Có phải chính không khí, đất trời của mùa xuân đã dẫn dắt câu chuyện của chúng tôi, “lái” chúng tôi về với nguồn cội?
Những ngày cuối năm, khi đất trời sắp sửa sang xuân, 3 đứa hẹn gặp nhau |
Năm nào cũng vậy, chúng tôi chọn những ngày cuối năm, khi đất trời sắp sửa sang xuân, khi thành phố trở mình se se lạnh, 3 đứa hẹn gặp nhau. Lần này gặp lại, những ký ức thời con gái với bậc sinh thành tuôn chảy tràn lan cả một miền ký ức…
Hương kể, thật ra là nhắc lại, bởi chuyện này Hương đã vài lần kể, mà mỗi lần như thế, những biểu cảm trên gương mặt đều y chang nhau, đôi mắt lúc nào cũng ngấn nước.
Mẹ Hương đột quỵ rồi mất khi bà mới 52 tuổi. Cái chết đột ngột của mẹ, Hương nói mình chưa kịp thực hiện vài lời hứa với mẹ, khi ấy Hương mới sinh con đầu lòng hơn 2 tháng.
Phải chi mẹ bệnh, để con cháu có cơ hội chăm sóc, thì cũng an ủi phần nào. Thương Hương đứt ruột. Tôi hiểu cảm giác mẹ cha đột ngột qua đời, không một lời tự biệt, khiến con cháu đau đớn, “Nhưng đó là cái chết nhẹ nhàng nhất”, tôi chỉ biết an ủi Hương.
Lài thì kể người về người cha của mình, bằng sự yêu thương và tiếc nuối. Lài mở điện thoại, đưa tôi xem những bức ảnh gia đình, có ba mẹ và 8 anh chị em. Lài say sưa giới thiệu.
Tôi lắng nghe và chia sẻ những kỷ niệm buồn vui với bạn mình. “Nhà rộng thênh thang, mà ba Lài chỉ thích ngồi mỗi góc này, đến nỗi hàng gạch bông mờ hẳn đi”.
Lài kể những điềm báo về cái chết đột ngột của cha, rồi bảo tiếc là lúc đó không ai nghĩ ra. Tôi thì nghĩ, mọi suy diễn về sau, cũng chỉ vì con cháu quá đau lòng nên cố nhớ lại những gì đã xảy ra với người đã khuất.
Tôi cũng có quá nhiều kỷ niệm mẹ cha mình, những kỷ niệm chỉ biết chôn chặt vào tim. Phụ nữ lấy chồng xa xứ, nghĩ về ba mẹ đã khuất với niềm tiếc thương, ray rứt, muốn chạy về đốt nén nhang thôi, cũng khó.
Chúng tôi, ngày ba mẹ còn sống thì hầu như tết nào cũng về, giờ ba mẹ mất rồi, vài ba cái tết mới về một lần. Thôi thì, đã coi TPHCM là quê hương thứ hai, thì tết cũng phải ở lại nơi này, với gia đình nhỏ, với con cái.
Ba mẹ, chẳng ai sống đời với con, thương ba mẹ thì để trong lòng vậy. Tôi nhắc 2 bạn, xuân về thì phải kể chuyện vui.
Tưởng chuyển đề tài, nhưng cuối cùng cả bọn lại “bo cua” quay về với gia đình lớn ở quê mà kể. Có phải chính không khí, đất trời của mùa xuân đã dẫn dắt câu chuyện của chúng tôi, “lái” chúng tôi về với nguồn cội?
Như đã hứa, cả bọn không kể chuyện buồn nữa, mà nhắc kỷ niệm vui ngày tết. Tôi nhớ đêm 30, mấy chị em quây quần bên nồi bánh chưng, vừa vốc từng vốc trấu cho vào bếp, thỉnh thoảng đun vài khúc củi dài, vừa hơ tay cho đỡ lạnh, và chuyện trò tán dóc rôm rả.
Hôm ấy, nhiệm vụ của tôi là đi gom những bộ quần áo được cho là đẹp của cả nhà, để ủi. Nhà đông người, quần áo chất cả giường, tôi và anh trai thay phiên nhau ủi, bằng cái bàn ủi con gà, than được gắp từ bếp lửa đun bánh chưng.
Còn nhớ cái tết nọ, chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa tới giao thừa, mà cái bàn ủi không biết ai mượn chưa trả, chị em tôi chia nhau đi hỏi hàng xóm. Khi nồi bánh chưng vừa chín thì bàn ủi mới được lấy về nhà.
Cũng cái tết đó, trong lúc ủi quần áo, tôi vụng về làm đổ than lên áo mới của người anh trai kế, làm cháy áo. Anh hờn giận đủ các kiểu, bắt mẹ tôi đi tìm mua lại cái áo khác. Mà giờ đó chợ đã đóng cửa rồi.
Những cái tết tuổi thơ luôn đong đầy nỗi nhớ (Ảnh minh họa) |
Anh tôi bây giờ quản lý một công ty thời trang, thỉnh thoảng nhắc kỷ niệm, anh em lại rưng rưng. Lài và Hương cũng kể về những cái tết tuổi thơ của họ, những kỷ niệm rong rêu của một thời gian khó, bên mẹ cha, anh chị em, mà chính họ đã dự phần trong ký ức buồn, vui, đẹp đẽ của Hương, của Lài.
Cà phê với nhau khá lâu, cả bọn ra về mà cảm thấy nói chuyện chưa thỏa. Tôi đến từ Quảng Nam. Lài từ Quảng Bình. Hương từ Hà Tĩnh. Cả ba đều là phụ nữ xa xứ, động viên nhau vui khỏe, cho nhau nhiều cái hẹn gặp hơn.
Phi Khanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hen-nhau-cuoi-nam-a1483366.html” name=””]