Hành trình của chị bạn tôi và cô gái ấy giống nhau, nhưng kết quả lại khác nhau – một bên kết nối hơn, một bên khủng hoảng hơn.
Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái. Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” – đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình. Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn. |
Chị bạn tôi từng rất đau khổ trong chuyện vợ chồng. Chị nghĩ vì chưa sinh con nên vợ chồng chị không có kết nối. Sau khi sinh con rồi, tình trạng giao tiếp giữa vợ chồng càng tệ hơn. Chị lại cho rằng có thể vì mình chưa sinh được con trai, vì mình không đi làm, vì mình mập quá…
Chị cứ chạy theo những lý do bên ngoài cho đến khi phải chấp nhận sự thật, rằng căn nguyên mọi vấn đề nằm ở trạng thái bấp bênh, từ nỗi sợ mình không xứng với chồng. Dù chồng chị vẫn luôn như vậy qua bao năm, vẫn dành sự quan tâm cho vợ; nhưng chỉ khi thay đổi bản thân, chị mới hiểu rõ hơn để trân trọng. Chị đi học vẽ, đọc sách về tâm lý đàn ông và phụ nữ, ưu tiên gặp gỡ những người bạn chất lượng, làm việc chú tâm hơn. Chị cứ bận rộn trong những điều mình muốn làm, thấy mình ngày càng tự tin. Chị không tập trung cải thiện mối quan hệ, nhưng lại được chồng yêu hơn.
“Bây giờ, cứ về đến nhà là anh ấy quấn quýt chuyện trò với vợ, hạnh phúc lắm em ạ” – chị nói.
Ảnh minh họa |
Nhưng ở trường hợp khác, cũng từ rạn nứt trong hôn nhân, một cô gái cũng tìm lại sở thích vẽ tranh, đọc sách, tham gia các khóa học, dành thời gian riêng cho mình. Niềm say mê khám phá bản thân của cô lại bị chồng đánh giá là “Lắm chuyện, không lo mà chăm con”. Cô làm gì cũng khiến anh ngứa mắt. Mỗi khi cô muốn đi đâu, dù đã sắp xếp hết cho con cái, chồng cô vẫn rất khó chịu, ngăn cấm. Mỗi khi cô ở nhà, anh lại chỉ ôm điện thoại, chưa từng chủ động gần gũi với vợ.
Hành trình của chị bạn tôi và cô gái ấy giống nhau, nhưng kết quả lại khác nhau – một bên kết nối hơn, một bên khủng hoảng hơn. Vậy nên bản chất vấn đề ở đây là: mục đích đầu tiên để phụ nữ thay đổi nên là nhằm phát triển bản thân chứ không phải để được chồng hay ai đó yêu nhiều hơn.
Cô gái kia cuối cùng cũng quyết định buông tay. Cô chọn ly hôn trong một trạng thái rất bình tĩnh, văn minh. Mặc kệ người kia ứng xử ra sao, cô không cho rằng những nỗ lực của mình là vô ích. Cô vẫn tiếp tục học, đọc và không hạ thấp giá trị bản thân qua những lời phán xét của chồng, không tự ti chỉ vì đã qua một lần đò. Cô vững vàng để lo cho con và sẵn sàng đón nhận tình yêu mới.
Khi bắt đầu học yêu thương chính mình, những gánh nặng về sự hy sinh và mong chờ được đền đáp sẽ không còn. Việc được chồng yêu hay không yêu cũng chỉ là “tác dụng phụ” của quá trình thay đổi bản thân phụ nữ theo hướng tích cực. Một khi đi sâu vào để giải quyết vấn đề từ chính mình, vướng mắc dần được tháo gỡ, tình yêu sẽ trở nên cởi mở, thoáng đãng và tự do.
Cát Tường
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hoc-cach-yeu-minh-a1528486.html” name=””]