Việc giới trẻ mất kết nối với họ hàng một phần do các bậc cha mẹ chưa biết cách giải thích cho con hiểu về tầm quan trọng của mối quan hệ này.
“Con ơi, tết Tây này rảnh không, chú Út nhờ con về bưng mâm cho đám hỏi thằng An”. Trước nghỉ lễ 1 tuần, Thế Anh – 24 tuổi, đang làm nhân viên văn phòng ở TPHCM – nhận được tin nhắn của mẹ, chuyển lời của chú Út rủ về nội chơi dịp lễ, sẵn tiện bưng mâm quả cho cậu em họ.
Xa mặt cách lòng
Đọc tin nhắn của mẹ, Thế Anh chợt lưỡng lự, chưa biết trả lời sao. Ký ức của anh về “thằng An con chú Út” là một thằng bé tinh nghịch, hay cùng anh chơi bắn bi, vậy mà giờ sắp lấy vợ rồi. Thời gian thấm thoát đã hơn 20 năm và trong trí nhớ của Thế Anh đã quên mất mình có đứa em họ.
“Tuổi thơ của tôi không gắn bó với anh chị em họ, sau này đi làm, thi thoảng chỉ gặp nhau mỗi dịp tết nên không có nhiều tình cảm. Xa mặt cách lòng mà” – Thế Anh chia sẻ.
Anh chị em họ tụ họp ăn uống là một cách thắt chặt tình thân – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tương tự, Trí Lộc – 31 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM – mỗi năm dường như chỉ gặp họ hàng bên nội vào dịp tết. Anh không nắm rõ những thông tin liên quan bên nhà nội, chẳng hạn như các cô chú hiện nay kinh tế ra sao, con cái đi học, đi làm ở đâu. Mỗi lần đi chúc tết, sau khi chào hỏi và trò chuyện những câu chung chung về công việc, sức khỏe, anh thường không biết nói gì nữa.
Thêm một lý do khiến Lộc ngại nói chuyện với họ hàng vì những câu hỏi “khó đỡ” mỗi lần về quê. Lộc nằm lòng những câu của cô chú hay hỏi như: “Con trai gì mà nhút nhát vậy?”, “Chừng nào cưới vợ?”, “Làm trên đó lương tháng bao nhiêu?”… Dù biết đó chỉ là những lời hỏi thăm theo thói quen nhưng chúng vẫn khiến anh thấy sượng.
Người ở quê thường thích khoe con cháu. Những tấm gương điển hình kiểu như “con chú Sáu ra trường làm bác sĩ bệnh viện lớn”, “con cô Út lấy chồng bán tiệm vàng khá lắm”… khiến Lộc cảm thấy mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng của mình thật khiêm tốn. Do vậy, anh thường trả lời qua loa cho xong chuyện rồi tìm cách trốn khỏi bàn ăn.
Mỗi lần về quê, Hương Thùy – 30 tuổi, quê Phú Yên – cũng ngại nếu gặp họ hàng. “1 năm chỉ gặp nhau 1 lần, mọi người cũng không biết nói gì với nhau. Ngồi một hồi, có dì lại đem chuyện em gái tôi học dở, mê chơi ra bàn luận, rồi tò mò hỏi sao nhà tôi bán đất vườn… Quanh quẩn cũng mấy chuyện lương bổng, chồng con, chuyện nội bộ gia đình. Nói một hồi lại có cảm giác như mình kém cỏi, chưa đủ giàu và chưa đủ giỏi” – Thùy thổ lộ.
Theo Thùy, có thể khoảng cách thế hệ, lối suy nghĩ của họ hàng ở quê và người trẻ ở thành thị khác nhau. Từ đó, người trẻ khó hòa nhập với họ hàng mỗi khi gặp gỡ. Cô nói: “Nếu họ hàng bớt hỏi những câu quá riêng tư, đôi khi xoi mói, và dễ tính với con cháu hơn thì tôi nghĩ mối quan hệ giữa bạn trẻ như tôi với họ hàng sẽ cải thiện nhiều”.
Cha mẹ nên làm cầu nối thắt chặt tình thân
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Hoàng Dũng – giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) – nhận định, việc giới trẻ mất kết nối với họ hàng một phần do các bậc cha mẹ chưa biết cách giải thích cho con hiểu về tầm quan trọng của mối quan hệ này.
Trong những buổi họp mặt dòng họ, thay vì “điểm mặt, chỉ tên” giới thiệu qua loa về cách xưng hô, vai vế, cha mẹ cần giải thích thêm cho con hiểu về sự gắn kết của từng gia đình, từng thành viên đối với gia đình nhỏ của mình; đồng thời, phân tích cho con về lợi ích, giá trị, ý nghĩa của mối quan hệ họ hàng.
Anh Văn Nghĩa thường xuyên nhận được tin nhắn của anh chị em họ rủ về quê đổ bánh xèo, hấp bánh chuối ăn – Ảnh: Thành Vũ |
Ông Nguyễn Hoàng Dũng phân tích: “Con người khác với robot ở chỗ chúng ta có tình thương, có sự gắn kết, có nguồn cội, có những người bà con ruột thịt. Nếu mất đi thì chẳng khác nào chúng ta như những cỗ máy vô tri vô giác ngoài kia. Tất nhiên, họ hàng cũng sẽ có người này, người kia, nhưng khi khó khăn hay biến cố ập đến, họ hàng sẽ là những người sau cha mẹ, anh chị em ruột, sẵn sàng đùm bọc và giúp đỡ chúng ta bởi một sợi dây liên kết là tình máu mủ”.
Để tăng cường sự gắn kết giữa gia đình với gia đình, giữa thế hệ già và thế hệ trẻ, những người đi trước có trách nhiệm khơi gợi cho con, em, cháu của mình về mối liên kết trong dòng họ, về vai vế, cách xưng hô. Nếu con, cháu, em không nhận ra hoặc không biết cách xưng hô, ứng xử sao cho đúng thì người lớn phải đứng ra chỉ dạy, nhắc nhớ chứ không nên “ngó lơ” rồi chỉ trích.
Bên cạnh đó, ngày nay mạng xã hội rất phổ biến, hầu như người người, nhà nhà đều sử dụng. Đây cũng chính là công cụ giúp thắt chặt mối quan hệ họ hàng dù mọi người không ở gần nhau.
“Thay vì like, thả tim, bình luận dạo cho những người không quen biết, chúng ta hãy kết bạn và tương tác với người thân, họ hàng trên mạng xã hội. Không nhất thiết phải đến nhà thăm hỏi, tặng quà mới là vun đắp tình nghĩa họ hàng. Đơn giản chỉ bằng vài sự tương tác như vậy thôi cũng đã góp phần giữ ấm cho mối quan hệ rồi” – ông Nguyễn Hoàng Dũng gợi mở.
Ở xa nhưng lòng vẫn gần Anh Văn Nghĩa – 29 tuổi, ngụ TPHCM – nhớ một đêm cách đây 7 năm, anh nhận được tin nhắn của cha: “Cô Ba mất rồi con ơi”. Tức tốc, anh gom vài bộ đồ cho vào ba lô rồi chạy xe máy từ TPHCM về Tiền Giang ngay trong đêm để nhìn mặt cô lần cuối. “Lúc đó, tôi xin nghỉ phép 3 ngày, đưa tiễn cô xong mới trở lại làm việc” – Nghĩa nói. Gia đình lập nghiệp ở nơi xa, cách biệt với họ hàng từ nhỏ, 1 năm cũng chỉ gặp 1 lần vào dịp tết, nhưng theo Nghĩa, tình cảm họ hàng là thiêng liêng. Người ta nói bán bà con xa mua láng giềng gần, nhưng cha mẹ Nghĩa luôn dạy anh vừa vun đắp tình hàng xóm, vừa giữ thâm tình với bà con xa mới vẹn toàn. Nhờ vậy, khi cha anh bị bệnh, phải nằm viện mấy hôm, nhà lại đơn chiếc nên khi đang lo không ai túc trực, chăm sóc thì anh nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của các chị con cô, con cậu hỏi thăm và hứa sẽ lên bệnh viện phụ chăm sóc, làm anh rất xúc động. “Cứ sắp đến lễ, tết là điện thoại của tôi lại tràn ngập các tin nhắn của anh chị em họ. Người kêu về chơi, người dụ về rồi nấu cháo gà, đổ bánh xèo cho ăn. Nhận những tin nhắn như vậy, tôi cảm thấy tuy mình xa quê nhưng luôn gần gũi với họ hàng” – Nghĩa tâm sự. |
Ngày hội gia đình Vốn gốc miền Trung vào TPHCM lập nghiệp, gia đình tôi ít có điều kiện về thăm quê. Cho nên mỗi dịp lễ tết, cha mẹ tôi hay có thói quen bày biện nấu nướng rồi rủ các gia đình họ hàng cùng quê hiện đang sống tại thành phố đến chơi. Món ăn cũng không có gì cao sang, thường là người chủ trì sẽ thông báo về món ăn chính, sau đó mỗi người tham dự sẽ hào hứng đăng ký món đóng góp của mình: người góp nghêu, sò, ốc, hến, người hái rau nhà, người xung phong mua bia, người mua trái cây tráng miệng… Anh chị em quây quần nấu nướng, mấy đứa con nít chúng tôi thì chơi giỡn với nhau. Cách tổ chức những “ngày hội gia đình” của cha mẹ, chú bác tôi như thế đã giúp chúng tôi thân thiết với họ hàng. Anh chị em họ cũng trở nên gần gũi như anh em ruột thịt. Sau này lớn lên, chúng tôi cũng duy trì nền nếp này. Chỉ khác là thay vì phải gọi điện như cha mẹ ngày xưa thì giờ đây anh chị em chúng tôi liên lạc, kết nối, hẹn hò nhau qua nhóm chat gia đình trên mạng xã hội. Tết này, chúng tôi định sẽ rủ nhau mặc dress code màu vàng để chụp hình đại gia đình và đi chúc tết từng nhà. Chị Hồ Thị Minh Hà |
Lạc – Vũ – Chân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khi-nguoi-tre-xa-cach-ho-hang-a1531493.html” name=””]