi hay so sánh mình với người khác, việc so sánh mẹ cũng là điều hết sức bình thường. Chúng ta cần bình tĩnh phân tích cho con hiểu dù mẹ không xinh, không giàu… nhưng mẹ trân trọng cuộc sống, yêu thương con và luôn làm những điều tốt nhất cho con. Dù mẹ không giỏi, không giàu nhưng mẹ vẫn luôn chăm chỉ lao động để có tiền cho con ăn học, nuôi dạy con nên người… từng bước giúp con nhận ra giá trị của một con người không chỉ ở hình thức.
Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, có thể so với người khác thì mẹ không bằng (về sự đẹp, giàu…) nhưng nếu “nhìn xuống”, mẹ cũng có được nhiều thứ như sức khỏe, công việc, gia đình… Bản thân người mẹ cảm nhận được hạnh phúc thì sẽ làm cho con biết cách trân trọng hạnh phúc mình đang có.
* Theo chị, nếu rơi vào tình huống này, các bà mẹ phải ứng xử ra sao để con dễ hiểu nhưng lại thấy mình không quá “tội nghiệp”?
– Theo tôi, quan trọng nhất là thái độ của người mẹ. Bạn có từng cố so sánh con với người khác? Nếu bạn tập cho con chấp nhận bản thân, thấy được các giá trị của mình, đứa trẻ sẽ tự tin.
Không nên phản ứng bằng việc nổi giận, trách móc con cái (như: “Mẹ nghèo, xấu mà nuôi mày đến từng tuổi này để bị coi thường à?” hay “Qua nhà mẹ của bạn con mà ở!”…). Sự tức giận của người mẹ khiến đứa trẻ cảm thấy mình tội lỗi. Những lời đó hoàn toàn không giúp được con có suy nghĩ tích cực về bản thân và cuộc sống. Hãy luôn bình tĩnh, lắng nghe, thấu hiểu và đối thoại với con, giúp con suy nghĩ tích cực về cuộc sống quanh mình, không chỉ riêng hình ảnh của cha mẹ…
Ngoài ra, bạn có thể kể cho con nghe hoặc chỉ cho con nhìn các hình ảnh thực tế để con thấy cuộc sống xung quanh đa chiều hơn, ở đâu cũng còn rất nhiều người bất hạnh – chẳng hạn các em bé chậm phát triển trí tuệ, trẻ mồ côi, bệnh nhi ung thư… Các trẻ đó phải chiến đấu từng ngày để được sống. Vậy lý do gì mà con không thể vui sống và hài lòng với gia đình mình, với hình ảnh của cha mẹ mình!
cho trẻ trải nghiệm cuộc sống để thấy mình may mắn
* Một đứa trẻ đang ở độ tuổi hay so sánh rất khó chấp nhận lời giải thích của cha mẹ về cuộc sống của mình và người khác. Có cần áp dụng những gì trực quan sinh động hơn cho trẻ dễ thấm?
– Cho trẻ trải nghiệm cuộc sống bằng các hoạt động thực tế (thăm viện dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam…) để trẻ thấy mình hạnh phúc hơn biết bao người, qua đó giáo dục cho con lòng yêu thương, quan tâm, chia sẻ.
Cho trẻ xem những chương trình quà tặng cuộc sống, đọc sách giáo dục… Có thể dẫn chứng bằng câu chuyện về những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình khá giả nhưng vẫn cô đơn, buồn bã do cha mẹ luôn bận rộn…
Cuộc sống vốn không hoàn hảo, hạnh phúc là biết trân trọng những điều mình đang có. Nói với trẻ rằng nếu con muốn sau này có cuộc sống giàu sang, hãy nỗ lực để giỏi giang và thành công hơn cha mẹ. Đây cũng là điều kiện để chúng ta khích lệ và tạo động lực cho con.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Tạ Khánh Tâm (thực hiện)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hay-cho-tre-trai-nghiem-de-biet-minh-hanh-phuc-hon-nhieu-nguoi-a1489504.html” name=””]